Lạm phát thấp hơn kỳ vọng, EC hạ dự báo tăng trưởng
Ủy ban châu Âu (EC) buộc phải cắt giảm dự báo tăng trưởng cho khu vực đồng euro khi các nền kinh tế lớn nhất của khối vẫn tiếp tục chật vật với tàn dư từ cuộc khủng hoảng nợ.
Báo cáo hôm 4-11 của EC dự báo lạm phát ở mức 0,8% trong năm 2015, thấp hơn nhiều so với mục tiêu gần 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Dự báo mới này có phần bi quan hơn so với mức 1,1% của ECB.
EC cũng dự báo tăng trưởng GDP cho toàn khối là 1,7% vào năm 2016, thấp hơn mức 1,9% do ECB công bố hồi tháng 9. Tổng sản phẩm quốc nội của khu vực được kỳ vọng chỉ tăng 0,8% trong năm nay và 1,1% năm 2015, giảm so với mức dự báo 1,2 và 1,7% vào tháng 5.
Theo EC, lạm phát trong khu vực đồng euro thậm chí có thể thấp hơn mức dự báo mới của ECB và nhiều nước sẽ không đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng.
"Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn còn đeo bám dai dẳng - Marco Buti, trưởng ban kinh tế EC, cho biết - Sự trì trệ vẫn tiếp tục và lạm phát bị kéo xuống bởi giá năng lượng và thực phẩm sụt giảm".
Triển vọng ảm đạm càng cho thấy rõ sự hồi phục mong manh của khu vực đồng euro.
Hành động của ECB
Mối đe dọa giảm phát đã buộc ECB thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có. Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp đã bắt đầu giảm, các nền kinh tế chủ chốt như Đức và Pháp vẫn đang đối mặt với một loạt thách thức phát sinh từ cuộc khủng hoảng nợ.
Đánh giá ảm đạm về khu vực đồng euro được công bố chỉ vài ngày trước cuộc họp chính sách hằng tháng của hội đồng quản trị ECB ở Frankfurt. ECB đã cắt giảm lãi suất đến mức thấp kỷ lục 0,05% và bắt đầu các chương trình mua trái phiếu để bơm tiền vào hệ thống nhằm thúc đẩy lạm phát và kích thích tăng trưởng.
Sự phục hồi “mong manh”
Bên cạnh Đức, EC còn cắt giảm dự báo tăng trưởng của Pháp và Ý.
Ý, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực, sẽ tăng trưởng âm 0,4% năm nay và hồi phục ở mức 0,6% vào năm 2015, bằng một nửa con số dự báo hồi tháng 5. Nợ công của Ý, chỉ đứng sau Hi Lạp trong khu vực đồng euro, sẽ đạt 133,8% GDP năm sau trước khi giảm còn 132,7% năm 2016.
EC dự báo Đức sẽ rơi vào tình trạng trì trệ trong nửa cuối năm nay. Triển vọng tăng trưởng 2015 bị điều chỉnh xuống còn 1,1 so với mức 2% hồi tháng 5. Tăng trưởng sẽ hồi phục dần với sự hỗ trợ của thị trường lao động, tình hình tài chính thuận lợi và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.
Do Pháp vẫn đang tranh cãi với Ủy ban ngân sách châu Âu về việc kiểm soát chi tiêu, dự báo thâm hụt của nước này đã bị nâng lên mức 4,4% GDP cho năm 2014 so với mức 3,9% hồi tháng 5, cao hơn giới hạn 3% của EU.
Năm 2016, thâm hụt của Pháp sẽ đạt 4,7%. Trong đó, thâm hụt cấu trúc, vốn không chịu ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế, sẽ tăng từ 3% năm 2014 lên 3,4% năm 2016.
Kinh tế Tây Ban Nha dự kiến tăng tốc lên 1,7% và 2,2% trong hai năm tới từ mức 1,2% của năm nay nhờ nhu cầu trong nước tăng cao. Thâm hụt ngân sách, chốt ở mức 5,6% GDP năm nay, sẽ thu hẹp còn 4,6% năm 2015 và đến năm 2016 còn 3,9%.
EC dự báo tỉ lệ thất nghiệp trong khu vực sẽ giảm dần từ mức 11,6% hiện nay xuống 11,3% năm 2015 và 10,8% năm 2016. Sự phục hồi không chỉ chậm chạp mà còn ẩn chứa nhiều bất ổn. Chỉ số niềm tin bắt đầu suy giảm từ giữa năm và đang ở mức bằng năm 2013.
Dữ liệu cho thấy hoạt động kinh tế đến cuối năm sẽ rất ảm đạm và ngày càng khó nhìn thấy kết quả của sự hồi phục.
|
Hồng Anh (Theo Bloomberg)
tuổi trẻ
|