Thị trường ôtô Việt Nam: Không có “đất” cho xe giá rẻ?
Đến Việt Nam với kỳ vọng gây sốt nhờ giá rẻ, sau vài năm, nhiều dòng xe nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ đành ngậm ngùi biến mất hoặc sống lay lắt qua ngày. Trong khi “sân chơi” xe hạng sang ngày càng nở rộ với sự đổ bộ của hàng chục dòng xe trị giá từ vài tỉ tới vài chục tỉ đồng và nhiều nhãn xe sang đang “khoe” mức tăng trưởng đáng kinh ngạc.
* Bất đồng và bế tắc, ôtô nằm im chờ giảm thuế
* Ngành ô tô “tung cờ trắng”!
* Ôtô “ngoại” dồn dập về Việt Nam
Triển lãm xe Việt Nam trở thành đất diễn và là nơi bán hàng mát tay của các nhãn xe hạng sang tiền tỉ.
|
Xe giá rẻ: Ồn ào xuất hiện, lặng lẽ ra đi
Trào lưu xe bình dân giá rẻ bắt đầu rầm rộ từ khoảng 5 - 6 năm trước thời điểm thị trường ôtô nóng hổi cùng chứng khoán, với những đại diện nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc các thương hiệu như Cherry, Lifan hay BYD.
Vào thời điểm đó, hầu hết các nhà nhập khẩu đều khá mạnh tay quảng bá và tràn đầy niềm tin vào những sản phẩm đẹp mã - giá bèo. Chia sẻ với phóng viên khi mới vào Việt Nam, đại diện đầu tiên của nhãn xe BYD không che giấu tham vọng chinh phục nhóm khách hàng gia đình thu nhập trung bình cũng như xoá bỏ những định kiến về xe Trung Quốc hay xe giá rẻ.
Tuy nhiên, chỉ sau 2-3 năm, phần lớn các nhãn xe này đều bắt đầu mệt mỏi vì doanh số thấp, chi phí đầu tư lớn khi mở rộng hệ thống hay thực hiện nghĩa vụ bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm. Trên thực tế, dù có thiết kế bắt mắt, giá rẻ (từ 180 triệu đồng đến khoảng 300 triệu đồng/xe), những mẫu xe này chỉ có doanh số “đì đẹt” do tâm lý e ngại về chất lượng cũng như khả năng giữ giá bởi với phần đông khách hàng Việt Nam, hai trong những yếu tố mang tính quyết định khi chọn mua xe là thương hiệu và mức độ giữ giá khi bán lại. Nhiều người tiêu dùng vẫn coi xe hơi là một dạng tài sản di động hơn là phương tiện đi lại đơn thuần.
Không chỉ các dòng xe đến từ Trung Quốc, mà một số đại diện đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc hay thậm chí một vài phiên bản của các dòng xe ăn khách cũng gặp thất bại khi tiếp cận khách hàng dưới góc độ giá thấp.
Thực tế này có lẽ là lý do chính khiến dòng xe rẻ nhất thế giới Tata Nano cứ mãi ngập ngừng không dám vào Việt Nam. Một nhà nhập khẩu và phân phối đã hé lộ kế hoạch và đưa một số mẫu Tata Nano về nước để chạy thử từ hơn 2 năm trước. Đơn vị này còn dự định lắp ráp mẫu xe này ở Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn còn trên giấy và nếu có về Việt Nam, đó cũng sẽ là phiên bản Tata Nano cao cấp nhất với giá không thấp như nhiều người nhận định.
Xe cao cấp: Càng sang càng đắt hàng
Ngược với sự “đìu hiu” của thị trường xe bình dân giá rẻ, sân chơi của ôtô đắt tiền ngày càng trở nên sôi động. Không chỉ nhu cầu mua xe sang của người tiêu dùng Việt tăng mạnh, mà số lượng thương hiệu hạng sang chính thức có mặt ở Việt Nam ngày càng tăng. Chỉ trong năm 2014, có tới 4 nhãn xe sang mới gồm Bentley, Jaguar, Infiniti và Mini đánh dấu sự xuất hiện tại thị trường quy mô còn nhỏ này.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động bên lề của triển lãm xe Việt Nam, đại diện của nhà phân phối xe sang Audi cho biết, nhãn xe này đã duy trì mức tăng trưởng cao trong 5 năm liền và con số của năm 2014 là 30%. Chỉ riêng trong 4 ngày triển lãm xe, nhãn hàng này đã lập kỷ lục về doanh số. Tương tự, đối thủ Mercedes cũng “khoe” về hiện tượng “cháy” hàng của hàng loạt dòng xe như GLA, C-Class mới và triển lãm ôtô lớn nhất Việt Nam vừa diễn ra, trên thực tế, đã trở thành nơi bán xe cực mát tay với hơn 560 xe, trong đó phần lớn là ôtô tiền tỉ.
Bên cạnh những đại diện phân phối chính hãng, tại thời điểm hiện nay, khách hàng còn có nhiều lựa chọn đến từ “hàng ngoài” khi mà các showroom xe nhập được nới trở lại. Do đó, khi được hỏi về nhận định thị trường, đại diện của phần lớn các thương hiệu xe hạng sang đều tỏ ra tin vào tiềm năng của thị trường, đặc biệt là tới thời điểm giảm thuế nhập khẩu xuống 0% vào năm 2018.
Khánh Hòa
lao động
|