Ảm đạm thị trường xe hơi Trung Quốc
Năm 2014 sắp kết thúc lại mang đến những tín hiệu không vui cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô toàn cầu, khi Trung Quốc, thị trường tiêu thụ ô tô lớn nhất thế giới, đang có dấu hiệu chững lại. Cùng với sự ảm đạm tại các thị trường khác như châu Âu, Nga, Nam Mỹ..., năm 2015 được dự báo là năm không hề suôn sẻ cho các nhà sản xuất ô tô toàn cầu.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAMA), trong 9 tháng vừa qua, doanh số ô tô bán ra tại Trung Quốc giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, chính phủ đẩy mạnh chống ô nhiễm không khí, hạn chế đăng ký xe mới tại các thành phố lớn và áp đặt quy định về kiểm soát khí thải cao hơn đối với các nhà sản xuất là những nguyên nhân ảnh hưởng đến mức tiêu thụ xe hơi tại Trung Quốc.
Hầu hết các hãng ô tô đều cắt giảm chỉ tiêu bán xe tại Trung Quốc. Hãng Honda của Nhật Bản hướng tới bán 800.000 xe, giảm so với mức 900.000 xe dự kiến ban đầu. Theo người phát ngôn của Honda Zhu Linjie, qua 10 tháng Honda mới bán được 573.154 xe. Nissan, một nhà sản xuất khác đến từ Nhật Bản, cũng cắt giảm mục tiêu bán hàng từ 1,4 triệu chiếc xuống còn 1,27 triệu chiếc.
Trước đó, vào tháng 9, một công ty liên doanh với hãng Toyota cũng phải cắt giảm chỉ tiêu bán hàng từ 660.000 chiếc xuống 620.000 chiếc. Các thương hiệu của Nhật gặp khó tại thị trường Trung Quốc còn liên quan đến yếu tố chính trị. Căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước, cao trào là người biểu tình Trung Quốc đập phá xe hơi của Nhật năm 2012, vẫn còn kéo dài đến nay.
Theo kết quả thăm dò dư luận của Công ty Bernstein (Hoa Kỳ) với 40.000 người tiêu dùng Trung Quốc, có đến 51% cho biết sẽ không bao giờ sở hữu một chiếc xe hơi của Nhật. Hiện những nhà sản xuất đến từ Đức và Ford của Hoa Kỳ đang chiếm thị phần lớn tại Trung Quốc.
Việc làm ăn không suôn sẻ của các doanh nghiệp sản xuất ô tô nước ngoài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các đối tác, các công ty liên doanh của Trung Quốc. Đầu tuần, giá cổ phiếu của Dongfeng Motor, công ty liên doanh với Nissan, Honda và PSA Peugeot Citroën, niêm yết tại thị trường chứng khoán Hồng Công sụt giảm 4% sau khi doanh thu quý III của tập đoàn Trung Quốc giảm 16% so với năm trước.
Doanh thu Dongfeng Motor thấp xuất phát từ doanh thu của các đối tác liên doanh giảm 1,1%. Tình trạng này cũng thấy ở Guangzhou Automobile, đối tác liên doanh với Toyota, Honda và Fiat. Doanh thu trong quý III của Toyota, Honda và Fiat giảm 30% so với năm trước, kéo theo sự sụt giảm về giá cổ phiếu của Guangzhou Automobile.
Gam màu xám của thị trường Trung Quốc hiện đối lập so với những dự báo tươi sáng đầu năm nay. Tháng 1, CAMA công bố số liệu năm 2013 doanh số thị trường ô tô đạt 21,98 triệu xe và dự báo có khả năng đạt 24 triệu xe trong năm 2014. Cũng trong năm 2013, tất cả 3 hãng xe lớn nhất thế giới đều đạt mức doanh số cao chưa từng có tại thị trường này.
Honda, một thương hiệu đến từ Nhật Bản, đang gặp khó tại Trung Quốc.
|
Trong đó, hãng GM của Hoa Kỳ có doanh số tại Trung Quốc tăng 11%, lên mức 3,16 triệu xe. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, đại gia công nghiệp ô tô Hoa Kỳ có mức doanh số cao hơn bất kỳ hãng xe ngoại nào tại Trung Quốc.
Hãng Volkswagen của Đức đã phá vỡ kỷ lục doanh số của chính mình thiết lập vào năm 2012 tại Trung Quốc ngay trong 11 tháng năm 2013 khi bán được 2,96 triệu xe. Hãng Ford được hưởng lợi từ việc người tiêu dùng Trung Quốc chuộng mẫu Focus. Năm 2013, doanh số của Ford tại Trung Quốc tăng 49%, đạt mức 935.813 xe, đánh dấu năm đầu tiên hãng này có doanh số cao hơn Toyota tại Trung Quốc....
Trước tình hình hiện tại, Giám đốc điều hành hãng sản xuất ô tô BMW Norbert Reithofer nhận định thị trường ô tô Trung Quốc đang dần bị bão hòa như các thị trường lớn khác Hoa Kỳ và châu Âu. “Chuyện tăng trưởng 2 con số sẽ chỉ là quá khứ” - ông Reithofer nói.
Đức Hoàng (Tổng hợp)
sgđt
|