Phấn đấu đến năm 2020: 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), thời gian qua, bên cạnh sự phát triển nội lực, ngành Dược Việt Nam đã chủ động hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tính đến tháng 11/2014 đã có 133 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia sản xuất được vắc xin với 12 loại, sử dụng phòng 10/12 bệnh trong Chương trìnhTiêm chủng mở rộng. Hiện có khoảng 10.000 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP, hệ thống bán lẻ thuốc đạt trên 39.000 điểm, góp phần đảm bảo cung ứng thường xuyên thuốc phòng, chữa bệnh cho người dân..
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, ngành Dược nước ta đã có bước phát triển vượt bậc với mức tiêu dùng thuốc bình quân hiện nay lên tới 31,18 USD/người/năm, gấp rưỡi so với 5 năm trước. Tuy nhiên, hiện 90% nguyên liệu sản xuất thuốc ở nước ta là nhập từ nước ngoài. Công nghiệp dược Việt Nam vẫn là công nghệ bào chế, sản xuất thuốc generic - loại thuốc được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn và đa phần có có dạng bào chế đơn giản, chi phí cho nghiên cứu phát triển thấp, cơ cấu sản phẩm trùng lắp, thiếu định hướng vĩ mô, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Hiện thuốc nội chỉ chiếm 50% tổng giá trị tiêu thụ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng đánh giá, ngành Dược chưa phát huy được tiềm năng của dược liệu và thuốc từ dược liệu Việt Nam. Tình trạng dược liệu không kiểm soát được nguồn gốc, tỷ lệ dược liệu kém chất lượng còn cao; sự kết hợp giữa quy hoạch vùng nuôi trồng, khai thác dược liệu với sản xuất thuốc từ dược liệu còn lỏng lẻo, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thuốc từ dược liệu.
Hiện nay, hệ thống phân phối thuốc của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về trình độ và công nghệ quản lý, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, thiếu liên kết, nhiều tầng nấc trung gian. Ngành Dược Việt Nam chưa giữ được thế chủ động để giảm sự phụ thuộc nước ngoài, đặc biệt trong việc điều tiết thị trường, quản lý giá, bảo đảm nguồn cung thuốc chuyên khoa, đặc trị, vắc xin khi có dịch bệnh.
Bên cạnh đó, vấn đề lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc chưa hợp lý, chưa an toàn do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường làm tăng chi phí khám chữa bệnh của người dân và ngân sách Nhà nước, trong khi vai trò của dược sỹ lâm sàng trong việc tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý cho bác sỹ, bệnh nhân trong cơ sở y tế, công đồng còn rất mờ nhạt, nhiều nơi còn bỏ ngỏ….
Trong Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2030, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu, đến 2020 thì 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, phấn đấu sản xuất được 20% nguyên liệu cho sản xuất thuốc, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm. Trong số đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%, vắc xin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ. 100% cơ sở kinh doanh thuốc thuộc hệ thống phân phối thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành tốt, 50% cơ sở kiểm nghiệm và 100% cơ sở kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế đạt tiêu chuẩn thực hành tốt; đạt tỷ lệ 2,5 dược sỹ/10.000 dân, trong đó dược sỹ lâm sàng chiếm 30%.
Để quản lý chặt chẽ giá thuốc, đảm bảo giá hợp lý tới tay người sử dụng, ngành Y tế sẽ xây dựng 5 trung tâm phân phối thuốc tại miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ nhằm giảm bớt đầu mối phân phối thuốc hiện nay, để giảm giá thuốc. Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc và xây dựng các danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá, danh mục thuốc trong nước đáp ứng đủ nhu cầu.
Phương Anh
thanhtra.com.vn
|