Thứ Tư, 17/12/2014 06:35

Thị trường cho thuê lại lao động:

Lọc doanh nghiệp yếu, đảm bảo quyền lợi lao động

Dù còn một số tranh luận quanh việc doanh nghiệp phải ký quỹ 2 tỷ đồng và hạn chế danh mục ngành nghề được cấp phép cho thuê lại lao động (CTLLĐ), nhưng từ khi chính thức được luật hóa tại Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012, dịch vụ này đã dần đi vào quy củ.

Gần 30 doanh nghiệp được cấp phép

TS Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động-Xã hội cho biết, hoạt động CTLLĐ đã xuất hiện ở Việt Nam từ trước khi Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 bàn tới.

Từ năm 2001, đã có không ít công ty CTLLĐ, nhưng chủ yếu trong lĩnh vực cho thuê vệ sỹ, nhân viên an ninh, giúp việc gia đình. Tuy nhiên, do thiếu các quy định điều chỉnh của pháp luật, nên các doanh nghiệp có nhiều cách để giảm thiểu các quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ).

“Đơn cử như việc doanh nghiệp cho thuê cắt giảm tiền lương trên hợp đồng mà bên thuê trả cho NLĐ; đồng thời né trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho NLĐ trong khi trách nhiệm này thuộc về bên cho thuê”, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH nói.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 55//NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 về việc cấp phép hoạt động CTLLĐ, có tới gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực này và đã xảy ra khá nhiều vụ tranh chấp, gây thiệt hại cho NLĐ. Tuy nhiên, cũng theo ông Bốn, từ khi có Nghị định 55 đến nay, hoạt động này đã dần đi vào quy củ.

Theo đó, Nghị định 55 quy định các doanh nghiệp muốn được cấp phép CTLLĐ  phải ký quỹ 2 tỷ đồng; đồng thời Chính phủ cũng giới hạn 17 nhóm ngành nghề được CTLLĐ như: phiên dịch, kế toán, lái xe, nhân viên an ninh, nhân viên vệ sinh hay bán hàng…Đến nay, TP.HCM đã có 6 doanh nghiệp được cấp phép CTLLĐ và 5 doanh nghiệp đang chờ xét duyệt hồ sơ. Trên phạm vi cả nước, tổng số doanh nghiệp được cấp phép hiện có gần 30 đơn vị. “Qua kiểm tra cho thấy, nhiều công ty từng hoạt động không phép cũng đã phải dừng cho thuê lại lao động, góp phần minh bạch thị trường này”, ông Bốn khẳng định.

Có thể mở rộng lĩnh vực được cấp phép

Từ quan điểm của cơ quản quản lý, ông Bốn cho rằng, CTLLĐ là hoạt động nhạy cảm, quyền lợi của NLĐ dễ bị lợi dụng. Vì vậy, hoạt động này cần những doanh nghiệp có năng lực thực sự. Dù một số ý kiến phản biện quy định ký quỹ 2 tỷ đồng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhưng theo ông Bốn, số tiền ký quỹ 2 tỷ đồng không lớn, hơn nữa doanh nghiệp vẫn được nhận tiền lãi theo lãi suất ngân hàng. Số tiền này thực chất là để cơ quan quản lý có thể dễ dàng trích nguồn trả cho NLĐ nếu phát hiện doanh nghiệp cho thuê sai phạm, tìm cách trốn tránh trách nhiệm.

Cũng có ý kiến cho rằng, Nghị định 55 hạn chế nhóm ngành nghề được phép CTLLĐ cũng là gây khó cho doanh nghiệp. “Về vấn đề này, Chính phủ và Bộ LĐ-TB & XH nhận thấy, do đây là lĩnh vực mới nên sẽ căn cứ vào tình hình triển khai luật trong thực tiễn để điều chỉnh dần dần. Nếu mở rộng ồ ạt sẽ gây khó cho cơ quan quản lý do năng lực thanh tra còn hạn chế, đồng thời ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền lợi NLĐ”, ông Bốn nói thêm.

Dù còn ý kiến trái chiều, nhưng nhận định này nhận được sự ủng hộ từ doanh nghiệp. Ông Simmon Matthews, Tổng giám đốc Công ty TNHH ManPower Việt Nam, đơn vị vừa được cấp phép CTLLĐ cho rằng, việc nhiều công ty dù không đủ năng lực hoạt động, không được cấp phép vẫn CTLLĐ và tìm kiếm lợi nhuận bằng việc cắt xén quyền lợi của NLĐ sẽ làm méo mó thị trường, gây cái nhìn không tốt về hoạt động này. Các công ty hoạt động nghiêm túc vì thế cũng bị ảnh hưởng.

 “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc ký quỹ bắt buộc và quản lý hoạt động kinh doanh bằng việc cấp phép nhằm thanh lọc thị trường, cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của NLĐ”, ông Simon Matthews chia sẻ.

Đồng quan điểm, theo ông Đoàn Tường Thụy, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco), cùng với ký quỹ, việc luật hóa cụ thể các quyền lợi, nghĩa vụ ba bên thuê, cho thuê và NLĐ sẽ giúp NLĐ nắm rõ được các quyền của mình, tránh bị doanh nghiệp xấu lợi dụng, cũng là một cách góp phần lành mạnh hóa thị trường.

Cũng theo ông Sinmon Matthews thì nhiều doanh nghiệp mong muốn ngành nghề được cấp phép cho thuê lại lao động sẽ tăng lên so với con số 17 hiện tại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. “Việc cơ quan quản lý cho biết sẽ xem xét và mở rộng theo tình hình thực tế cũng là một thông tin đáng mừng vào lúc này”, ông Sinmon Matthews đánh giá.

Khánh Chi

lao động

Các tin tức khác

>   Châu Âu hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh thực thi Luật Cạnh tranh (17/12/2014)

>   Ford Việt Nam doanh số bán hàng tăng 72% (16/12/2014)

>   EVN đề xuất tăng giá điện 9,5% (16/12/2014)

>   Khai thác chuyến bay quốc tế tại nhà ga 900 triệu USD (16/12/2014)

>   Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý về PPP (16/12/2014)

>   Kinh doanh Internet: Nhiều bất cập trong quản lý (16/12/2014)

>   Tuyến cao tốc Nghi Sơn-Bãi Vọt có mức đầu tư 18.500 tỷ đồng (16/12/2014)

>   Bộ trưởng Công Thương: Khi các FTA được ký sẽ mở ra cơ hội mới (16/12/2014)

>   Vụ sập hầm: Xác định 11 nạn nhân còn sống (16/12/2014)

>   Vietsovpetro hoàn thành sớm kế hoạch khai thác dầu năm 2014 (16/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật