Thứ Bảy, 20/12/2014 15:26

Cạnh tranh trên thị trường vật liệu xây dựng: Trong 'yên', ngoài chẳng “ấm”

“Chơi đẹp” trên sân nhà khi thị trường nội địa có môi trường cạnh tranh tương đối lành mạnh, có tác động tích cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhưng khi ra tới sân chơi toàn cầu doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam lại quay sang “đá” nhau.

* Ngành Vật liệu xây dựng: Nội-ngoại không cân sức

* Doanh nghiệp vật liệu xây dựng - đã qua cơn “nóng lạnh”?

Cạnh tranh trên thị trường VLXD ngày càng gay gắt

Nội địa- Chưa xuất hiện hành vi hạn chế cạnh tranh

Tại Hội thảo “Cạnh tranh trong ngành vật liệu xây dựng- Kinh nghiệm Nhật Bản” do Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT)- Bộ Công Thương tổ chức ngày 16/12, bà Trần Phương Lan- Trưởng Phòng Giám sát và QLCT, Cục QLCT- đánh giá, thị trường VLXD , đặc biệt với một số mặt hàng như xi măng, kính xây dựng tại Việt Nam chưa xuất hiện hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh.

Trong đó, mức độ cạnh tranh của thị trường xi măng tương đối cao nhờ số lượng DN tham gia sản xuất và kinh doanh lớn. Thêm vào đó, thị phần của các DN top đầu cũng không quá cao để có thể dẫn tới nguy cơ thao túng thị trường. Dẫn chứng cho lập luận, bà Lan thống kê, một số DN chiếm thị phần cao nhất trong ngành xi măng năm 2013 là Công ty CP xi măng Hà Tiên 1 chỉ có 7,19%; Công ty TNHH xi măng Holcim Việt Nam ở mức 5,74 %;

Công ty xi măng Nghi Sơn 5,7%... Chính số lượng DN lớn nhưng không tập trung vào một số nhóm cụ thể, nên theo đánh giá của Cục QLCT, môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực xi măng tương đối tốt.

Tuy nhiên, lĩnh vực kính xây dựng lại có mức độ cạnh tranh thấp hơn khi số lượng DN tham gia thị trường không cao. Hơn nữa, thị phần cũng tập trung phần lớn vào một số DN top đầu như: Công ty CP kính nổi Chu Lai 30,06%; Tổng công ty Viglacera 21,01%; Công ty Kính nổi Việt Nam 11,25%. Lĩnh vực này cũng có nhiều rào cản gia nhập thị trường hơn. Bởi bước chân vào đây, DN phải bỏ vốn đầu tư lớn trong khi công nghệ thay đổi rất nhanh, chi phí thay công nghệ rất cao..

Cạnh tranh trên thị trường VLXD thời gian tới sẽ ngày càng gay gắt khi DN Việt Nam vừa phải đối mặt với hàng Trung Quốc vừa phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập.

Cạnh tranh xuất khẩu – “gà nhà đá nhau”

Ông Phạm Văn Bắc- Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng)- cho biết, những năm qua, sản xuất và xuất khẩu VLXD của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2005, Việt Nam mới chỉ sản xuất 29 triệu xi măng và nhập khẩu 127 triệu USD clinker. Nhưng đến năm 2013, Việt Nam không những sản xuất đủ nhu cầu, không còn nhập khẩu clinker đen, mà còn xuất khẩu gần 600 triệu USD mặt hàng này. Hay như gạch ốp lát, hiện Việt Nam là nước đứng thứ nhất về xuất khẩu trong số các nước ASEAN có sản xuất mặt hàng này, đứng thứ 11 thế giới với 1,7% sản lượng toàn cầu.

Mặc dù đã có nhiều tín hiệu khả quan trong xuất khẩu VLXD, tuy nhiên, ông Bắc đánh giá, việc xuất khẩu của các DN trong ngành còn nhỏ lẻ, thiếu chiến lược xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài. Thêm vào đó, khi tham gia xuất khẩu vào một số thị trường, DN Việt Nam có hiện tượng tranh mua, tranh bán. Từ đó đã dẫn đến hệ lụy bị DN nước ngoài lợi dụng, ép giá hoặc đưa ra các điều kiện bất lợi trong hợp đồng cho các DN Việt Nam.

Từ thực trạng này, để bảo đảm phát triển bền vững ngành VLXD, cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Đề án về phát triển VLXD đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Trong đó, Bộ Xây dựng cho rằng, hoạt động xuất khẩu VLXD đang rất cần sự quản lý, hỗ trợ của nhà nước, của các hiệp hội nghề nghiệp nhằm giữ vững chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu, giá cả, tránh cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường quốc tế.

Nguyễn Phượng

công thương

 

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp thép Việt Nam đối mặt với sức ép hội nhập (30/11/2014)

>   Loạn thị trường tôn lợp: Người tiêu dùng thiệt hại đến 1.300 tỷ đồng (26/11/2014)

>   Quặng sắt vượt biên: Mối lo có thực (25/11/2014)

>   Quặng sắt vượt biên: Voi vẫn chui lọt lỗ kim (24/11/2014)

>   Tôn giả lũng đoạn thị trường: Do hàng lậu và gian dối khi nhập khẩu? (21/11/2014)

>   Tôn giả lũng đoạn thị trường: Người tiêu dùng và doanh nghiệp… “lĩnh đủ” (20/11/2014)

>   Tôn giả lũng đoạn thị trường: Gian dối từ đại lý tới cửa hàng bán lẻ (19/11/2014)

>   Từ đề nghị xuất khẩu quặng sắt nghĩ về phát triển ngành Thép (31/07/2014)

>   Hệ lụy do phát triển quá “nóng” nhà máy luyện phôi thép (13/11/2014)

>   Ngành thép: Xuất một, nhập năm (12/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật