Thứ Tư, 10/12/2014 08:45

Dân kêu vì dự án kéo dài

Thiếu kinh phí bồi thường, nhiều hộ dân ở khu vực giải tỏa của dự án xây dựng công viên hồ Khánh Hội (quận 4, TP HCM) phải sống tạm bợ trong những ngôi nhà xuống cấp

“Đề nghị nhà nước sớm thực hiện chính sách bồi thường, giải tỏa để chúng tôi an tâm sinh sống, làm việc. Như hiện nay, nhà cửa nhếch nhác, dột nát nhưng không được sửa chữa; xung quanh đầy rác, môi trường ô nhiễm, ngập nước; trộm cắp rình rập… cuộc sống bất an” - nhiều người dân trong khu vực giải tỏa của dự án xây dựng công viên hồ Khánh Hội bức xúc.

7 năm mới nhận nhà

Dự án công viên hồ Khánh Hội được triển khai từ năm 2004, với diện tích đất bị thu hồi 17,6 ha, chia làm 4 giai đoạn: giai đoạn 1 (2004 - 2006) và giai đoạn 2 (2007 - 2009), các căn hộ nằm trong diện tích hồ điều tiết đã được giải tỏa nhưng còn 7 hộ dân chưa ký biên bản đồng thuận về bồi thường; giai đoạn 3 (2011 - 2012) còn 51 căn và giai đoạn 4 (2014 - 2016) còn 229 căn chưa được giải tỏa.

Bà Võ Thị Duyên (ngụ 27/38/30 đường 46, phường 5, quận 4) cho biết năm 2008, gia đình bà bị thu hồi đất, được bồi thường hơn 2,6 tỉ đồng. Sau đó, bà Duyên phải trích 70% tiền bồi thường để mua nhà tái định cư (do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 4 làm chủ đầu tư). Tuy nhiên, mãi đến đầu năm 2014, bà Duyên mới được gọi nhận nhà. “Mấy năm chờ đợi, số tiền bồi thường còn lại tôi đã sử dụng hết, nay không còn để thanh toán tiếp khi nhận nhà. Giờ không biết tính sao nữa. Phải chi lúc trước tôi không nhận nhà tái định cư mà nhận tiền để kiếm chỗ ở khác hoặc gửi vào ngân hàng” - bà Duyên nói.

Do thiếu kinh phí bồi thường, người dân trong khu vực dự án phải sống tạm bợ, môi trường ô nhiễm

Tương tự, đến đầu năm 2014 bà Nguyễn Thị Toản (ngụ 27/61 đường 46, phường 5, quận 4) mới được gọi nhận nhà tái định cư. Do diện tích căn hộ lớn hơn lúc đăng ký, bà Toản phải trả thêm tiền cho phần diện tích dư với giá hơn 13 triệu đồng/m2. “Số tiền đó, tôi không đủ khả năng thanh toán. Chỉ mong sao nhà nước giảm giá hoặc cho trả góp để tôi được nhận nhà” - bà Toản đề nghị.

Trong khi đó, bà Võ Thị Hai (ngụ 27/35/15 đường 46, phường 5, quận 4) cho biết gia đình bà bị thu hồi 53 m2 đất, giá bồi thường là 10,3 triệu

đồng/m2 nên không đủ tiền để mua nhà. “Giá bồi thường thấp, rất khó cho việc tạo lập chỗ ở mới. Chúng tôi thắc mắc vì sao thu hồi đất để xây dựng công viên cù lao Nguyễn Kiệu ở phường 1 thì giá bồi thường cao hơn phường 5 (xây dựng công viên hồ Khánh Hội giai đoạn 2) là 500.000 đồng/m2”.

Chậm vì thiếu vốn

Trao đổi với phóng viên Báo người lao động, ông Trần Hoàng Quân, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết khi thu hồi đất năm 2008, người dân chọn phương án mua nhà tái định cư tại chung cư Phú Mỹ (quận 7). Thời điểm đó, chung cư chưa được xây dựng, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đồng ý ký biên bản bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đồng thời đồng ý nộp 70% số tiền mua căn hộ với giá hơn 6,5 triệu đồng/m2, tạm cư tại căn nhà đang ở và chờ bàn giao căn hộ.

Từ thời điểm bố trí đến khi hoàn thành căn hộ là 7 năm, quy định về diện tích nhà tái định cư thay đổi nên diện tích căn hộ bố trí và bàn giao có chênh lệch. UBND quận 4 đã chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 4 bàn giao những căn hộ có diện tích chênh lệch nhỏ hơn 3,5% với giá mua như đã đăng ký trước đây (hơn 6,5 triệu đồng/m2), những căn hộ chênh lệch hơn 3,5% phải mua phần chênh lệch với giá 13 triệu đồng/m2.

Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đều có quy định cho các trường hợp đủ điều kiện nhưng không đủ tiền mua căn hộ tái định cư, được trả góp theo quy định. Trường hợp khó khăn hoặc người dân kiến nghị trả góp không có trong quy định thì sẽ xin ý kiến của TP.

Về việc giá bồi thường nơi cao, nơi thấp, ông Quân lý giải đơn giá đất do UBND TP quy định hằng năm tại từng đường, phố, vị trí và từng thời điểm có khác nhau nên phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất ở từng dự án sẽ không giống nhau. UBND quận 4 đang xin ý kiến UBND TP xem xét giải quyết theo thẩm quyền về kiến nghị được trả góp tiền nhà.

“Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng công viên hồ Khánh Hội (giai đoạn 3) đã phê duyệt 2 năm rưỡi nhưng kế hoạch vốn khó khăn nên tiến độ thực hiện không đạt khiến người dân khiếu nại nhiều cấp yêu cầu chi trả. Hiện UBND quận 4 kiến nghị UBND TP bổ sung vốn đợt 3 là 100 tỉ đồng, ghi vốn năm 2015 với số tiền hơn 185 tỉ đồng để chi trả cho các hộ dân” - ông Quân cho biết.

Trong dự án công viên hồ Khánh Hội có hạng mục hồ điều tiết, một trong những công trình chống ngập của TP HCM, diện tích lên đến 48.000 m2, tổng chi phí xây hồ điều tiết tạm tính khoảng 244 tỉ đồng.

Trường Hoàng

người lao động

Các tin tức khác

>   Không có chuyện ‘duyệt 18 tầng, cho xây 20 tầng’ (10/12/2014)

>   TP.HCM chưa thông qua bảng giá đất năm 2015 (09/12/2014)

>   Sẽ huy động nhiều nguồn vốn xã hội hóa vào hạ tầng giao thông (09/12/2014)

>   Khởi công đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vào đầu 2015 (09/12/2014)

>   Phân khúc bất động sản cao cấp tăng nhẹ (09/12/2014)

>   Đất quy hoạch được xây tạm để kinh doanh (09/12/2014)

>   'Cắt ngọn' dự án nhạy cảm của nhà đầu tư Trung Quốc (09/12/2014)

>   Cuối năm rối ruột tiền thừa vì vàng, đô quá ỉu (09/12/2014)

>   Chuyển nhượng dự án bất động sản không dễ (08/12/2014)

>   Bàn giao toàn bộ Nhà Quốc hội trước Tết Nguyên đán 2015 (08/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật