Không nên tăng giá điện vào cuối năm
Tăng giá điện với mức cao vào cuối năm vốn là thời điểm nhạy cảm của giá cả, có thể khiến người dân, doanh nghiệp sản xuất bức xúc
Chưa có quyết định chính thức về việc điều chỉnh giá điện với mức nào và khi nào nhưng thông tin giá điện có thể tăng 9,5% trong năm nay đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia kinh tế.
Được tăng từ 1.437 - 1.835 đồng/KWh
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc lập phương án điều chỉnh giá điện trong tháng 12-2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện để trình bộ và xin ý kiến Thủ tướng. Đến nay, mức tăng và thời điểm tăng giá điện cụ thể vẫn chưa được cơ quan liên quan quyết định. Hiện các bộ, ngành liên quan mới họp bàn về việc điều chỉnh giá điện và phải cân nhắc việc tăng giá có ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và các ngành sản xuất không.
Nếu hạ được tỉ lệ tổn thất điện năng, EVN sẽ giảm được áp lực tăng giá Ảnh: TẤN THẠNH
|
Trong khi đó, Quyết định 2165 ngày 11-11-2013 của Thủ tướng cho phép đến năm 2015, khung giá điện được tăng từ 1.437-1.835 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế GTGT), mức cao nhất sẽ tăng 21,6% so với hiện nay. Do đó, nếu giá điện tăng ở mức 9,5% thì hoàn toàn nằm trong khung giá.
Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, cần lưu ý mức giá điều chỉnh thực tế phải dựa trên biến động đầu vào để tính toán cho hợp lý, không thể cứng nhắc áp theo lộ trình hay dự kiến giá thành được hình thành từ thời điểm trước. Lý do vì nhiều chi phí đã biến động quá mạnh trong những tháng cuối năm giúp cho EVN giảm bớt nhiều gánh nặng đầu vào. Đáng kể là giá dầu giảm tới hơn 30% nên dù nguồn điện phát dầu cuối năm tăng nhưng việc giảm sâu giá dầu vẫn giúp EVN “dễ thở” hơn. Ngoài ra, trừ thời điểm cuối năm khô hạn, nhìn chung thủy điện trong năm 2014 khá thuận lợi, mặt hàng than tiến tới giá thị trường cũng giảm so với trước…
Ở góc độ khác, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng có nhiều yếu tố khiến chi phí của EVN có thể tăng. “Các hồ thủy điện đang vào mùa cạn nước, phải chạy dầu nhiều, nhất là khu vực miền Nam như Cà Mau, Nhơn Trạch, Phú Mỹ… Than đã phải nhập khẩu, giá bán than cho điện năm nay cũng tăng 4%-10% nên chi phí đầu vào tăng tương ứng. Ngoài ra, phải kể đến các yếu tố khác như tỉ giá, giá khí tăng… Do đó, EVN đề xuất tăng giá là có cơ sở” - ông Ngãi phân tích.
Tuy nhiên, cũng theo ông Ngãi, không nên điều chỉnh giá điện tăng “thái quá” bởi sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng, sản xuất. TS Lê Đăng Doanh đánh giá giá điện nếu tăng trong một lần tới 9,5% là cao và dù CPI đang thấp vẫn có thể gây “sốc” cho các ngành sản xuất như sắt, thép, xi măng… Hơn nữa, giá thành phải được tính toán cho phù hợp với thị trường, nhất là trong bối cảnh chi phí đầu vào giảm, đặc biệt là giá dầu.
EVN còn lãng phí
Theo các chuyên gia, ngay cả khi giá điện tăng không cao đến mức khiến nền kinh tế bị sốc thì thời điểm tăng giá cũng cần cân nhắc. TS Lê Đăng Doanh cho rằng vào dịp cuối năm, người dân phải dồn tiền chi tiêu nên việc tăng giá chắc chắn sẽ vấp phải tâm lý không đồng thuận từ người tiêu dùng. Theo Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Vương Ngọc Tuấn, tăng giá bất cứ mặt hàng nào vào dịp cuối năm cũng là thông tin “nhạy cảm” bởi nó sẽ đánh vào túi tiền của người dân, trong khi doanh nghiệp phải chịu thêm gánh nặng để hoàn thành chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, tình trạng tồn tại nhiều năm nay khiến giới chuyên gia trăn trở là chi phí quá lớn của EVN do bộ máy nhân sự cồng kềnh, việc giảm tổn thất điện năng chưa hiệu quả. Ông Trần Viết Ngãi cho rằng: “Nhân lực của EVN hiện đến 110.000 người là quá nhiều và tốn kém. Nên giảm số lượng nhân sự, đẩy mạnh cổ phần hóa các nhà máy điện, tăng năng suất lao động thì EVN mới giảm được chi phí, giá thành. Điểm mấu chốt ở đây là phải tập trung tái cơ cấu toàn ngành, sắp xếp lại nhân sự cho hợp lý hơn”.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính, cần xem xét phương án cổ phần hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện. Ngoài ra, việc tiếp tục giảm tỉ lệ tổn thất điện năng xuống thấp hơn nữa và tiết giảm các chi phí một cách hợp lý là rất quan trọng để giảm bớt gánh nặng cho giá điện.
Tăng 7%-10%, chỉ xin ý kiến Bộ Công Thương
Theo Quyết định 69 của Chính phủ ban hành tháng 11-2013, EVN được quyền tăng giá điện trong phạm vi 7%; từ 7%-10% phải xin ý kiến Bộ Công Thương; từ trên 10% phải xin ý kiến Thủ tướng. Thời gian tối thiểu giữa 2 lần tăng giá điện là 6 tháng.
Thực tế, từ tháng 8-2013, giá điện được điều chỉnh lên mức bình quân 1.508,8 đồng/KWh. Tính đến nay, qua 16 tháng, EVN từng 2 lần đề xuất tăng giá điện nhưng chưa được chấp thuận.
Phương Nhung
Người lao động
|