Thứ Năm, 20/11/2014 08:46

Tôn giả lũng đoạn thị trường: Người tiêu dùng và doanh nghiệp… “lĩnh đủ”

Nạn tôn giả “bùng phát” khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh tôn mạ kim loại và sơn phủ màu có thương hiệu được bảo hộ thiệt hại rất lớn, mất tới 11% thị phần. Còn người tiêu dùng mất tiền, nhưng phải sử dụng tôn kém chất lượng.

* Tôn giả lũng đoạn thị trường: Gian dối từ đại lý tới cửa hàng bán lẻ

Tôn in độ dày 0,35mm, nhưng thực tế chỉ dày 0,28mm.

Thiệt hại đủ đường vì tôn giả, tôn nhái

Theo Hiệp hội Thép VN, 9 tháng đầu năm 2014, thị phần tôn mạ thương hiệu Việt Nam chiếm 74,7%, còn 25,3% là của nước ngoài hoặc liên doanh. Tuy nhiên, con số thống kê này chưa tính lượng tôn nhập từ Trung Quốc qua đường chính ngạch hoặc tiểu ngạch, âm thầm len lỏi vào thị trường bằng các con đường gian lận như báo Lao Động đã nêu. Tháng 9.2014, sản lượng sản xuất tôn mạ kim loại và sơn phủ màu của các DN sản xuất tôn là 232.950 tấn, giảm 3,12% so với tháng 8.

Lượng tôn tiêu thụ trong tháng 9.2014 chỉ đạt 155.501 tấn, giảm 5,2% so với tháng trước và lượng tôn tồn kho (tính đến ngày 30.9) lên tới 150.188 tấn. Các DN sản xuất tôn cho biết, thị phần của các DN sản xuất và kinh doanh tôn đã bị mất 11%, kể từ đầu năm tới nay. Nguyên nhân do nạn kinh doanh và sản xuất tôn giả đang lũng đoạn thị trường, khiến các DN làm ăn chân chính, đầu tư nhà máy sản xuất, công nghệ bài bản gặp khó vì doanh số sụt giảm, tồn kho tăng cao, tổn hại uy tín… Cuối cùng, Nhà nước thất thu thuế, còn người tiêu dùng bị lừa đảo…

Ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen - cho biết: Mỗi công trình dù là dân dụng hay công nghiệp thì ngay trong giai đoạn thiết kế đều đã có tiêu chuẩn các yêu cầu về kỹ thuật, cũng như chất lượng riêng để đáp ứng yêu cầu xây dựng của chủ đầu tư. Nếu nhà cung cấp vật liệu tôn cố tình cung cấp tôn không đúng tiêu chuẩn chất lượng so với yêu cầu của công trình, cụ thể như: Tôn cung cấp không đủ độ dày của thép nền và độ dày của lớp mạ, chất lượng của lớp mạ không tốt, không đủ đảm bảo để bảo vệ thép nền… sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của công trình sau khi đưa vào sử dụng.

Tôn kém chất lượng nhanh bị phai màu, nhanh gỉ sét, làm công trình xuống cấp sau khoảng 3 năm sử dụng thay vì 10 năm với tôn chính hãng. Việc tôn bị gỉ sét làm dột nước mưa gây hư hỏng các vật dụng, trang thiết bị, hàng hóa lưu kho... Trong khi để khắc phục hậu quả, DN phải mất nhiều thời gian, chi phí để sửa chữa tình trạng hư hỏng này, thậm chí phải thay lại toàn bộ mái tôn của công trình.

Cách phân biệt tôn giả, tôn nhái

Lãnh đạo Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, Chi cục QLTT Hà Nội - đơn vị chuyên trách chống hàng giả cho biết: Việc cơ sở sản xuất tôn làm ra sản phẩm mà không in tên và thương hiệu của mình mà lại gắn tên, thương hiệu khác lên sản phẩm thì đó là hành vi làm hàng giả (giả về nhãn, xuất xứ, tên, địa chỉ). Nói cách khác là giả về hình thức bên ngoài.

Còn nếu sản phẩm đó có chỉ tiêu chất lượng trên bao bì hoặc theo quy định - cụ thể, ghi độ dày của tôn là 0,35mm, nhưng thực tế đo chỉ đạt 0,3mm hoặc mỏng hơn thì đây là hàng giả chất lượng. Theo quy định, tất cả các sản phẩm của DN đưa ra thị trường đều phải công bố chất lượng, trong đó sẽ có tên của hàng hóa, chỉ tiêu chất lượng, kích thước (độ dày, độ mỏng), kể cả hàm lượng thành phần trong sản phẩm đó… Lực lượng QLTT sẽ lập tức kiểm tra và xử lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN và người tiêu dùng ngay khi nhận được các thông tin về hàng giả. Hiện, lực lượng QLTT đã phát hiện sản phẩm giả mạo thương hiệu Tônmat, chưa phát hiện mặt hàng tôn mạ và tôn sơn phủ màu bị làm giả…

Với những người kinh doanh trong nghề có kinh nghiệm có thể phân biệt được ngay tôn giả và tôn thật qua: Chất lượng độ mạ không chuẩn, màu hơi lệch, mã số cuộn tôn trên dòng in không giống mã in như nhà sản xuất quy định… Cách khác đơn giản hơn đó là: Do quá trình gia công và in lại tên, cơ sở làm hàng giả không xóa hết dòng in nhà sản xuất cũ nên có thể thấy mờ mờ tên thương hiệu cũ. Thực tế đã có trường hợp tôn TOVICO bị xóa tên và được in lại tên tôn Hoa Sen.

Trường hợp bán tôn “đôn dem” - tôn không đủ độ dày như thông số của nhà sản xuất, chỉ cần đem cân tấm tôn để kiểm tra. Với tôn màu dày 0,35mm phải đảm bảo tỉ trọng 2,9-3kg/m, tôn màu dày 0,30mm cân nặng 2,4-2,5kg/m.

Ngày 19.11, Đội QLTT số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội - tiến hành kiểm tra “nóng” mặt hàng tôn tại Cty TNHH Ngọc Dần (KCN Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) có 5 mẫu tôn có dấu hiệu định lượng sai so với định lượng đã công bố. Tại địa điểm của Cty TNHH cơ khí và thương mại Lan Sáu (ngõ 176 Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội), qua kiểm tra, sản phẩm không phù hợp với độ dày trên tờ khai. Cả hai cơ sở trên sau khi làm việc với QLTT đã thống nhất đi kiểm định lại độ dày sản phẩm.

lao động

Các tin tức khác

>   Tôn giả lũng đoạn thị trường: Gian dối từ đại lý tới cửa hàng bán lẻ (19/11/2014)

>   Từ đề nghị xuất khẩu quặng sắt nghĩ về phát triển ngành Thép (31/07/2014)

>   Hệ lụy do phát triển quá “nóng” nhà máy luyện phôi thép (13/11/2014)

>   Ngành thép: Xuất một, nhập năm (12/11/2014)

>   Tình hình xuất khẩu và sản xuất sắt thép 9 tháng 2014 (11/11/2014)

>   Tình trạng thiếu cung sẽ đẩy giá alumina tăng cao vào năm 2015 (10/11/2014)

>   TLH: Lãi ròng 9 tháng giảm 55% so cùng kỳ (10/11/2014)

>   Cần xử lý mạnh tay thép hợp kim đội lốt (02/11/2014)

>   Ngành thép ở thế phòng thủ hay thất thủ? (02/11/2014)

>   Ngành thép Việt: Nuông chiều đến bao giờ? (30/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật