Việt Nam đề xuất tuyến đường kết nối tới Ấn Độ và Nam Á
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất nghiên cứu khả thi việc hình thành các tuyến đường mới, theo mô hình vận tải đa phương thức, kết nối Hành lang Kinh tế phía Nam và Hành lang Kinh tế Đông - Tây với tiểu lục địa Ấn Độ và khu vực Nam Á.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản
lần thứ 6.
|
Bên lề các Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 6 cùng lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Nhật Bản.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong triển khai “Chương trình Hành động Mekong - Nhật Bản" nhằm hiện thực hóa Chiến lược Tokyo 2012.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh ba nội dung quan trọng của hợp tác Mekong-Nhật Bản đóng góp cho quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và hỗ trợ các nước Mekong tranh thủ tốt nhất những giá trị và lợi ích mà Cộng đồng đem lại.
Theo đó, cần nhìn vấn đề kết nối khu vực ở tầm rộng hơn, hướng đến kết nối liên khu vực giữa Tiểu vùng Mekong với các các khu vực khác để giúp các nước Mekong tham gia ngày càng sâu hơn và ở các tầng nấc cao hơn trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ nghiên cứu khả thi việc hình thành các tuyến đường mới, theo mô hình vận tải đa phương thức, kết nối Hành lang kinh tế phía Nam và Hành lang kinh tế Đông - Tây với tiểu lục địa Ấn Độ và khu vực Nam Á. Đây sẽ là tuyến đường thương mại quan trọng gắn kết Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á và Nam Á.
Sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong có tầm quan trọng sống còn đối với sự phát triển và tương lai của Tiểu vùng Mekong. Phát triển kinh tế phải bảo đảm tính bền vững của môi trường, bao gồm nguồn nước, tránh ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của người dân thuộc lưu vực sông Mekong. Các chương trình hợp tác thuộc Chiến lược Tokyo có thể bổ trợ cho việc triển khai các quyết định của Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Công lần 2 về giải quyết những tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đối với lưu vực sông Mekong. Đề nghị Chính phủ Nhật Bản tăng cường hỗ trợ cho Ủy hội sông Mekong, đặc biệt trong triển khai nghiên cứu đánh giá tổng thể tác động của xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong.
Cần thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương của Nhật Bản với doanh nghiệp và địa phương các nước Mekong, trước mắt trong một số lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp, thủy sản, logistics.
Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định coi trọng và cam kết của Việt Nam đối với hợp tác Mekong - Nhật Bản vì sự phát triển bền vững, hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Tại hội nghị, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Nhật Bản đều nhất trí về phương hướng hợp tác thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Nhật Bản.
|
Theo đó, tăng cường kết nối khu vực Mekong phục vụ xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, trong đó chú trọng phát triển các hành lang kinh tế và các tuyến đường mới gắn kết Tiểu vùng Mekong với tiểu lục Ấn Độ.
Xây dựng “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong” nhằm thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị khu vực và tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh giữa Tiểu vùng Mekong và Nhật Bản.
Hợp tác phát triển bền vững Tiểu vùng Mekong thông qua thúc đẩy tăng trưởng các bon thấp, chú trọng tính bền vững về môi trường và xã hội trong phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng năng lực ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn điều kiện tự nhiên của Tiểu vùng Mekong.
Các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định tầm quan trọng sống còn của việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước sông Mekong và cam kết tăng cường hợp tác với các tổ chức địa phương và quốc tế, đặc biệt là Ủy hội sông Mekong trong lĩnh vực này.
Hội nghị đã ra Tuyên bố chung và nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7 vào tháng 7/2015 tại Nhật Bản.
Nguyễn Hoàng - Nhật Bắc
chính phủ
|