Đầu tư nước ngoài: Sức lan tỏa ngày càng rộng
Một thực tế đáng mừng là trong 11 tháng của năm 2014, đã có 11,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được giải ngân, tăng tới 6,2% so với cùng kỳ. Ngày càng nhiều tập đoàn quốc tế, dồi dào về vốn và năng lực, công nghệ nhằm tới thị trường Việt Nam và xem đây là "bàn đạp" vươn tới những thị trường khác trong tương lai.
Về thực tiễn hoạt động, các DN ĐTNN cũng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 92 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ; chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việc xuất hiện ngày càng nhiều nhà ĐTNN đã đang tác động mạnh đến đời sống kinh tế tại nhiều tỉnh, thành phố; trong đó có cả những nơi điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng hạn chế. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên đã thu hút thêm 3,27 tỷ USD vốn ĐTNN, trong đó một lượng vốn rất lớn đến từ Tập đoàn Samsung và điều này lập tức mang lại hàng vạn việc làm cũng như tăng nguồn thu trên địa bàn. Tương tự, một số địa phương có truyền thống thu hút vốn ĐTNN cũng đang tranh thủ nguồn ngoại lực để bứt phá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH với tốc độ nhanh như Đồng Nai, Hải Phòng, Bình Dương…
Dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: Bảo Lâm
Đặc biệt, Hàn Quốc nổi lên trở thành đối tác số 1 về ĐTNN ở Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, DN nước này đã đầu tư khoảng 6 tỷ USD vào Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá, đây là kỷ lục không dễ phá vỡ trong tương lai gần. Trong khi đó, hiện đang có một số dự án ĐTNN thuộc lĩnh vực năng lượng, xây dựng nhà máy điện quy mô lớn, trung bình 2-3 tỷ USD/dự án đang chờ được cấp phép. Việc xuất hiện những dự án sản xuất điện lớn sẽ tạo điều kiện để Việt Nam làm chủ nguồn cung cấp điện, từ đó tạo niềm tin vững chắc cho đội ngũ nhà ĐTNN đến sau, an tâm triển khai dự án ở Việt Nam. Hơn thế, DN có vốn nước ngoài sẽ cạnh tranh với những đơn vị cùng ngành khác, giúp cho quá trình hình thành thị trường phát điện cạnh tranh sớm đạt mục tiêu.
Ngoài Hàn Quốc, cộng đồng DN Nhật Bản vẫn khẳng định niềm tin vào môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam. Một số DN các nước khác cũng đang thực hiện "làn sóng" chuyển dịch cơ sở sản xuất ở nơi khác sang Việt Nam nhằm đón lõng quá trình hội nhập trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN hoặc Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, "dư địa" cho cải cách hành chính nhằm thu hút vốn ĐTNN vẫn còn nhiều; tập trung vào một số nhu cầu quan trọng của DN gồm hải quan, thuế cũng như thủ tục gia nhập thị trường. Những kết quả trong cải cách về thuế như rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế cho DN đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, ngành thuế đã thực hiện giảm số giờ kê khai thuế của DN từ 537 giờ xuống 201 giờ.
Dự kiến, sau khi Quốc hội thông qua một số luật thuế mới thì số giờ DN cần để thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ tiếp tục rút ngắn xuống mức 171 giờ ngay trong năm 2015 - ngang bằng với các nước phát triển hàng đầu thuộc ASEAN (ASEAN 6). Đây là những động thái cho thấy Chính phủ luôn theo đuổi mục tiêu cải cách thể chế, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nước ngoài tại Việt Nam là một quá trình lâu dài, nhưng xuyên suốt và nhất quán...
Theo Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn ĐTNN đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2014 đạt 17,33 tỷ USD, bằng 83,3% so với cùng kỳ 2013. Kết quả này tuy chưa ngang bằng nhưng lại là điều đáng ghi nhận, bởi các tháng đầu năm mức vốn thu hút chỉ bằng non nửa so với cùng kỳ rồi tăng dần lên qua các tháng. Ở thời điểm hiện tại, đã có một số nhận định rằng, tổng vốn ĐTNN đổ vào Việt Nam năm nay có thể bằng năm ngoái vì vẫn còn thời gian để bắt kịp.
|
Hồng Sơn
Hà Nội mới
|