Gom cổ phiếu Bất động sản nào để chờ năm 2015?
Nhóm cổ phiếu Bất động sản đã bắt đầu thu hút sự chú ý của giới đầu tư về cuối năm. Với gần 60 doanh nghiệp Bất động sản niêm yết trên 2 sàn, việc lựa chọn mã nào xem ra không đơn giản.
Cơ hội nào sau Thông tư 36?
Yếu tố quen thuộc mà giới đầu tư căn cứ để lựa chọn nhóm ngành cổ phiếu Bất động sản (BĐS) cho giai đoạn cuối năm là doanh thu và lợi nhuận thường được nhiều doanh nghiệp “để dành” hạch toán vào quý 4 khiến kết quả kinh doanh (KQKD) quý này đột biến.
Ngoài ra, thời gian gần đây đã xuất hiện thêm nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhóm cổ phiếu Bất động sản.
(1) Các loại lãi suất tiếp tục được hạ xuống từ ngày 29/10/2014, trong đó lãi suất tối đa với tiền gửi VNĐ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6% xuống còn 5.5%. Việc lãi suất huy động giảm sẽ tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, từ đó kích thích lực cầu mua nhà đất. Mặt khác, lãi suất cho vay của NHNN từ gói 30 ngàn tỷ đồng cũng có xu hướng giảm xuống theo khi lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng giảm.
(2) Các ngân hàng thường đẩy mạnh tín dụng cho BĐS bằng nhiều chương trình ưu đãi vào cuối năm để có thể cán đích chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2014.
(3) Các chính sách mới được ban hành theo hướng tạo điều kiện cho sự hồi phục của thị trường BĐS diễn ra tích cực hơn. Cụ thể:
Thông tư 32/2014 được NHNN ban hành ngày 18/11/2014 (áp dụng từ 25/11/2014) sửa đổi bổ sung một số điều tại Thông tư số 11/2013 liên quan đến gói hỗ trợ tín dụng 30 ngàn tỷ đồng, như: (i) mở rộng đối tượng vay vốn; (ii) bổ sung thêm điều kiện được vay vốn; (iii) kéo dài thời gian áp dụng lãi suất cho vay,... (Xem thêm tại đây http://vietstock.vn/2014/11/nhnn-chinh-thuc-ban-hanh-thong-tu-32-noi-cho-vay-ho-tro-nha-o-757-393786.htm).
Sau đó, vào ngày 21/11/2014, NHNN lại tiếp tục ban hành Thông tư 36/2014 (áp dụng từ 01/02/2015), trong đó hạ hệ số rủi ro cho vay BĐS từ 250% xuống còn 150%. Điều này cũng góp phần đẩy mạnh giá trị tín dụng dành cho BĐS nhiều hơn.
Và gần đây nhất, ngày 25/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) (ngày 01/07/2015 mới có hiệu lực thi hành), trong đó cho phép người nước ngoài mua nhà ở thương mại tại Việt Nam trong vòng 50 năm với một số điều kiện đi kèm.
Với những “bệ đỡ” này, sóng cổ phiếu BĐS không chỉ được kỳ vọng trong cuối năm 2014 mà còn nhiều hứa hẹn trong những năm tới. Bức tranh tổng quan về nhóm ngành cổ phiếu BĐS về một số chỉ tiêu sẽ được cung cấp sau đây với mục địch tham khảo trong việc lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư.
Kết quả kinh doanh của các công ty Bất động sản
Bảng 1: Doanh thu 9 tháng đầu năm 2014 của các công ty Bất động sản
Bảng 2: Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2014
(Những mã để trống phần tăng trưởng do LNST giữa 2 kỳ không cùng là số dương)
ICG, BII, PPI gây ấn tượng mạnh về mức tăng trưởng doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2014. Điều đó đã giúp 3 công ty này thoát lỗ trong 9 tháng đầu năm 2014 và đạt lợi nhuận sau thuế (LNST) tương ứng 6.4 tỷ đồng, 11.5 tỷ đồng và 27.4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2013 thì lỗ lần lượt 5.6 tỷ đồng, 738 triệu đồng và 4.1 tỷ đồng. Tương tự những doanh nghiệp thoát lỗ nhờ doanh thu tăng đáng kể còn có KBC (LNST đạt 165.1 tỷ đồng), LGL (LNST là 17.6 tỷ đồng).
Top những công ty có mức tăng trưởng mạnh (trên 100%) cả về doanh thu và LNST trong 9 tháng đầu năm 2014 là ITA, PDR, IDV, KHA, TIG, HAR. Theo sau là C21, HDC, BCI, RCL, QCG, D11, NDN, DRH (doanh thu tăng trên 25% và LNST tăng trên 20%).
Trong khi đó, những công ty có tăng trưởng doanh thu cao nhưng LNST lại giảm hay thậm chí âm như: ITC (LNST -11.5 tỷ đồng), PFL (-1.8 tỷ đồng), NVN (-22.3 tỷ đồng), VNI (-4.6 tỷ đồng), VIC (LNST giảm 52%), OCH (LNST giảm 48%).
Những doanh nghiệp có doanh thu và LNST trong 9 tháng đầu năm 2014 đều giảm so với cùng kỳ 2013 gồm HQC, NTL, SDA, HLD, DIG, CLG hoặc LNST âm như PTL, PV2, VPH, IDJ, LHG, SDH.
Một số doanh nghiệp mặc dù giảm doanh thu nhưng LNST tăng khá như CCL, TIX, SCR.
Biến động giá cổ phiếu Bất động sản trong quý 4/2014
Bảng 3: Biến động giá trong quý 4/2014 (tính đến 26/11/2014)
Trong quý 4/2014, tính tới ngày 26/11 thì DTA là cổ phiếu tăng mạnh nhất với mức tăng 70% mặc dù LNST quý 3/2014 hay trong 9 tháng đầu năm 2014 đều ghi nhận mức lỗ là 1.1 tỷ đồng hay 3 tỷ đồng. Các cổ phiếu tương tự gồm KAC, VNI, VRC, tuy nhiên mức tăng của các cổ phiếu này vừa phải. Hay giá cổ phiếu SDA tăng mạnh mặc dù LNST quý 3/2014 giảm mạnh 81%, chỉ còn 600 triệu đồng, còn LNST 9 tháng đầu năm đạt 5.2 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ 2013.
Trong khi những cổ phiếu tăng giá mạnh khác như DRH, NDN, PPI, HAR, KHA, IDV, PDR, TIX có sự hỗ trợ từ LNST quý 3/2014 hay 9 tháng đầu năm 2014 đều cải thiện tích cực.
Một nhóm khác có thành tích KQKD quý 3/2014 hay 9 tháng đầu năm 2014 đều khởi sắc song giá cổ phiếu tại 26/11/2014 đang giảm hoặc đi ngang so với cuối quý 3/2014 như ITA, FLC, NBB, TIG, ASM, BCI (riêng doanh thu của BCI giảm trong quý 3/2014), C21, HDC.
Cổ phiếu đầu đàn ngành BĐS là VIC có doanh thu trong quý 3/2014 giảm không nhiều (-10%) thậm chí tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2014 (86%) nhưng LNST trong quý 3/2014 hay 9 tháng đầu năm 2014 đều suy giảm hơn 50%. Giá cổ phiếu VIC tại 26/11/2014 cũng đang đi ngang so với mức giá cuối quý 3/2014.
Những doanh nghiệp nào được kỳ vọng?
Theo đó, những doanh nghiệp có tồn kho lớn sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp có dự án được triển khai tốt để đón đầu thị trường phục hồi trở lại.
Chốt tại 30/09/2014, VIC, KBC, PDR, SJS, QCG, ITA, IJC, NLG,… là những doanh nghiệp có giá trị tồn kho hơn 1,000 tỷ đồng, trong đó VIC đứng cách biệt với hơn 13.6 ngàn tỷ đồng
Bảng 4: Các dự án tồn kho lớn của một số công ty tại 30/09/2014
Nguồn dữ liệu: VietstockFinance
Thu Hoa
|