Doanh nghiệp li ti thì hội nhập thế nào?
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung lo lắng: “Trong khi tình hình doanh nghiệp ảm đạm như thế thì hội nhập và áp lực cạnh tranh đã ập vào cửa. Liệu những cam kết hội nhập có tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) này không, hay chỉ tạo ra cơ hội cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?”
Ông Cung đặt câu hỏi trên sau khi nghe báo cáo tình trạng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam là rất ảm đạm, với hầu hết các chỉ số đều suy giảm.
Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013” do Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tổng cục Thống kê (GSO) và trường Đại học Copenhagen (UoC) phối hợp thực hiện công bố ngày hôm nay 4-11.
Họ đã phỏng vấn trực tiếp gần 2.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quốc doanh trong lĩnh vực chế biến tại 10 tỉnh, thành phố, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tây, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Theo báo cáo, có tới 95% doanh nghiệp được cho là siêu nhỏ năm 2011, và đến 2013 vẫn là siêu nhỏ. Ngành nghề kinh doanh của họ vẫn như cũ.
Có 92% doanh nghiệp trong điều tra 2011 còn sống sót đến năm 2013. Chỉ có 431 doanh nghiệp được khẳng định là hoàn toàn biến mất. 70% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện kinh doanh của họ vào năm 2013.
Cắt giảm chi phí sản xuất (58%), tìm kiếm thị trường mới cho đầu ra (49%) là các biện pháp được sử dụng nhiều nhất để các doanh nghiệp đối phó với khủng hoảng.
Có tới 75% doanh nghiệp tham gia điều tra có năng suất lao động giảm đi trong giai đoạn 2011-2013.
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện những khoản đầu tư mới cũng giảm từ mức 56% năm 2011 xuống 48% năm 2013.
Giáo sư John Rand, trường Đại học Copenhagen nói: “Môi trường kinh doanh về tổng thể dường như không được cải thiện so với giai đoạn khảo sát trước (2009-2011); doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại trong kinh doanh.”
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung tỏ vẻ lo lắng hơn. “Trong khi tình hình doanh nghiệp ảm đạm như thế thì hội nhập và áp lực cạnh tranh đã ập vào cửa, và liệu những cam kết hội nhập có tạo cơ hội cho các DNVVN này không, hay chỉ tạo ra cơ hội cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, và nếu như thế thì hội nhập không thể thành công.”
Ông nói thêm, những phát hiện trong báo cáo cho thấy tình hình doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân ở Việt Nam trong hai năm (2012-2103) rất ảm đạm, tất cả các chỉ số như số lượng, quy mô, năng suất, đầu tư, đổi mới, … đều nằm ở mức suy giảm.
"Điều chúng tôi lo lắng là tại sao doanh nghiệp Việt Nam không lớn được và không thể lớn được. Lý do là họ đang thiếu tính nền tảng. Vì thế, tất các các giải pháp như hội nhập, đổi mới thể chế mà Chính phủ làm khó mà có hiệu quả trong bối cảnh đó", ông Cung nói.
Tư Hoàng
tbktsg
|