Coi chừng xảy ra “anh quản dầu, tôi quản khí”
“Bớt bộ nào cũng được nhưng phải có Bộ Kinh tế biển này. Tôi đã đi nhiều vùng biển và hải đảo của nước ta thì thấy đây là nhu cầu hết sức bức thiết. Đây cũng là thế mạnh của ta. Do đó, ta phải có một bộ máy quản lý mạnh” – Đại biểu Trần Du Lịch đã đề xuất như vậy tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo Việt Nam ngày 13.11.
Không chỉ ông Trần Du Lịch, một số đại biểu khác cũng ủng hộ việc thành lập Bộ Kinh tế biển. Các vị đại biểu đều tâm huyết, suy nghĩ sâu sắc, đưa ra một đề xuất rất nghiêm túc và đầy trách nhiệm.
Một đất nước có bờ biển dài hơn 3.200km, có vùng biển rộng, nhiều hải đảo, ngư trường, tài nguyên dầu khí, không thể không tính đến một mô hình quản lý nhà nước phù hợp. Vươn ra biển lớn không còn là khát vọng mà là bắt buộc, là sống còn. Khai thác tài nguyên biển không chỉ là chuyện kinh tế, mà xác lập nhiều địa vị khác ở tầm quốc gia, quốc tế. Những gì diễn ra ở biển Đông đủ để thôi thúc một quyết định mạnh mẽ, lập Bộ Kinh tế biển.
Ý tưởng tốt, nhưng thực tế thế nào lại là chuyện khác. Thêm một bộ là tăng thêm sự cồng kềnh của bộ máy vốn đã quá dư thừa. Lập bộ mới có thể tốn kém, tăng số lượng biên chế, cơ sở vật chất, nhưng vấn đề là có hiệu quả hay không. Nếu tăng nhân sự, nhưng Bộ Kinh tế biển quản lý điều hành tốt, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, thì quá nên làm. Còn nếu như tăng chi phí để xây dựng và vận hành một bộ, nhưng hiệu quả cũng chẳng khác gì trước đó, thì dân còng lưng nuôi thêm một “đám vác ô” là cái chắc.
Hiện có nhiều bộ đang quản lý liên quan đến biển đảo như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ GTVT... Thêm Bộ Kinh tế biển, phải tách - nhập như thế nào để tránh chồng chéo trong quản lý. Câu chuyện 3 bộ quản một mâm cơm vẫn còn nguyên tính thời sự. Nếu thành lập thêm bộ kinh tế biển, không chừng Bộ NNPTNT chỉ còn quản nửa con cá. Hoặc bộ kinh tế biển chia nhau với Bộ NNPTNT: “tôi quản tôm, anh quản cá”. Và, Bộ Kinh tế biển chia nhau với bộ Tài nguyên và Môi trường, “tôi quản dầu, anh quản khí”.
Nếu tính toán khoa học, tách được các bộ phận hiện nay ở các bộ để thành lập một bộ mới, không tăng thêm người hoặc tăng ít người thì sẽ rất tốt.
Nhưng cho dù mô hình quản lý nào, con người vẫn là yếu tố quyết định trong việc tạo ra hiệu quả. Chúng ta đang thiếu con người hoặc bố trí không đúng người.
Lê Thanh Phong
lao động
|