Số liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu mất đà
Các số liệu mới đây cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu mất đà.
Trong tháng Mười, hoạt động sản xuất công nghiệp tại nước này tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 8% trong tháng Chín và dưới mức dự báo 8% của các nhà phân tích trước đó.
Trong 10 tháng đầu năm nay, đầu tư vào tài sản cố định, một trong những động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2001.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
|
Doanh số bán lẻ trong cùng tháng, số liệu cho thấy hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng, tăng 11,5%, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2006. Trước đó, Bắc Kinh đã công bố tỷ lệ lạm phát duy trì gần mức thấp nhất trong 5 năm.
Nhà kinh tế Dariusz Kowalczyk, thuộc Credit Agricole CIB, tại Hong Kong nhận định các số liệu nói trên đang “củng cố” nhận định rằng đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại và thúc đẩy các nhà lãnh đạo nước này áp dụng thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ.
Trong quý III năm 2014, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,3%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh này, nhiều nhà phân tích cho rằng các biện pháp kích thích bổ sung có thể là cần thiết, để bù đắp những trở ngại, do sự "nguội lạnh" trên thị trường bất động sản gây ra.
Câu hỏi được đặt ra là các nhà lãnh đạo Trung Quốc có đưa ra thêm các biện pháp quyết liệt như cắt giảm lãi suất hay không, hay họ sẽ chờ đến khi nguy cơ suy thoái cận kề hơn mới “ra tay.”
Để hỗ trợ nền kinh tế, kể từ mùa Xuân, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra một loạt biện pháp. Động thái gần đây nhất là việc thông qua các dự án cơ sở hạ tầng trị giá 100 tỷ USD vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đã bơm 769,5 tỷ Nhân dân tệ thông qua các khoản vay kỳ hạn ba tháng vào các ngân hàng trong tháng 9-10.
Vietnam+
|