Thứ Năm, 27/11/2014 22:00

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 tại Nam Định: “Giải trình” những công trình ngàn tỉ

Trong số báo 266 ra ngày 13.11.2014, Lao Động đã đề cập tới chất lượng và việc sử dụng các công trình được xây mới phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc. Đây là những công trình có tổng vốn đầu tư cả ngàn tỉ đồng, vấn đề đặt ra là địa phương sẽ làm những gì để sử dụng các cơ ngơi này hợp lý, tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Hôm qua, 26.11, thay mặt cho BTC giải, ông Đỗ Thanh Xuân - Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định (nơi đăng cai chính đại hội) - đã có những “giải trình” về vấn đề nêu trên.

Xây lớn, liệu có phí?

Một trong những công trình trọng điểm của Nam Định để “đón” Đại hội TDTT toàn quốc là Nhà thi đấu đa năng Nam Định và 2 bể bơi có mái che. Đây là những công trình nhà thầu cam kết “xứng đáng là công trình thể thao hàng đầu trong khu vực nam Đồng bằng sông Hồng”.

Công trình nhà thi đấu đa năng tỉnh Nam Định

Nhà thi đấu đa năng Nam Định khởi công từ 1.2013 và khánh thành tháng 9.2014, với tổng diện tích sàn gần 16.000m2, có 3 tầng khán đài với sức chứa 4.000 chỗ ngồi. Dự toán công trình này là 885 tỉ đồng. Ngoài ra, Nam Định còn xây dựng cung thể thao dưới nước có mái che với kinh phí 114 tỉ đồng, khu khán giả quy mô 1.000 chỗ ngồi, khu thi đấu và khu vực kỹ thuật, phòng thông tin báo chí, có hệ thống sưởi ấm cho VĐV thi đấu trong thời tiết mùa đông…

Với tổng vốn đầu tư cho hai công trình này đã xấp xỉ ngàn tỉ đồng và câu hỏi đặt ra là liệu một địa phương như Nam Định có cần thiết phải xây những công trình “hoành tráng” như vậy, nhất là khi có một thực tế hiện nay: Rất nhiều công trình thể thao được Nhà nước đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nhưng không phát huy được công năng và hiệu quả như Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng), Cung điền kinh ở Hà Nội, Cung thể thao dưới nước (Hà Nội)…

Chủ động mời kiểm toán làm việc

Hôm qua, nhân cuộc họp báo về Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7, khi được hỏi về kế hoạch sử dụng những công trình thể thao mới được xây dựng, ông Đỗ Thanh Xuân - Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định - cho biết: “Về công trình Nhà thi đấu thể thao đa năng, Chính phủ cho phép Nam Định xây công trình mới không quá 855 tỉ. Chúng tôi dự toán 847 tỉ, trong đó 147 tỉ dự phòng, 122 tỉ mua sắm trang thiết bị… số còn lại xây lắp chỉ hơn 400 tỉ.

Nếu so với nhà thi đấu Hà Nam thì nhà thi đấu Nam Định chỉ bằng nửa tiền. Về bể bơi, Nam Định không xây mới nhiều, mà TP. Nam Định 550 ngàn dân, là đô thị loại 1 nên việc có một bể bơi Thiên Trường không đủ để đáp ứng nhu cầu luyện tập của người dân. Bởi thế Nam Định quyết định xây dựng một bể bơi có mái che, có hệ thống nước nóng. Còn nhà thi đấu Trường Cao đẳng Xây dựng là có nguồn kinh phí của Bộ GDĐT trang bị cho các trường, không liên quan gì đến kinh phí của Nam Định cho đại hội.

Cũng có nhiều người nói, thậm chí lãnh đạo tỉnh cho rằng: Xây làm gì nhiều bể bơi thế, nhưng chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm. Sau khi khánh thành xong, chúng tôi đã mời Cục Kiểm định và Thanh tra Bộ Xây dựng về kiểm định và cho đến giờ này, chúng tôi đã được các cơ quan trên cho phép đưa hai công trình này vào phục vụ Đại hội TDTT lần thứ 7.

Hiện nay, Nam Định đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào làm việc từ 3 tháng trước. Chúng tôi cũng thông báo với nhà thầu là lấy số liệu của kiểm toán làm số liệu quyết toán công trình.

Chúng tôi khẳng định một lần nữa là những đồng vốn của Nhà nước đầu tư cho công trình thể thao ở Nam Định được bảo toàn vốn và phát huy được tác dụng. Thậm chí, hiện nay đã kiểm toán cho bể bơi với tổng vốn đầu tư được Nhà nước phê duyệt là 120 tỉ đồng, nhưng sau kiểm toán chúng tôi đã “cắt” được 4 - 6 tỉ, với nhà thi đấu khi kiểm toán xong, tôi tin chắc là sẽ cắt đi vài tỉ đồng nữa. Cũng như hơn 10 năm trước, chúng tôi làm sân Thiên Trường dự toán là 67 tỉ nhưng kiểm toán vào chỉ có 64 tỉ, dư 3 tỉ”.

Khai thác bằng cách… cho thuê làm đám cưới?

Khi được hỏi về phương án khai thác hiệu quả những công trình như nhà thi đấu đa năng và cung thể thao dưới nước, ông Xuân cho biết: “Chúng tôi đã lập kế hoạch khai thác, sử dụng cho hai công trình này và được UBND tỉnh duyệt và chúng tôi bảo đảm nguồn thu. Theo kế hoạch này thì những công trình trên không chỉ cho thi đấu thể thao, mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa như ca nhạc, biểu diễn nghệ thuật, thậm chí là tổ chức đám cưới… để có tiền duy tu, bảo dưỡng, tránh việc lấy tiền ngân sách ra duy tu bảo dưỡng”.

Theo tiết lộ của ông Thanh Xuân, hiện một hãng giải khát đã bỏ 300 triệu thuê mặt bằng dựng gian hàng bán nước giải khát phục vụ đại hội. Một nhà đầu tư khác bỏ 250 triệu để làm lại mặt sân quần vợt để cùng địa phương kinh doanh khai thác. “Đây là một trong những nguồn thu để duy tu bảo dưỡng các công trình thể thao” - ông Thanh Xuân nói.

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 tổ chức 36 môn thể thao gồm 747 nội dung với sự tham gia của 7.424 VĐV, 1.797 trọng tài, 1.647 cán bộ, HLV của 63 tỉnh thành cùng 2 ngành là Quân đội và Công an.

Lễ khai mạc diễn ra ngày 6.12 tại sân Thiên Trường. Lễ bế mạc diễn ra ngày 16.12 tại Nhà thi đấu đa năng Nam Định.


Đắc Lâm

lao động

Các tin tức khác

>   Dòng tiền đang hướng vào thị trường BĐS (27/11/2014)

>   Chung cư rối vì khó bầu ban quản trị (27/11/2014)

>   Sunview Tower xuất hiện các dịch vụ tiện ích phục vụ hơn 6,000 dân (27/11/2014)

>   Thiếu chế tài xử phạt để chấm dứt tranh chấp tại chung cư (27/11/2014)

>   Dừng triển khai dự án trên đèo Hải Vân (27/11/2014)

>   "Người nước ngoài yên tâm rót tiền vào bất động sản tại Việt Nam" (27/11/2014)

>   Những con số “khủng” (27/11/2014)

>   Hà Nội: Khắc phục sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật chậm nhất sau 5 giờ (26/11/2014)

>   Duyệt quy hoạch Khu đô thị chỉnh trang kế cận khu đô thị mới Thủ Thiêm (26/11/2014)

>   TP.HCM yêu cầu hoàn tất bàn giao mặt bằng dự án tỉnh lộ 10 trong tháng 11 (26/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật