Ngành Công Thương: Những điểm sáng qua đánh giá của đại biểu Quốc hội
Bên hành lang Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Cương- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - ghi nhận những đánh giá khách quan của ông về hiệu quả hoạt động tích cực của ngành Công Thương thời gian qua và những khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương
|
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Cương- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận- ghi nhận những đánh giá khách quan của ông về hiệu quả hoạt động tích cực của ngành Công Thương thời gian qua, kể cả những khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới.
Ông có thể nêu một số ý kiến đánh giá chung nhất về hiệu quả hoạt động của ngành Công Thương thời gian qua, đặc biệt là 10 tháng đầu năm 2014?
Về công tác chỉ đạo, qua thảo luận, tôi và nhiều đại biểu cho rằng, nếu so với các kỳ họp trước, trong kỳ hợp thứ 8 này, những vấn đề “nóng” liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương đã giảm đi rất nhiều. Đó là nhờ kết quả được nhiều đại biểu đánh giá là rất khả quan trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương thời gian qua.
Tôi cho rằng, sự khởi sắc của kinh tế mang lại nhiều triển vọng tốt đẹp của một năm đầy thử thách với những dấu ấn nỗ lực của các bộ, ngành, trong đó nổi bật là đóng góp của ngành Công Thương, thể hiện ở một số mặt cụ thể:
Thứ nhất, dù còn nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng khá. Tính chung 10 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ấn tượng, đạt 6,9%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.
Thứ hai, quy mô, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa với con số kim ngạch tăng trong 10 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước tới 13,4%, tương ứng khoảng 123,1 tỷ USD. Dự kiến năm 2014 là năm xuất siêu 3 năm liền, giúp tăng cường dự trữ ngoại tệ và ổn định tỷ giá, tác động tốt tới thị trường xuất khẩu.
Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế, đàm phán các hiệp định thương mại tự do, trong đó có FTA với EU, với Liên minh Hải quan Nga - Belarut - Kazakhstan và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra thuận lợi, chắc chắn sẽ tác động tốt đến hoạt động xuất khẩu- đã và đang là một điểm sáng trong quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế đất nước.
Một vấn đề nữa cũng cần được ghi nhận là 10 tháng qua, ngành điện đã rất nỗ lực trong việc cung cấp đủ điện, an toàn phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế và đời sống nhân dân cả nước. Đặc biệt phải kể đến những công trình đưa điện về vùng sâu, vùng xa, các huyện đảo như Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn không những góp phần nâng cao đời sống, an sinh xã hội của người dân mà còn góp phần bảo vệ biên giới hải đảo của Tổ quốc.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng rất tích cực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 của Quốc hội về công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành các công trình thủy điện bước đầu có hiệu quả rõ nét. Dù cần một quá trình chứ không chỉ riêng năm 2014 để đánh giá, song việc triển khai đó phần nào thể hiện quyết tâm và ý thức trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành của Bộ Công Thương.
Thưa ông, thời gian qua, cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm đến vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ của nước ta với nhiều ý kiến trái chiều. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Trước hết phải khẳng định, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định.
Thống kê năm 2013 cho thấy, chúng ta đã có 1.383 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng kim loại, điện, điện tử, nhựa và cao su. Số liệu về tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước của các nhà lắp ráp tại Việt Nam cũng khá ấn tượng, với khoảng 85-90% đối với ngành sản xuất, lắp ráp xe máy; 15- 40% trong ngành ô tô; 20% trong ngành sản xuất thiết bị đồng bộ; 40- 60% trong lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp, máy động lực…
Tuy nhiên, CNHT Việt Nam vẫn còn chậm phát triển do quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất các linh kiện chi tiết giản đơn, giá trị gia tăng thấp và có sự chênh lệch về năng lực đối với các yêu cầu của các hãng sản xuất toàn cầu.
Trong khi đó, khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng rào thuế quan giảm xuống, nhiều mặt hàng, trong đó có linh, phụ kiện nhập khẩu, được giảm thuế, nên các nhà đầu tư, lắp ráp thường tìm mua các chi tiết, linh kiện từ bên ngoài. Điều này làm giảm cơ hội của doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm, chi tiết thuộc lĩnh vực CNHT.
Nhận thức được tầm quan trọng của CNHT, Chính phủ đã chỉ rõ, phát triển ngành CNHT là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu và được kỳ vọng là sẽ làm thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp Việt Nam.
Tôi được biết, mới đây, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định phát triển CNHT thay thế Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 theo hướng “Nghiên cứu, nâng mức ưu đãi đủ sức hấp dẫn các dự án đầu tư trong lĩnh vực CNHT theo Danh mục lĩnh vực và sản phẩm CNHT do Chính phủ ban hành, cũng như các dự án sử dụng nhiều nguồn cung cấp vật tư, nguyên liệu..., từ thị trường nội địa” và “qui định cụ thể tiêu chí xác định ngành, sản phẩm được hưởng ưu đãi theo hướng đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, minh bạch theo hướng tập trung vào một số ngành, sản phẩm trọng điểm”.
Chính phủ cũng khẳng định, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho CNHT, như: Chương trình quốc gia doanh nghiệp hỗ trợ, hay hình thành Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp và những cơ chế ưu đãi hơn về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân...) đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT. Tôi tin rằng những động thái này của Chính phủ và sự chủ động trong chỉ đạo của Bộ Công Thương sẽ tạo ra những tác động tích cực, giúp ngành CNHT Việt Nam nhanh chóng có vị thế xứng đáng trong quá trình phát triển công nghiệp nước nhà.
Không chỉ trong kỳ họp thứ 8 mà liên tiếp trong nhiều kỳ họp gần đây, công tác quản lý thị trường, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, luôn là vấn đề làm “nóng” nghị trường. Ông có thể cho biết đánh giá của mình về vấn đề này?
Tôi đã nghiên cứu báo cáo của Bộ Công Thương về công tác quản lý thị trường (QLTT), theo đó, thời gian qua, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, 10 tháng đầu năm 2014, lực lượng QLTT đã kiểm tra 152.884 vụ, phát hiện xử lý 80.024 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 237,37 tỷ đồng, tổng thu nộp ngân sách 325,52 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chưa bán 130,5 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy 53,04 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để nhìn thẳng vào vấn đề, tôi và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kết quả này chưa đáp ứng yêu cầu làm lành mạnh hóa, làm sạch thị trường nội địa và bảo vệ sản xuất trong nước. Nguyên nhân thì có nhiều, song theo tôi, trước hết là ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức QLTT nhiều lúc, nhiều nơi chưa cao, không chỉ thể hiện qua những vụ việc tiêu cực đã bị phát hiện, mà trên bình diện chung, tôi cho rằng lực lượng QLTT hoạt động chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Hơn nữa, hiện cơ cấu tổ chức, các quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động cũng như việc đầu tư về con người, trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn của lực lượng QLTT chưa đáp ứng được yêu cầu và đỏi hỏi thực tế.
Tôi cho rằng, Bộ Công Thương, ngoài việc tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành lực lượng QLTT theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động thì cần chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, ban hành các quy định tạo cơ chế phù hợp hơn cho lực lượng QLTT, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa QLTT với các lực lượng như công an, hải quan, biên phòng, các ngành chức năng khác.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Châu
công thương
|