Doanh nghiệp bất động sản chuyển động ra sao sau 9 tháng?
9 tháng đầu năm 2014, bức tranh lợi nhuận các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tiếp tục được tô những gam màu sáng khi tồn kho giảm mạnh và lợi nhuận đã có sự phân hóa ít hơn nhờ nhiều doanh nghiệp có kết quả tốt hơn.
Tồn kho giảm 4,500 tỷ đồng
Theo thống kê của Vietstock, tại thời điểm 30/09/2014, tổng giá trị hàng tồn kho các doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn ở mức hơn 72,000 tỷ đồng, giảm hơn 4,500 tỷ đồng, tương ứng 6% so với đầu năm 2014.
Một số doanh nghiệp giảm tồn kho nhiều như NDN, ITC, VC7, VIC, RCL, TIX, KHA, C21, SCR… Nổi bật có thể thấy ITC sau khi hoàn tất chuyển nhượng xong dự án Intresco Tower đã giúp giá trị tồn kho của ITC giảm gần 430 tỷ đồng so với đầu năm khi ở mức 1,242 tỷ đồng.
Riêng VIC, tồn kho giảm 28% so với cuối năm 2013, tương ứng giảm hơn 5,300 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản để bán đang xây dựng của VIC giảm mạnh nhất, xuống còn 6,947 tỷ đồng, gồm chi phí liên quan tại dự án Vinhomes Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội, Royal City và Times City, hạng mục biệt thự thuộc Vinpearl Hội An, Vinpearl Nha Trang…
Ngoài ra, hiện VIC đang tồn kho 6,524 tỷ đồng bất động sản để bán thuộc dự án Royal City và Times City, dự án khách sạn Vinpearl Đà Nẵng Luxury, cơ sở hạ tầng dự án Vinhomes Riverside, các căn hộ mua để bán tại TPHCM…
Ngược lại, tồn kho của D11, BII, PXL, CLG, HQC, ASM, SJC… lại tăng đáng kể. Chẳng hạn như PXL có tổng giá trị tồn kho gần 414 tỷ đồng, gồm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 289 tỷ đồng và hàng hóa bất động sản gần 125 tỷ đồng. PXL cho biết những dự án đã và đang triển khai đều vẫn ở giai đoạn đầu tư, giá trị đầu tư tương đối lớn nhưng chưa có doanh thu và lợi nhuận. Đây đều là các dự án đầu tư trung và dài hạn, doanh thu và lợi nhuận dự kiến sẽ thu được sau từ 2 đến 5 năm.
Cơ cấu nợ ngắn hạn sang dài hạn?
Đến cuối tháng 09/2014, một điểm khá thú vị đối với cơ cấu nợ của các doanh nghiệp niêm yết là nợ ngắn hạn giảm hơn 10,400 đồng còn nợ dài hạn tăng hơn 9,500 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Nợ ngắn hạn và dài hạn của các doanh nghiệp bất động sản tại cuối quý 3/2014
Điểm qua một vài doanh nghiệp có nợ lớn trên sàn, xu hướng nợ ngắn hạn giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm thì nợ dài hạn lại tăng lên. Chẳng hạn VIC có nợ ngắn hạn giảm 30%, còn hơn 18,675 tỷ đồng thì nợ dài hạn tăng 21%, ở mức 36,821 tỷ đồng.
Hay như DIG, nợ ngắn hạn giảm mạnh 43%, tương ứng 653 tỷ đồng thì nợ dài hạn lại tăng vọt 147%, ở mức 1,724 tỷ đồng (tăng 1,023 tỷ đồng) so với đầu năm.
Việc các doanh nghiệp có thể cơ cấu nợ vay ngắn hạn sang dài hạn cho thấy nhiều dấu hiệu khả qua trong việc huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản, giúp giảm bớt áp lực trả nợ trong ngắn hạn.
Chẳng hạn như FLC, đến cuối quý 3/2014, nợ vay ngắn hạn còn khoảng 368 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nợ phải trả trong khi đầu năm 2014 là 85%, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu giảm từ 66% xuống còn 33%. Trong năm nay, FLC đã huy động thành công hơn 2,300 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu. Giá trị vốn chủ sở hữu FLC vào thời điểm cuối quý 3 đạt hơn 3,793 tỷ đồng, tăng gấp 3 so với thời điểm đầu năm.
Sự phân hóa lợi nhuận giảm dần
Tính đến 02/12 (đã quá hạn cuối nộp BCTC quý 3/2014 hơn nửa tháng) nhưng trên sàn vẫn còn một doanh nghiệp bất động sản chưa công bố báo cáo đó là Địa ốc Dầu khí (HNX: PVL). Trong 62/63 doanh nghiệp bất động sản niêm yết, sự phân hóa về lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2014 không còn nhiều khi lợi nhuận của VIC giảm xuống trong khi nhiều tên tuổi lớn khác như FLC, ITA, KBC, KDH, HDG… tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo đó, tổng lợi nhuận ngành bất động sản tạo ra trong 9 tháng đầu năm 2014 giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước khi chỉ còn 4,230 tỷ đồng. Điều này chủ yếu do VIC giảm mạnh hơn 52% lãi ròng, đạt mức 2,827 tỷ đồng. Lợi nhuận của VIC sau 9 tháng chiếm 67% tổng lợi nhuận toàn ngành, trong khi cùng kỳ năm trước chiếm đến 99%. Kết quả này của VIC chủ yếu do doanh thu tài chính giảm mạnh 81% so cùng kỳ, vì thực tế doanh thu từ hoạt động chính của VIC đã tăng trưởng rất mạnh, hơn 85% để vượt mốc 1 tỷ USD, tương ứng hơn 21,524 tỷ đồng.
Bức tranh lợi nhuận ngành bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2014
Ngược lại, hàng loạt doanh nghiệp lớn cho thấy sự bứt phá trở lại về kết quả kinh doanh sau 9 tháng, chẳng hạn như FLC, KBC, ITA… Trong đó, đáng chú ý là ITA khi tăng trưởng mạnh từ hoạt động chính.
ITA dẫn đầu top tăng trưởng lợi nhuận, với mức tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, nhờ hàng bán trả lại giảm đáng kể, chỉ còn hơn 110 tỷ đồng nên doanh thu thuần ITA đạt được gấp 12 lần so với 9 tháng đầu năm 2013. Trong cơ cấu doanh thu ITA, doanh thu cho thuê tài chính nhà xưởng, kho bãi và văn phòng chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn 137 tỷ đồng, tiếp đó là doanh thu bán lô đất và cơ sở hạ tầng gần 98 tỷ đồng và doanh thu cung cấp dịch vụ 32 tỷ đồng. Kết quả, ITA đạt lãi ròng 97.45 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch cả năm 2014 thì lợi nhuận ITA đã thực hiện 90%, nhưng doanh thu chỉ mới 47%.
Những doanh nghiệp có lãi tăng trưởng gấp đôi trở lên
Ngoài những doanh nghiệp tăng trưởng nóng trên, điểm nhấn trong ngành bất động sản trong 9 tháng đầu năm nay là nhiều doanh nghiệp đã bước sang trang mới khi lợi nhuận xoay 180 độ, từ lỗ sang lãi. Nổi bật là KDH và KBC, cả hai đều đạt lãi lần lượt hơn 70 tỷ đồng và 165 tỷ đồng trong khi 9 tháng đầu năm 2013 lỗ 139 tỷ đồng và 129 tỷ đồng.
Trong khi KDH có định hướng chiến lược phát triển phân khúc nhà phố với việc mở bán 2 dự án là Mega Residence và Mega Ruby thì KBC vẫn tiếp tục ghi nhận lãi từ hoạt động cho thuê đất, cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp.
Các doanh nghiệp từ lỗ sang lãi
Sự tích cực trong kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm 2014 còn thể hiện qua 8 doanh nghiệp đã vượt kế hoạch lãi cả năm. Trong đó, cả IDV và NDN là hai đơn vị vượt gấp 3 lần kế hoạch, với lãi ròng lần lượt là 48 tỷ đồng và 35 tỷ đồng.
8 doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2014
Doanh nghiệp lỗ đang có xu hướng cải thiện
Thống kê của Vietstock cũng cho thấy, vẫn còn 15 doanh nghiệp còn lỗ sau 9 tháng đầu năm 2014. Lỗ nặng nhất thuộc về Nhà Việt Nam (NVN) với con số hơn 22 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ. Lỗ lũy kế NVN đến cuối quý 3 đã hơn 100 tỷ đồng, sắp vượt mặt con số vốn điều lệ 106.5 tỷ đồng. Cũng phải nói thêm là hai năm trước 2012 và 2013, NVN cũng lỗ lần lượt 51 và 43 tỷ đồng. Nếu quý 4/2014 này không cải thiện đáng kể về lợi nhuận, khả năng hủy niêm yết của NVN là rất cao.
Tuy nhiên, ngay trong lúc vẫn còn thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đã cho thấy sự tiến triển đáng kể khi hầu hết đều giảm lỗ đáng kể, chẳng hạn như ITC, PFL, PV2 hay NLG…
Không quá bi quan như vậy, nhưng về tương đối, lãi ròng 9 tháng đầu năm 2014 giảm mạnh nhất thuộc về CotecLand (CLG) và Địa ốc Hoàng Quân (HQC), với mức giảm lần lượt 82% và 62%.
Với HQC, các dự án nhà ở xã hội được xem là tiên phong và kỳ vọng lớn trong năm nay vẫn chưa được ghi nhận doanh thu. Nguồn thu HQC trong 9 tháng đầu năm 2014 chủ yếu đến từ doanh thu tài chính (lãi tiền gửi và cho vay) nên cũng dể hiểu vì sao lãi ròng theo đó chỉ còn 10.5 tỷ đồng, giảm 62% so cùng kỳ năm trước. Cũng theo HQC, các dự án của HQC phần lớn sẽ được ghi nhận vào cuối năm 2014, 2015 và các năm tiếp theo.
12 doanh nghiệp giảm lãi so với cùng kỳ năm trước
15 doanh nghiệp còn lỗ trong 9 tháng đầu năm 2014
Sanh Tín
|