Lại chuyện thích mua đắt
Trong khi đi nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá khá cao, từ 1.500 - 1.600 đồng/KW, thì EVN lại ép giá đối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong nước với giá rất thấp, chỉ từ 800 - 900 đồng/KW...
Trước thông tin rằng không có cơ sở và lý do để nói Việt Nam nhập khẩu điện từ nước ngoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, ông Vũ Ngọc Cừ khẳng định, nói như vậy không chính xác.
Theo ông Cừ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn đang nhập khẩu điện của Trung Quốc.
Thiếu thì nhập, thừa thì xuất. Đó là chuyện rất bình thường trên thương trường. Miễn là việc nhập và xuất đó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mang lại sự ổn định cho nền kinh tế của đất nước.
Nếu nhập được điện với giá rẻ để có cơ hội giảm giá, khiến người dân dễ thở hơn, thay vì việc cứ dăm bảy tháng lại giật mình khi nghe ngành điện thông báo tăng giá, thì đó là việc tuyệt vời. Có gì phải tranh cãi.
Tuy nhiên, điều cần phải nói ở đây là: Trong khi đi nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá khá cao, từ 1.500 đến 1.600 đồng mỗi KW, thì EVN lại ép giá đối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong nước với giá rất thấp, chỉ từ 800 đến 900 đồng mỗi KW, nghĩa là chỉ bằng một nửa so với giá nhập.
Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện đã có trên 30 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, có công suất dưới 30 MW, phần lớn là do tư nhân xây dựng, đã đi vào hoạt động.
Theo vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thì các nhà máy này đều cho sản lượng điện tốt, nằm trong quy hoạch. Các nhà máy này tham gia hệ thống sẽ là nguồn điện rất tốt, bổ sung cho hệ thống điện quốc gia.
Tuy nhiên, vẫn theo lời ông Vũ Ngọc Cừ, thì nhiều nhà máy thủy điện công suất 5-7 MW, không đủ điều kiện tham gia thị trường điện cạnh tranh nên buộc phải bán cho Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thuộc EVN, và bị ép giá.
Trong điều kiện hạ tầng yếu kém, các nhà máy trên chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, địa bàn bị chia cắt, khiến suất đầu tư tăng cao, bình quân mỗi nhà máy phải bỏ ra 30 tỷ đồng cho mỗi MW điện. Chỉ bán được điện với giá từ 800 đến 900 đồng một KW, đã thiệt thòi rồi, nhưng giá điện thương phẩm của EVN để tính thuế tài nguyên nước lại là 1.500 đến 1.600 đồng mỗi KW.
Sự chênh lệch gần gấp đôi giữa giá bán và giá tính thuế này, lại gây thêm một thiệt hại nữa cho các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ nói trên, khiến họ lâm vào tình cảnh sống dở chết dở.
Từ năm 2011, nhiều nhà máy thủy điện đã có công văn kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính và EVN, xin điều chỉnh giá mua, bán điện, nhưng không được hồi âm.
Vì sao có tình trạng đó?
Câu trả lời vẫn là: Độc quyền.
30 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ chứ hàng trăm nhà máy thủy điện như thế, dù làm ra bao nhiêu điện thì cũng chỉ có một nơi bán duy nhất là EVN, nên EVN mua với giá thế nào họ cũng phải bán, nếu không muốn đem nhà máy của mình đi bán sắt vụn.
Xưa nay, người ta chỉ nhập một loại hàng khi giá nhập về thấp hơn giá của loại hàng đó sản xuất trong nước. Nhưng độc quyền đã khiến EVN có thể làm ngược hẳn với quy luật của kinh tế thị trường, là nhập điện của Trung Quốc với giá cao, nhưng lại ép giá điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong nước.
Nhập điện giá cao, dù có lỗ cũng không sao. Lỗ, thì sẽ tăng giá để bù vào. Bởi người tiêu dùng cũng không thể mua điện của ai khác ngoài EVN.
Còn nhập với giá cao, đằng sau đó cán bộ của EVN được gì thì chịu. Có người nói, phải được gì bỏ túi thì EVN mới đi làm chuyện ngược đời là mua đắt rồi về bán rẻ chứ. Vậy bạn đọc thử đoán xem họ được gì....
Vũ Hữu Sự
nông nghiệp
|