EU cam kết viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 400 triệu euro
Ngày 4-12, Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức khởi động Chương trình viện trợ đa niên (MIP) cho Việt Nam giai đoạn 2014-2020 nhằm giải quyết những thách thức phát triển mới và Việt Nam đang phải đối mặt.
Việc khởi động chương trình này là kết quả của tuyên bố chính thức giữa Liên minh Châu Âu và chính phủ Việt ngày 13-10, nhân chuyến thăm EU của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việc nâng tổng giá trị gói hỗ trợ thêm 30% so với giai đoạn trước cho thấy EU nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam.
Trong giai đoạn mới này, này EU tập trung chủ yếu hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua việc phát triển ngành năng lượng, nâng cao năng lực quản trị công và pháp quyền. Trong lĩnh vực năng lượng, sự hỗ trợ của EU sẽ góp phần tạo nên một ngành công nghiệp năng lượng bền vững hơn, thông qua việc xúc tiến sử dụng các nguồn năng lượng sạch và hiệu quả. Đặc biệt, chương trình hướng tới khu vực dân sự chưa được tiếp cận nguồn điện chiếm 3% tổng dân số và cam kết từ nay đến 2020 sẽ mang điện đến với 64.577 hộ gia đình. Tới năm 2020, 568.000 hộ gia đình tại khu vực nông thôn có thể được sử dụng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng thay thế.
Bên cạnh việc khởi động chương trình MIP giai đoạn mới, một chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ ngành y tế trị giá 114 triệu euro cũng được ông Pierre Amilhat - Cục trưởng Cục Châu Á, Trung Á/Vùng Vịnh và Thái Bình Dương, thuộc Tổng cục Phát triển hợp tác chính thức công bố. Chương trình này sẽ giúp thúc đẩy cải cách y tế ở Việt Nam và hiện thực hóa các kế hoạch, dự án được xây dựng trong giai đoạn 2015-2017.
Phát biểu tại Lễ công bố, ông P.Amilhat nhấn mạnh: "Tôi rất tự hào và vinh dự khi được có mặt tại đây. 20 năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi đặt chân tới Việt Nam. Chúng tôi rất ấn tượng với những thành quả Việt Nam đã đạt được trong những năm vừa qua. Cụ thể hơn, Việt Nam đã có những bước tiến xa trên con đường xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống người dân. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thoát được tình trạng không ổn định của nền kinh tế vĩ mô và triển khai hiệu quả nhiều chương trình cải cách. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều thách thức. Việt Nam cần phải quan tâm hơn nữa tới khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là khu vực có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy cải cách trong nhiều lĩnh vực. Để minh bạch các khoản chi tiêu công, tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm thông qua luật Ngân sách trong năm tới.
Quan hệ Việt Nam - EU đã bước lên một tầm cao mới trong năm vừa qua, mối quan hệ này được củng cố rất mạnh mẽ nhờ việc trao đổi chuyến thăm của các đoàn lãnh đạo cấp cao của cả 2 bên. Tôi hy vọng với nỗ lực thúc đẩy hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, Việt Nam và EU sẽ sớm ký kết Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) trong nửa đầu năm 2015".
Quỳnh Chi
hà nội mới
|