Những khu đô thị “ngủ quên”: Đau đầu với câu hỏi 'tiền đâu?'
Thiếu tiền, năng lực nhà đầu tư hạn chế là hai nguyên nhân chính khiến các khu đô thị mới phát triển ì ạch trong hàng chục năm qua.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đề cập trong những bài trước, ba khu đô thị (KĐT) mới Nam TP, Tây Bắc và cảng Hiệp Phước đã và đang là những bài toán khó đối với TP.HCM. Để tạo cú hích cho các KĐT này cần phải có nguồn lực tài chính “khủng” và đòi hỏi nhà đầu tư thực sự có năng lực.
Dở dang vì khủng hoảng kinh tế
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 2008, 2009 đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đầu tư các KĐT này. Ông Huỳnh Minh Cường, Phó BQL KĐT Tây Bắc, cho hay: Năm 2005, khi TP chấp thuận cho kêu gọi đầu tư, hàng loạt doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước liền ồ ạt nhảy vào ngay cả khi quy hoạch 1/5.000 của KĐT này còn chưa được phê duyệt.
“Tính đến năm 2008, số nhà đầu tư đăng ký nhiều đến mức diện tích đất của toàn khu lúc đó chỉ có 6.000 ha nhưng số lượng đăng ký lên đến 12.000 ha! (hiện quy hoạch của KĐT Tây Bắc là 9.000 ha). Lúc đó chúng tôi gần như quá tải do phải liên tục tiếp nhà đầu tư” - ông Cường nhớ lại.
Tuy nhiên, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, thị trường bất động sản đóng băng thì các nhà đầu tư đều rút lui hết. Đến nay KĐT Tây Bắc chỉ có vài nhà đầu tư trụ lại với tổng diện tích khoảng 1.750 ha/9.000 ha.
Trong bốn khu đô thị mới, chỉ có khu đô thị Thủ Thiêm đã cơ bản bồi thường xong. Trong ảnh: Thi công xây dựng khu tái định cư phường Bình Khánh, quận 2. Ảnh: HTD
|
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại KĐT Nam TP và KĐT cảng Hiệp Phước. Ông Hồ Trung Hiếu, Phó BQL khu Nam, cho biết: “TP chính thức khởi động dự án từ năm 2000. Đến năm 2008 đã bồi thường được khoảng 70% diện tích toàn khu, đưa vào khai thác khoảng 67% diện tích đã bồi thường. “Chỉ trong tám năm mà tiến độ như vậy là không chậm. Tuy nhiên, từ năm 2009, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và chính sách thắt chặt tiền tệ, hạn chế cho vay bất động sản đã khiến mọi hoạt động đầu tư, xây dựng đứng yên từ đó đến nay”.
Mỏi mắt tìm nhà đầu tư đủ năng lực
Theo BQL khu Nam, năm 2013 UBND TP đã thu hồi 30 dự án có tỉ lệ bồi thường dưới 50% (trong 94 dự án trên địa bàn khu Nam). Theo ông Hồ Trung Hiếu, nhiều dự án trong khu Nam được thực hiện trước khi có quy định về năng lực của chủ đầu tư (phải có vốn sở hữu tối thiểu 15% trên tổng mức đầu tư với dự án dưới 10 ha). Do đó khi thị trường bất động sản đóng băng thì gần như các nhà đầu tư năng lực yếu cũng “chết” theo.
“Nhà đầu tư không phải chỉ mạnh về vốn mà còn phải có kinh nghiệm xây dựng, quản lý, điều hành dự án. Trong khu Nam hiện chỉ có duy nhất Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng thực sự có đủ năng lực tài chính lẫn kinh nghiệm. Còn các nhà đầu tư trong nước nhiều khi có vốn thì lại thiếu năng lực xây dựng, quản lý dự án hoặc thiếu cả hai nên dự án thường manh mún, nhỏ lẻ. Làm xong các thủ tục thì họ chỉ đầu tư cầm chừng” - ông Hiếu khẳng định.
Hai khó khăn nêu trên là nguyên nhân chính đã “níu chân” ba KĐT mới suốt hàng chục năm qua. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo cả ba KĐT đều không thể trả lời câu hỏi: Khi nào KĐT sẽ hình thành theo quy hoạch được duyệt. “Để có được một KĐT như mong muốn chỉ có thể trông chờ vào… thiên thời, địa lợi mà thôi” - một vị lãnh đạo thở dài.
Đa phần các dự án trong khu Nam đều do DN thương lượng bồi thường với người dân nên thường dẫn tới tình trạng da beo. Còn muốn thực hiện theo phương án bồi thường chung thì thủ tục quá lâu. Ví dụ, trước khi lập phương án bồi thường phải có chứng thư thẩm định giá (chỉ có giá trị sáu tháng). Đến khi DN làm xong phương án bồi thường thì chứng thư thẩm định hết hạn, phải đi làm lại. Cứ thế nên DN nản lòng, dự án cũng kéo dài hơn.
Ông Hồ Trung Hiếu, Phó BQL KĐT Nam TP
Để đầu tư các dự án trong KĐT Thủ Thiêm, DN phải có vốn từ vài trăm triệu đến hàng tỉ USD. Những nhà đầu tư có đủ nguồn lực thì mới được tham gia đầu tư. Sau khi đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, họ có quyền mời gọi các nhà đầu tư khác cùng tham gia.
Ông Trang Bảo Sơn, Phó BQL KĐT Thủ Thiêm
|
Việt Hoa
pháp luật tphcm
|