Thứ Tư, 12/11/2014 10:52

Ai quản 1 triệu tỉ đồng của dân?

Cần một cơ quan chuyên môn quản lý tập trung nguồn vốn 1 triệu tỉ đồng này chứ không phân tán như hiện nay.

Làm thế nào để tiền của dân đóng thuế đang được đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được sử dụng hiệu quả, không bị thất thoát, thua lỗ như thời gian qua? Đây cũng chính là vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm thảo luận tại hội trường về dự thảo, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh diễn ra ngày 11-11. Nhiều ĐB cho rằng đã đến lúc thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với các DNNN.

Vốn rải khắp nơi, khó quản trách nhiệm

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết hiện nay vốn nhà nước đang nằm trong các DNNN là hơn 1 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, 1 triệu tỉ đồng đó đang nằm rải rác, phân tán ở nhiều bộ, ban ngành và ở 63 tỉnh, thành, các địa phương. “Chúng ta thấy sự phân tán đó dẫn đến sử dụng vốn không hiệu quả, thậm chí chỗ thừa thì vẫn để gửi trong ngân hàng hưởng lãi suất thấp, còn chỗ thiếu phải đi vay với lãi suất rất cao” - ĐB Ngân nêu nghịch lý.

Chính vì vậy ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng phải khắc phục những lỗ hổng trong quản lý vốn hiện nay. “Nhất là khắc phục tình trạng không rõ địa chỉ trách nhiệm để xử lý vi phạm như những đổ vỡ, mất mát nghiêm trọng về vốn, tài sản nhà nước ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước gây mất lòng tin trong nhân dân đối với DNNN đã diễn ra trong thời gian qua” - ĐB Vở nhấn mạnh.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết hiện nay vốn nhà nước đang nằm trong các DNNN là hơn 1 triệu tỉ đồng.

Cần một cơ quan chuyên trách

Để giải quyết tình trạng nêu trên, ĐB Trương Văn Vở đề nghị quy định ngay trong luật việc thành lập một cơ quan chuyên trách ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN. “Bởi lẽ thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá thay đổi cơ bản trong việc quản lý DNNN, tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có điều kiện để tập trung hơn vào việc xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược cho các DN hoạt động, thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của DN, tăng cường trách nhiệm cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại DN” - ĐB Vở phân tích.

Đồng tình, ĐB Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng rất cần một cơ quan chuyên môn quản lý tập trung nguồn vốn này và cơ quan chuyên môn đó chịu trách nhiệm trước 90 triệu cổ đông, mà 90 triệu cổ đông đó là ai, là 90 triệu dân. Bởi tài sản này là tài sản của Nhà nước và Quốc hội sẽ là cơ quan đại diện cho người dân để giám sát khoản vốn nhà nước.

“Tôi nghĩ rất cần mô hình quản lý tập trung. Chẳng hạn hình thành một tổng cục quản lý vốn và chịu trách nhiệm báo cáo rất chi tiết. Cơ quan này sẽ tính toán nên đầu tư vào ngành nào, nên đầu tư vào loại hình nào, ở thời gian nào chứ không phải hôm nay đầu tư ngành này rồi chúng ta lại yêu cầu phải chuyển ngành nhanh ngay. Tôi đề nghị quản lý tập trung đó có thể nằm ở Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư” - ông Ngân đề xuất.

DNNN chỉ làm những gì tư nhân không làm

Tôi đề nghị Nhà nước không đầu tư hoặc tiếp tục đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, sản phẩm mà khu vực kinh tế tư nhân hoặc xã hội có đủ năng lực và điều kiện cung ứng với chất lượng và hiệu quả bằng hoặc cao hơn. Một tình trạng lâu nay rất nhiều cử tri phản ánh, rất nhiều chuyên gia phản ánh đó là Nhà nước cạnh tranh với khu vực tư nhân. Chức năng của khu vực kinh tế nhà nước là vốn mồi, đi vào những lĩnh vực mà tư nhân không đầu tư.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Siết chặt tình trạng lãnh đạo “hốt cú chót” trước khi về hưu

Vừa qua báo chí nêu có lãnh đạo bộ trước khi nghỉ hưu bổ nhiệm hàng chục lãnh đạo cấp vụ, trong đó có người chưa đủ điều kiện. Dư luận cho rằng thực trạng này không chỉ diễn ra ở các cơ quan quản lý nhà nước mà còn diễn ra ở các DNNN. Có lãnh đạo DN trước khi nghỉ hưu nhận hàng trăm nhân viên vào làm việc. Vấn đề là làm sao tăng cường hiệu quả hoạt động của các DNNN, tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình)

Lương lãnh đạo cao thì công nhân cũng phải cao

Vừa qua dư luận cũng nói nhiều về một số DN công ích, lương cán bộ thì cao, lương công nhân lại thấp. Tuy nhiên, đã nói đến kinh doanh thì phải nói đến hiệu quả và động lực. Không có động lực thì không có hiệu quả.

Do đó tôi đề nghị chúng ta quy định một nguyên tắc lương lãnh đạo cao thì lương công nhân cũng phải cao, xã hội không ai phàn nàn cả.

ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang)


Thu Hằng

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức (12/11/2014)

>   6,3 triệu người chính thức được tăng lương từ 1-1- 2015 (10/11/2014)

>   Thở phào với thu nhập chịu thuế (10/11/2014)

>   Sức ép từ bảng xếp hạng của WB (10/11/2014)

>   Truy thu hơn 876 tỉ đồng thuế sau thông quan (10/11/2014)

>   Tăng lương: Khéo co kéo, có ngay chục ngàn tỷ (08/11/2014)

>   Chậm nộp lệ phí 20.000 đồng, doanh nghiệp bị cưỡng chế (06/11/2014)

>   Đề xuất năm 2015 tăng lương cho ba nhóm đối tượng (06/11/2014)

>   Doanh nghiệp bức xúc vì thuế, phí (06/11/2014)

>   Miễn lệ phí trước bạ đối với xe máy điện đến hết 30/6/2015 (06/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật