Giá vàng thế giới sẽ còn giảm mạnh
Giá vàng thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua và đang trên đà giảm mạnh.
* Vàng và bạc tiếp đáy 4 năm khi USD chạm đỉnh 7 năm
Nguồn: Bloomberg
|
Giá vàng thế giới đã mất đến hơn 1/3 giá trị kể từ năm 2012 đến nay. Đến chiều 05/11, giá vàng giao ngay giảm còn 1,148 USD/oz, đánh dấu đà sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2010 và là mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua.
Ồ ạt bán tháo vàng
Vàng hiện nay không còn là một kênh đầu tư hấp dẫn đối với giới đầu tư trên toàn thế giới.
Hàng loạt các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đầu tư vào vàng đã bán tháo kim loại quý trong suốt thời gian qua, đẩy lượng vàng nắm giữ của các quỹ này đã xuống đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong đó, SPDR Gold Trust – quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới hiện nay – đã giảm lượng vàng nắm giữ xuống còn 738.82 tấn tính đến chiều 05/11, tương đương với giá trị là 27.69 tỷ USD. Đây là mức nắm giữ thấp nhất của quỹ trong khoảng 6 năm trở lại đây.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự bán tháo ồ ạt của các quỹ ETF là do sự khởi sắc của nền kinh tế Mỹ và sự tăng giá của đồng USD so với những đồng tiền khác đã khiến cho kênh đầu tư vào vàng trở lên kém hấp dẫn so với những kênh đầu tư khác. Bên cạnh đó, đà giảm giá liên tục trong thời gian gần đây của các nguyên liệu hóa thạch, đặc biệt là dầu mỏ, đã làm giảm áp lực lạm phát lên đà tăng trưởng khả quan của nền kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế khác, từ đó khiến vai trò quan trọng nhất của vàng – “lá chắn” lạm phát – ngày càng giảm.
Tính đến chiều 05/11, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index, một thước đo sức mạnh của đồng USD, tiếp tục tăng 0.56%, giữ vững đà tăng trong thời gian gần đây. Kèm theo đó, những thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ trong quý III sẽ củng cố thêm sức mạnh của đồng USD trong thời gian tới.
Nguồn: Bloomberg
|
Nhu cầu vàng vật chất suy giảm
Một trong những trụ đỡ quan trọng nhất trong mỗi đợt giảm giá của vàng là nhu cầu vàng vật chất từ 2 quốc gia tiêu thụ nhiều vàng nhất thế giới Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, năm 2014 lại đánh dấu một trong những năm mà nhu cầu vàng của 2 nước này giảm mạnh mặc dù giá vàng ngày càng đi xuống.
Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết, trong quý II năm nay, nhu cầu vàng của Ấn Độ giảm tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 204.1 tấn. Trong đó, nhu cầu đầu tư vàng dưới dạng tiền xu vàng hoặc vàng thỏi giảm tới 67%. Trong khi đó, WGC tại Ấn Độ cho biết, tổng nhu cầu vàng 2014 của nước này được dự báo chỉ đạt 850 tấn, giảm 12.82% so với mức 975 tấn năm 2013. Nhiều nhà phân tích còn cho rằng, nhu cầu thực tế của Ấn Độ còn thấp hơn rất nhiều so với dự đoán trên của WGC.
Nguyên nhân được kể đến là do mức tỷ suất sinh lợi khi đầu tư vào vàng không còn đủ sức hấp dẫn so với những kênh đầu tư khác khi nền kinh tế bắt đầu khởi sắc, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản. Bên cạnh đó, những biện pháp hạn chế của chính phủ Ấn Độ nhằm giảm bớt mức độ phụ thuộc vào vàng của nền kinh tế ngày càng mạnh tay hơn. Điều này khiến cho những nhà đầu tư của Ấn Độ không còn “mặn mà” khi đầu tư vào vàng.
Không chỉ có Ấn Độ, nhu cầu vàng vật chất của Trung Quốc còn giảm mạnh trong năm 2014 mặc dù giá vàng hiện đang ở mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Hãng tin Reuters (Anh) dẫn báo cáo của WGC cho biết, trong quý II/2014, nhu cầu tiêu thụ vàng của Trung Quốc đã giảm tới 52% so với cùng kỳ 2013, xuống còn 192.5 tấn.
Một trong những lực đỡ giúp giá vàng không rơi quá mạnh vào tháng 4/2013 là nhờ lực cầu vàng vật chất đột biến của Trung Quốc, chính điều này đã đưa Trung Quốc vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng mua vàng mạnh mẽ năm 2013, mặc dù tại thời điểm hiện tại, giá vàng đã ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2011 nhưng nhu cầu vàng vật chất của Trung Quốc lại không có sự biến động quá lớn.
Lực cầu yếu đến từ 2 quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới sẽ có tác động tiêu cực đến cục diện diễn biến giá vàng trong thời gian tới.
Đào Minh Tuấn
|