Cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ thị trường mới nổi dần kém hấp dẫn, vì sao?
Nhà đầu tư ngày càng ít quan tâm đến các tài sản của thị trường mới nổi như cổ phiếu, trái phiếu và các đơn vị tiền tệ phụ thuộc vào giá hàng hóa khi chỉ số nguyên liệu thô giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm do giá dầu thô và đậu nành lao dốc.
* Quỹ đầu tư cổ phiếu toàn cầu hút hơn 20 tỷ USD, mạnh nhất trong hơn một năm
* Các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm
Số liệu của EPFR Global cho thấy, kể từ giữa tháng 9/2014 đến nay, nhà đầu tư toàn cầu đã rút khoảng 6.5 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu và trái phiếu thị trường mới nổi, nâng tổng mức rút ròng từ đầu năm cho đến thời điểm hiện tại lên 13.1 tỷ USD. Các quỹ đầu tư bị rút vốn mạnh nhất thuộc về các quốc gia như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.
Số liệu của Bloomberg cho thấy chỉ số đo lường tỷ giá của 11 nhà sản xuất hàng hóa thị trường mới nổi giảm 6.2% trong giai đoạn từ đầu tháng 7 đến ngày 29/10 khi chỉ số Bloomberg Commodity Index của 22 nguyên liệu thô trượt dài 12%. Cùng kỳ, chỉ số tiền tệ của 10 thị trường phát triển lớn tăng 2.3%.
Ông Marc Chandler, người đứng đầu bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu tại New York của Brown Brothers Harriman & Co cho biết: “Mối quan tâm dành cho các thị trường mới nổi đã kết thúc. Các thị trường mới nổi sản xuất hàng hóa và hiện giá hàng hóa đang giảm mạnh. Đó là một điều bất lợi đối với Brazil, Nam Phi, Mexico, Peru và Chile”.
Nga, nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới, đã chứng kiến đồng rúp của nước này lao dốc 21% so với đồng USD kể từ đầu tháng 7 đến nay khi giá dầu sụt mạnh 22%. Còn tại Brazil - nhà sản xuất đậu hành và có kho dự trữ quặng sắt lớn thứ hai thế giới, đồng real cũng giảm sâu 10%. Đối với Chile, nhà sản xuất đồng hàng đầu, đồng peso của nước này cũng đã giảm 4% do giá đồng rớt 2.9%.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 27/10 tại Hồng Kông, ông Chandler cho biết giá hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng lúc này, bên cạnh lãi suất ngày càng cao tại Mỹ và đà giảm tốc của Trung Quốc.
Thu Ngân (Theo Bloomberg)
|