Lương hưu và quỹ BHXH
Nguy cơ vỡ quỹ Bảo hiểm Xã hội (BHXH), ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người hưởng chế độ hưu trí, là một nguy cơ có thật.
Để tránh việc nguy cơ đó trở thành hiện thực, năm trước, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất tăng tuổi hưu của người lao động, nhằm tăng nguồn đóng góp và giảm thời gian hưởng chế độ hưu.
Nhưng đề xuất đó không khả thi. Và trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 khóa XIII này, dự thảo Luật BHXH sửa đổi, có nội dung là lương hưu của người lao động sẽ giảm đi theo cách tính mới, chuẩn bị đưa trình Quốc hội phê duyệt, lại được xã hội hết sức quan tâm.
Có người đã ví von rằng quỹ BHXH như một cái bể nước có hai vòi. Một vòi chảy vào và một vòi chảy ra. Để bể nước không cạn kiệt, thì lưu lượng của hai vòi luôn phải bằng nhau. Nguy cơ vỡ quỹ BHXH sẽ xảy ra khi “cái vòi” đóng góp chảy vào ngày càng ít, trong khi vòi chảy ra thì không đổi, thậm chí ngày càng tăng lên.
Nhưng để tăng nguồn thu cho quỹ, thì có rất nhiều cách chứ không phải chỉ có một cách duy nhất là giảm đầu ra.
Thứ nhất là phải kiểm soát được thu nhập của người lao động đang tham gia đóng BHXH, để quy định tỷ lệ đóng BHXH từ thu nhập đó chứ không phải chỉ tính trên lương như hiện nay.
Ở các nước khác, lương và thu nhập là một. Còn ở ta thì ngược lại, lương chỉ là một phần, thậm chí chỉ là một phần nhỏ trong thu nhập của cán bộ, công chức viên chức. Tình trạng những cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập chỉ dăm ba triệu đồng mỗi tháng, nhưng lại có mức sống cao hơn hẳn mặt bằng mức sống của xã hội, vẫn đang bày ra trước mắt người đời.
Chính điều đó đã làm quỹ BHXH thất thu một nguồn lớn. Nhưng rõ ràng là hiện tại chúng ta đang bất lực hoàn toàn trong việc kiểm soát thu nhập này.
Thứ hai, là nguồn quỹ từ nguồn đóng góp BHXH đó phải được đầu tư một cách có hiệu quả, có lãi, để tăng giá trị của quỹ. Nhưng theo PGS-TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH, thì hiện nay, những suất đầu tư có nguồn gốc từ quỹ BHXH đó không hiệu quả, lãi chỉ là lãi trên danh nghĩa chứ không phải lãi thực tế.
Thứ ba là phải bảo toàn giá trị đồng vốn của quỹ BHXH. Vẫn theo PGS-TS Mạc Văn Tiến, thì hiện tại, việc này chúng ta làm cũng chưa tốt.
Và thứ tư, là phải xử lý triệt để tình trạng chây ỳ, nợ đọng BHXH, trốn BHXH. Hiện tại, tình trạng này đã đến mức báo động. Nợ đọng BHXH, trốn BHXH đã lên đến con số hàng ngàn tỷ đồng.
BHXH là cơ quan sự nghiệp, nên dù Thanh tra BHXH có thanh tra, thì cuối cùng cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Cho đến nay, chưa có người đứng đầu cơ quan nợ BHXH, trốn BHXH nào bị xử lý tương xứng với hành vi mà họ gây ra.
Nợ, trốn BHXH là hành vi chiếm dụng tiền của người lao động, gây ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của họ. Vậy tại sao Nhà nước không đặt ra những chế tài đủ mạnh, để làm công cụ xử lý những trường hợp này? Có ý kiến cho rằng cần phải giao việc Thanh tra BHXH cho ngành thuế điều hành.
Việc nợ BHXH phải bị xử lý như nợ thuế. Và việc xử lý việc trốn BHXH phải như xử lý tội trốn thuế. Nghĩa là người đứng đầu cơ quan trốn BHXH phải bị truy cứu trách nhiệm Hình sự. Đó là những ý kiến hoàn toàn có cơ sở.
Giải quyết tốt những vấn đề trên, thì chẳng việc gì phải bàn đến việc vỡ quỹ hay không vỡ quỹ cả.
Vũ Hữu Sự
nông nghiệp
|