USD tăng giá: Sự trở lại của đồng bạc xanh?
Có một sự kiện đáng chú ý đã hỗ trợ rất lớn cho việc tăng trở lại của đồng bạc xanh mà ít ai để ý, hoặc có thể giới truyền thông đã cố tình lờ đi. Đó là cuộc cách mạng khai thác dầu khí đá phiến tại Mỹ, giúp nước này vượt Nga để trở thành quốc gia có sản lượng khí đốt lớn nhất thế giới vào năm 2010.
* Giá dầu biến động - do đâu?
* Cuộc cách mạng dầu khí đá phiến
Đồng USD đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử, bất chấp nền kinh tế của Mỹ vẫn chưa thật sự thoát khỏi giai đoạn khó khăn. So với các đồng tiền khác, đồng bạc xanh đã có màn trình diễn ngoạn mục kể từ đầu năm đến nay. Liệu xu hướng này có tiếp tục trong thời gian tới? Và thời hoàng kim của đồng USD phải chăng đã quay trở lại?
Ngày 30/10/2014, Janet Yellen – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo kết thúc gói QE3, chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ được duy trì trong suốt 6 năm kể từ năm 2008, thời điểm toàn cầu rơi vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1930. Thị trường tài chính lập tức phản ứng mạnh sau sự kiện này, giá vàng giảm 4 ngày liên tiếp, mất hơn 5%, các chỉ số chứng khoán toàn cầu đỏ lửa, thị trường hàng hóa thế giới sụt giảm mạnh, chỉ số USD Index (USDX) dùng để đo sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền tệ chính cũng tăng liền một mạch 4 phiên từ 85.9770 lên mức 87.2870.
Tuy nhiên, không phải đợi đến lúc Fed thông báo chấm dứt gói QE3, mà thực tế đồng USD đã bắt đầu xu hướng tăng trở lại so với các đồng tiền khác kể từ nửa cuối năm 2011, đặc biệt bắt đầu tăng rất mạnh từ đầu tháng 7 đến nay. Cụ thể, chỉ số USDX đã duy trì một mạch 4 tháng đi lên liên tiếp tính đến thời điểm này, với mức tăng lên đến 8.9%.
Những tưởng đã “băng hà”
Nền kinh tế Mỹ bắt đầu rơi vào khủng hoảng từ cuối năm 2007, sau một thời kỳ tăng trưởng bong bong nhà đất kéo dài với những khoản cho vay dưới chuẩn. Chỉ sau vài tháng khủng hoảng chìm sâu, đồng USD đã liên tục phá đáy với chỉ số USDX xác lập mức thấp kỷ lục trong lịch sử tại 70.7920 trong tháng 3/2008. Kể từ thời điểm đó, đồng bạc xanh bắt đầu giai đoạn biến động đầy bất ổn theo sự lên xuống khó lường của các chỉ số kinh tế tại nước Mỹ.
Không những chịu tác động từ nội bộ nền kinh tế Mỹ, đồng bạc xanh còn chịu sự công kích từ bên ngoài với những thông tin đe dọa loại bỏ đồng tiền này ra khỏi hệ thống thanh toán thế giới. Cuối năm 2009 rộ lên thông tin các nền kinh tế lớn khác nhóm họp nhằm kết thúc các giao dịch dầu lửa bằng đồng USD, mà thay vào đó là một rổ tiền tệ bao gồm đồng Yên Nhật, Nhân dân tệ, vàng và một đồng tiền mới hợp nhất của các quốc gia trong nhóm OPEC. NHTW nhiều nước đánh tiếng sẽ đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối và giảm bớt đồng USD, trong khi giới đầu tư cũng chạy vào vàng và thoái bớt các tài sản nắm giữ bằng USD. Những tưởng đồng bạc xanh đã kết thúc vai trò lịch sử là đồng tiền thanh toán và dự trữ chính của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sau khi xuống gần đáy một lần nữa vào tháng 5/2011, chỉ số USDX đã bật lên mạnh mẽ và duy trì đà phục hồi kể từ đó đến nay.
Chỉ số USD Index kể từ năm 2004 đến nay (Nguồn: netdania.com)
|
Nhưng bất ngờ hồi sinh mạnh mẽ
Có nhiều lý do giải thích cho sự phục hồi của đồng USD trong hơn 3 năm trở lại đây, trong đó đa số cho rằng là do sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ hay việc Fed thu hẹp dần và kết thúc các gói QE. Hay như việc thị trường vàng đã bị làm giá quá mức, khủng hoảng nợ công châu Âu hoặc việc NHTW Nhật bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế cũng được xem là lý do khiến giới đầu tư chạy vào đồng USD như là một kênh đầu tư an toàn và hấp dẫn.
Tuy nhiên, có một sự kiện đáng chú ý đã hỗ trợ rất lớn cho việc tăng trở lại của đồng bạc xanh mà ít ai để ý, hoặc có thể giới truyền thông đã cố tình lờ đi. Đó là cuộc cách mạng khai thác dầu khí đá phiến tại Mỹ, giúp nước này vượt Nga để trở thành quốc gia có sản lượng khí đốt lớn nhất thế giới vào năm 2010. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), mặc dù có trữ lượng dầu đá phiến chỉ xếp thứ hai thế giới, trữ lượng khí đá phiến xếp thứ tư thế giới, nhưng trong khi những nước khác đang loay hoay với công nghệ khai thác, thì cuộc cách mạng năng lượng này đã giúp Mỹ tăng nguồn dầu dự trữ chiến lược và cũng giúp nền kinh tế Mỹ hồi phục trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cần nhớ rằng sau khi rút khỏi hiệp định Bretton Woods vào năm 1971, đồng USD đã bị mất giá nặng nề, và sụt giảm uy tín nghiêm trọng trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Lúc này, những nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã thực hiện một nước cờ thật cao tay, tìm cách gắn đồng USD vào dầu mỏ. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong năm 1973 đã tạo cơ hội cho nước Mỹ có cớ để tìm cách gắn chặt đồng USD vào dầu mỏ nhằm ổn định thị trường dầu. Thế là từ việc tìm sự đảm bảo giá trị đồng USD nơi vàng, nước Mỹ đã chuyển sang dầu mỏ, và kể từ đó trở đi, cả thế giới ngày càng phải phụ thuộc vào đồng USD khi nhu cầu đối với loại vàng đen này không bao giờ giảm đi, mà chỉ ngày càng tăng mạnh trước sự phát triển của kinh tế thế giới.
Và ngày nay, với cuộc cách mạng lớn nhất về dầu khí trong thế kỷ 21 đã và đang diễn ra tại Mỹ, giới đầu tư kỳ vọng đồng bạc xanh sẽ tiếp tục đóng vai trò là đồng tiền thống lĩnh và là phương tiện thanh toán chính thức của nền kinh tế toàn cầu trong một thời gian dài nữa. Hay nói cách khác, đồng USD đã tìm thấy một tài sản nữa để làm cơ sở neo vào.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong năm 1973 đã tạo cơ hội cho nước Mỹ có cớ để tìm cách gắn chặt đồng USD vào dầu mỏ nhằm ổn định thị trường dầu. Thế là từ việc tìm sự đảm bảo giá trị đồng USD nơi vàng, nước Mỹ đã chuyển sang dầu mỏ, và kể từ đó trở đi, cả thế giới ngày càng phải phụ thuộc vào đồng USD khi nhu cầu đối với loại vàng đen này không bao giờ giảm đi, mà chỉ ngày càng tăng mạnh trước sự phát triển của kinh tế thế giới.
|
Phan Thụy
|