Thứ Hai, 10/11/2014 09:19

Nông nghiệp Việt Nam: Làm gì để tránh “cảnh” làm thuê?

Là nước có khoảng 70% dân số làm nông nghiệp nhưng chưa bao giờ Việt Nam được đánh giá là cường quốc trong lĩnh vực này. Nhiều mặt hàng nông sản của nước ta như gạo, gỗ, tiêu,… thường xuyên có lượng XK lớn nhất, nhì thế giới, song không có thương hiệu, giá bán thấp, không làm chủ thị trường.

Khoa học công nghệ là “chìa khóa” giúp nông nghiệp Việt Nam “lột xác”.

Nguy cơ lớn

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận, mặc dù những năm gần đây ngành nông nghiệp luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và trở thành một trong những quốc gia XK nông sản lớn nhất thế giới, song các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chỉ chủ yếu tăng lượng mà chưa tạo dựng được uy tín, tiến tới nâng cao giá trị gia tăng.

Theo bà Nguyễn Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn đầu tư và Phát triển NN (Việt kiều Pháp): Nhiều nông sản Việt Nam đang bị bán rẻ do thiếu yếu tố công nghệ. Đơn cử như mặt hàng gạo, giá bán gạo thô hiện nay chỉ khoảng 15.000 - 25.000 đồng/kg, nhưng nếu áp dụng công nghệ chế biến thành sữa gạo, giá trị sẽ tăng lên gấp mấy lần. Ở Pháp 1 lít sữa có giá 1 Eur, trong khi đó 1 lít sữa gạo có giá từ 2 - 2,5 Eur (tương đương 54.000 - 68.000 đồng). Hay như tại Bạch Long (Giao Thủy, Nam Định), diêm dân điêu đứng vì giá muối thấp thì ở Pháp cũng có muối giống Bạch Long nhưng khác là họ dùng công nghệ tạo ra muối chăm sóc sức khỏe nên giá lên tới 100.000 đồng/kg thay vì 1.500 đồng/kg như giá bán tại Việt Nam.

Một số chuyên gia cho rằng, vấn đề ngành nông nghiệp chuyên XK hàng “thô” khiến giá trị giảm sút không có gì mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam sắp sửa ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do cũng như gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đã tới lúc thực trạng này cần được nghiêm túc nhìn nhận lại. Bởi nếu cứ ì ạch, yếu kém mãi, khi các ưu đãi về mặt thuế quan có hiệu lực, hàng hóa ở các quốc gia khác tràn vào sẽ “đè bẹp” ngành hàng nông nghiệp trong nước. Nông sản Việt khó cạnh tranh nổi ngay trên “đất mình”, chứ chưa nói gì tới chuyện “đấu đá” ở “đất khách”.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT: Chưa cần đợi các hiệp định thương mại tự do được ký kết hết và các DN quốc tế có tiềm lực tài chính mạnh mẽ “đổ bộ” vào, nguy cơ ngay từ nước láng giềng Trung Quốc cũng khiến Việt Nam phải đề cao “cảnh giác”. Ông Bình phân tích, thời gian qua, Trung Quốc tăng trưởng nóng, phát triển bằng mọi giá. Điều này khiến môi trường Trung Quốc ô nhiễm nặng nề, không thể tiếp tục canh tác nông nghiệp hiệu quả. Bởi vậy, nước này có xu hướng mở rộng đầu tư nông nghiệp sang các quốc gia lân cận thông qua việc thuê đất, thuê nhân công sản xuất nông nghiệp rồi mang sản phẩm về Trung Quốc tiêu thụ. “Việt Nam sát biên giới Trung Quốc, là một trong những quốc gia hứa hẹn để Trung Quốc xúc tiến kế hoạch. Như vậy, nếu không nỗ lực, chúng ta sẽ thua và có nguy cơ trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình”, ông Bình nói.

“Lách” bằng công nghệ

Bà Nguyễn Nga cho rằng: Nông nghiệp Việt Nam rất có tiềm năng. Nếu đầu tư đúng mức cho khoa học công nghệ, tăng cường chế biến, kết hợp với một tư duy sáng tạo thì ngành nông nghiệp hoàn toàn đủ khả năng nâng “chất”, cùng với đó đời sống người nông dân cũng sẽ cải thiện rõ rệt. “Hiện nay, những Việt kiều như chúng tôi có thể đóng vai trò rất tốt, tạo ra sự kết nối giữa người dân, DN trong nước với nhu cầu hàng hóa, công nghệ từ nước ngoài. Thông qua đó, hàng nông sản Việt Nam sẽ ngày càng đáp ứng đúng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị XK”, bà Nguyễn Nga nói.

Cùng chung quan điểm với bà Nguyễn Nga, theo ông Trương Gia Bình, nếu biết tận dụng cơ hội, Việt Nam có thể đi đường tắt bằng công nghệ, trở thành cường quốc về nông nghiệp. Đó là bởi trên thế giới hiếm có quốc gia nào có điều kiện thiên nhiên thuận lợi như Việt Nam. Ví dụ, Đan Mạch muốn nuôi lợn phải có máy sưởi, Nga một năm chỉ trồng được 1 vụ lúa mạch, trong khi Việt Nam trồng được 4 vụ lúa một năm.

“Muốn trở thành cường quốc nông nghiệp, Việt Nam cần có 3 yếu tố: Công nghệ cao, quy mô lớn và lực lượng lao động được đào tạo. Hiện nay, Tập đoàn FPT đang hợp tác với Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản) để đưa công nghệ cao vào Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển nền nông nghiệp thông minh, tạo ra sự đột phá”, ông Bình khẳng định.

Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT cũng xác định đầu tư cho khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất là “chìa khóa” giúp nông nghiệp Việt Nam “lột xác”.

Bấy lâu nay, nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ NN&PTNT nhưng tới đây Bộ sẽ đặc biệt đẩy mạnh các chính sách khuyến khích cộng đồng DN tự chủ đầu tư, nghiên cứu; cùng với đó, tạo ra cơ chế liên minh giữa các DN, Viện, trường để từ nghiên cứu đi thẳng vào sản xuất. Chủ trương của Bộ là chú trọng vào nghiên cứu công nghệ bảo quản và chế biến, công nghệ sinh học, công nghệ viễn thám nhằm hỗ trợ cho nông dân và ngư dân.

Kim ngạch XK nông lâm thuỷ sản tháng 10 ước đạt 2,28 tỷ USD, đưa giá trị XK của ngành 10 tháng đầu năm lên 25,39 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,25 tỷ USD, tăng 11,5%; giá trị XK thuỷ sản ước đạt 6,48 tỷ USD, tăng 19,9%; giá trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,24 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, cả năm 2014, giá trị XK toàn ngành nông lâm thủy sản sẽ đạt khoảng 30 tỷ USD.

(Nguồn: Báo cáo của Bộ NN&PTNT)


Thanh Nguyễn

hải quan

Các tin tức khác

>   Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Bỏ sản xuất theo tư duy “sợ đói” (10/11/2014)

>   Ưu tiên vốn cho nông, thủy sản (09/11/2014)

>   Ngành nông nghiệp Italy thiệt hại 2,5 tỷ euro do thiên tai (09/11/2014)

>   Giá cà phê giảm, nạn nhân của chiến tranh tiền tệ (08/11/2014)

>   Nông nghiệp Việt Nam: “Thị trường nội địa vẫn đang là vô tận” (08/11/2014)

>   Giá nông phẩm trên thế giới giảm bảy tháng liên tiếp (07/11/2014)

>   Năm 2015 - Nông nghiệp bước vào “cuộc chiến” chất lượng (07/11/2014)

>   "Không phải tôi về hưu nói cho sướng miệng" (07/11/2014)

>   Nông nghiệp Việt “đủng đỉnh” tiến vào hội nhập sau gần 2 thập kỷ (06/11/2014)

>   Những 'bàn tay' thao túng chẳng chừa chiêu trò nào (06/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật