Thứ Năm, 06/11/2014 15:49

Philippines: Uber chính là nhân tố điều chỉnh thị trường

Các cơ quan quản lý Philippines đang tranh cãi nhau về tính hợp pháp của hoạt động kinh doanh của Uber tại đây.

* Làm rõ pháp lý xe Uber

* Uber đến rồi, taxi sợ chưa?

* Tiềm năng lớn từ “kinh tế chia sẻ”

Quảng cáo dịch vụ Uber Black tại Philippines. Ảnh: Manila Bulletin

Tuần qua, chính quyền Philippines tuyên bố dịch vụ đi nhờ xe Uber tại đây hoạt động tương tự xe dù (xe không đăng ký) bất hợp pháp. Từ đây dấy lên những tranh cãi về tính pháp lý của hoạt động kinh doanh của Uber không chỉ trong giới kinh doanh và người sử dụng, mà cả giữa các cơ quan quản lý của Philippines.

Ban quy chế và nhượng quyền giao thông đường bộ Philippines (LTFRB) vừa bắt tài xế một chiếc Toyota Fortuner đã cho đi nhờ xe có tính tiền theo dịch vụ Uber (dịch vụ chia sẻ phương tiện đi lại, sử dụng ứng dụng đi động kết nối các tài xế và khách hàng). Tài xế bị thu giấy phép lái xe còn xe thì bị giữ lại với lý do vi phạm quy định nhượng quyền, với mức phạt có thể lên đến 200.000 peso.

Đây là hành động LTFRB đáp ứng những khiếu nại của Hiệp hội Taxi Philippines cho rằng sự phát triển của Uber khiến công việc của hiệp hội trở nên vô hiệu, rằng dịch vụ Uber ảnh hưởng đến người có nhu cầu đi lại, và cần phải có quy định cấm hoạt động của Uber, theo Inquier.net.

Trong khi đó, Cơ quan phát triển đô thị Manila (MMDA) lại cho rằng Uber không phải là bất hợp pháp. MMDA cho rằng ở vị trí là một dạng dịch vụ chia sẽ phương tiện đi lại, đây chính là một phương cách giải quyết vấn đề về giao thông công cộng một cách an toàn và thuận tiện hơn, trong bối cảnh giao thông công cộng ở đây còn chưa đáng tin cậy.

Chủ tịch MMDA Francis Tolentino cho rằng chính quyền không nên chặn dịch vụ Uber, vì dịch vụ này thậm chí còn tốt hơn những chiếc taxi cũ nát vẫn chạy vòng quanh đón khách cùng với nạn chỉnh đồng hồ để ăn gian cước taxi hiện nay (xe của dịch vụ Uber bao gồm Fortuner, Montero, Camry, Hummers, cả BMW, Mercedes Benz mà người dùng rất ưa thích). Nghĩa là, Uber chính là một nhân tố cạnh tranh mới giúp điều chỉnh thị trường vận chuyển tốt hơn, đáng tin cậy hơn.

“Sức mạnh của luật pháp và các phương tiện kỹ thuật hay điều hành của chính quyền không thôi là chưa đủ để giải quyết những vấn đề như gian lận của taxi hay các hoạt động bất hợp pháp khác, do người tiêu dùng thiếu những chọn lựa khác thay thế. Uber hay những dịch vụ đi nhờ xe khác chính là một giải pháp như vậy để tăng tính cạnh tranh nhằm cải thiện an toàn và thuận tiện hơn trong các dịch vụ vận chuyển, phục vụ quyền và lợi ích đi lại của người dân, nhất là vào mùa lễ hội Yuletide sắp đến”, ông Tolentino thêm.

Còn Sở Giao thông và Truyền thông (DOTC) của Philippines tuần qua cũng yêu cầu LTFRB hợp tác với hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển Uber để tìm cách giúp họ tránh bị gọi là “nhà điều hành xe dù”, theo Philippines Star.

“Tôi đã yêu cầu LTFRB gặp gỡ Uber và tìm cách hiện đại hóa các quy định quản lý vận tải hiện hành. Trong khi LTFRB thực thi các quy định của pháp luật, chúng tôi cũng có trách nhiệm thúc đẩy các giải pháp kỹ thuật và hiện đại hóa để giải quyết các vấn đề”, Joseph Emilio Abaya, thư ký của DOTC cho biết.

“Tôi thấy vai trò của DOTC phải là hỗ trợ các phương thức vận chuyển mới để thích ứng với những vấn đề còn mắc mứu trong kinh doanh giao thông vận tải. Các quy định phải theo kịp các cải tiến kỹ thuật mới, và các luật lệ hay chính sách nào không còn phù hợp phải được chỉnh sửa”, ông Abaya thêm.

Lãnh đạo của DOTC cho rằng chính quyền phải làm việc với những người tiên phong trong lĩnh vực kỹ thuật, vì quyền lợi của người dân.

Phía Uber tỏ ra khá tự tin. Thậm chí ngày 3-11, Uber còn tung ra dịch vụ đi nhờ xe có tính phí phục vụ người khuyết tật dùng xe lăn ở Manila, theo Philippines Star. Công ty này cho biết vừa làm việc với tổ chức phi chính phủ Circle of Friends Foundation Inc. về dự án dịch vụ đi lại cho người khuyết tật.

Karun Arya, phụ trách truyền thông của Uber vùng Nam Á cho biết, “chúng tôi đang thảo luận với chính quyền Philippines để hoạt động của chúng tôi có thể hòa hợp với luật pháp”, theo Manila Bulletin.

“Quy định chưa theo kịp kỹ thuật, vì thế không chỉ ở Philippines, chúng tôi còn đang làm việc với các chính quyền tại nhiều nước để có thể đổi mới và phát triển quy trình quản lý”, Arya nói, “Uber chưa phải đã tới cuối đường đâu, vì thế chớ có xóa ứng dụng Uber trên điện thoại thông minh của bạn nhé”.

Thanh Hương

tbktsg

Các tin tức khác

>   Nông dân cả nước Pháp biểu tình phản đối thực phẩm nhập khẩu (06/11/2014)

>   Ảm đạm thị trường xe hơi Trung Quốc (06/11/2014)

>   Ecuador đổi dầu lấy vốn vay Trung Quốc (06/11/2014)

>   Thâm hụt thương mại của Brazil tồi tệ nhất trong 16 năm qua (05/11/2014)

>   Italy coi Việt Nam là cửa ngõ lý tưởng để thâm nhập thị trường ASEAN (05/11/2014)

>   Khai mạc Hội nghị quan chức cấp cao APEC tại Trung Quốc (05/11/2014)

>   Nghịch lý phải nhập khẩu dầu của Venezuela (05/11/2014)

>   Mỹ: Trung tâm Thương mại Thế giới mở cửa trở lại (04/11/2014)

>   Trung Quốc xây đường sắt cao tốc 4,3 tỷ USD cho Mexico (04/11/2014)

>   WHO lên án ngành dược ham lợi nhuận trong dịch Ebola (04/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật