Nền kinh tế Mỹ mạnh đến đâu
Theo số liệu chính thức của Bộ Thương mại Mỹ hôm 25/11, tăng trưởng GDP quý III của nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt 3,9%, cao hơn ước tính ban đầu là 3,5%. Trước đó, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 4,6% trong quý II - mức tăng lớn nhất kể từ cuối năm 2003. Như vậy tính đến quý III, Mỹ ghi nhận 6 tháng tăng trưởng mạnh nhất trong 10 năm qua.
Bước tiến mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ
Chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh tăng mạnh là 2 yếu tố chính hỗ trợ đà tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ trong quý III. Theo đó, chi tiêu tiêu dùng - đóng góp khoảng 70% vào GDP Mỹ - tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường việc làm cải thiện trong khi giá nhiên liệu giảm thấp là động lực chính thúc đẩy người dân Mỹ chi tiêu nhiều hơn. Trong khi đó, đầu tư kinh doanh cũng tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng dự báo 4,7%.
Phiên giao dịch ngày 27/11, cả 2 chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều đang ở mức cao chưa từng thấy trước đây.
|
Như vậy báo cáo GDP quý III của Mỹ là một lời khẳng định chắc chắn hơn về đà phục hồi và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo dự báo của giới chuyên gia, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý IV với một loạt số liệu khả quan, từ lĩnh vực sản xuất đến việc làm và doanh số bán lẻ.
Tuy vậy, vẫn còn một cái nhìn khác về nền kinh tế Mỹ. Trong quý III năm nay, bất động sản chỉ tăng 2,4% so cùng kỳ năm ngoái. Điều đó một phần nguyên nhân là do quý đầu tiên không may mắn, khi nền kinh tế sút giảm 2,1% so với tốc độ tăng trưởng hàng năm.
Ngoài ra, tăng trưởng ở lĩnh vực tiền lương và giá cả đều khá yếu. Tăng trưởng thu nhập trung bình hàng tuần chỉ tăng 2,8% so với năm ngoái: một mức khá khiêm tốn so với đà phục hồi. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 1,5% trong quý III, giảm so với mức tăng 1,6% trong quý II.
Khi Fed vẫn duy trì chính sách lãi suất gần bằng 0 thì những tồn tại trên cho thấy rõ một điều là chính sách tiền tệ của Mỹ vẫn còn chưa hoạt động ở trạng thái bình thường trong bối cảnh nền kinh tế đã được cải thiện, trong khi mức độ tăng lương và lạm phát vẫn ở mức thấp một cách đáng thương.
Mặc dù không có áp lực lạm phát, nhưng Fed vẫn có sự chuẩn bị: đợt tăng lãi suất đầu tiên có thể đến vào năm tới, sớm nhất là vào nửa đầu năm tới nếu tăng trưởng ở Mỹ tăng tốc. Tuy nhiên, Fed chắc chắn sẽ vẫn chú ý đến một số điều mà có thể phù hợp với bối cảnh đặc thù này. Đó là những gì?
Những vấn đề mà Mỹ lưu tâm
Trước tiên, đó là một nền kinh tế mà trong đó dữ liệu GDP gần đây khiến mọi người lạc quan thái quá. Tăng trưởng nhanh trong hai quý cuối cùng của năm có thể là một phần bù đắp cho sự không ổn định bởi thời tiết cực đoan đầu năm nay. Trong vấn đề này, chúng ta nên dự đoán, tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm hơn trong thời gian tới do mối liên hệ với giá cả và tiền lương. Điều này làm giảm sự hấp dẫn về triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Do vậy, Fed nên theo dõi chặt chẽ đối với bất kỳ dấu hiệu nào kéo lùi sự tăng trưởng.
Điều thứ hai, có thể nền kinh tế Mỹ đã gặp khá nhiều may mắn. Nền kinh tế Mỹ là tương đối khép kín. Do đó, một nhân tố làm giảm tốc độ tăng trưởng không gây ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế nếu kết quả của việc lạm phát yếu tốt cho người tiêu dùng.
Có thể nói, về cơ bản nền kinh tế Mỹ không thay đổi quá nhiều so với một, hai năm trước, nhưng nó đã được hỗ trợ bởi giá xăng dầu và các mặt hàng khác giảm. Trong trường hợp này, Fed cũng nên cảnh giác khi có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang tiến đến gần với công suất tối đa, một trong những xu hướng có thể thúc đẩy lạm phát.
Thứ ba, là ở một thế giới trì trệ trong thời gian dài, Fed cuối cùng đã thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng, nhưng rất có thể cách quản lý này làm tăng nguy hiểm và thúc đẩy giá tài sản gia tăng không bền vững. Về vấn đề này, Fed phải đối mặt với một sự lựa chọn khó chịu: cố gắng xác định những nhân tố dư thừa đáng lo ngại và kiềm chế chúng với hy vọng rằng khi phát tác nó sẽ vô hại.
Thứ tư là một thế giới mà trong đó tiềm năng năng suất cuối cùng đã được phát triển một cách tốt đẹp, một phần nhờ vào những tiến bộ công nghệ thông tin, mô hình kinh doanh kỹ thuật số mới, sự tăng trưởng năng lượng mạnh mẽ của Mỹ.
Những xu hướng này cho phép tăng trưởng năng suất đi trước tăng trưởng việc làm. Tuy nhiên, công nghệ cũng đang cản trở tốc độ tăng lương bởi khả năng tự động hóa và các mô hình kinh doanh sáng tạo. Về vấn đề này, Fed không cần phải lo lắng nhiều vì nhờ những công nghệ mới nên nền kinh tế sẽ vận hành ít tốn kém hơn.
Bất kỳ những điều nào trong những vấn đề trên có thể trở thành sự thật. Những gì Fed cần ghi nhớ là họ vẫn còn bị mắc kẹt tại lãi suất bằng 0. Trong bối cảnh đó, tốc độ tăng trưởng có thể nhanh chóng thay đổi đột ngột. Kỳ vọng lạm phát có thể tăng nhẹ bởi chính sách tăng cầu hoặc giá cả hàng hóa tăng cao nhưng sẽ luôn gặp rắc rối và cuối cùng bắt đầu giảm trở lại về mức 0.
Mỹ đã có sự phục hồi ấn tượng trong thời gian gần đây, nhưng điều đó chưa thể hết lo lắng, nhất là trong bối cảnh lãi suất và lạm phát thấp cùng với sự bất ổn kinh tế ở phần còn lại của thế giới.
Tuấn Kiệt
thời báo ngân hàng
|