Cổ phiếu ngành điện quý 3: Nhiệt điện – Thủy điện phân tranh
Bức tranh kết quả kinh doanh nhóm 11 doanh nghiệp ngành điện trong quý 3/2014 tương đối khả quan với tổng doanh thu và lợi nhuận trong kỳ đều ghi nhận mức tăng trưởng tương ứng 11% và 54%. Song, ẩn đằng sau đó, số liệu của riêng mỗi đơn vị trong ngành đang có sự phân hóa lỗ/lãi rất rõ nét.
Nhìn chung, lãi ròng của nhóm doanh nghiệp nhiệt điện tăng trưởng khá đột biến, trong khi ở chiều ngược lại nhóm doanh nghiệp thủy điện có phần “ngậm ngùi” hơn do số đơn vị nếu không giảm sâu cũng tăng trưởng khá “bèo bọt” so với vùng kỳ năm trước.
3 DN có lợi nhuận trong quý 3/2014 tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ
BTP (507%); PPC (240%) và SHP (202%)
|
Nhiệt điện: Lợi nhuận trồi sụt theo… tỷ giá
Hai ứng viên ghi nhận tăng trưởng đột biến trong kỳ này đều là những doanh nghiệp nhiệt điện: Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) và Nhiệt điện Bà Rịa (HOSE: BTP). Điểm tương đồng là cả hai đơn vị này đều có lãi ròng đột biến trong kỳ đến từ khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện đánh giá trên các khoản vay gốc ngoại tệ lớn.
Kết quả kinh doanh quý 3/2014 của doanh nghiệp nhiệt điện
|
Trước năm 2013, lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện được ghi nhận vào cuối năm tài chính. Tuy nhiên, từ năm 2013, theo quy định của Bộ Tài chính, lãi lỗ chênh lệch tỷ giá được ghi nhận sau từng quý. Do đó, rủi ro tỷ giá sẽ tác động đến lợi nhuận từng quý đến nhóm doanh nghiệp có nợ vay gốc ngoại tệ, khiến việc dự báo khó khăn hơn.
|
Rõ ràng nhất là BTP, mặc dù doanh thu trong kỳ sụt giảm 17% xuống còn 218 tỷ đồng nhưng lãi ròng lại vụt tăng lên gần 64 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng hơn 500% so với cùng kỳ năm trước (10.5 tỷ đồng). Nguyên nhân được biết nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện được ghi nhận gần 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện đến 36.6 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/09/2014, nợ vay của BTP là 683.2 tỷ đồng, trong đó đa phần đều các khoản vay gốc ngoại tệ đến từ quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc – EDCF 33.7 tỷ WON (617 tỷ đồng) và khoản vay từ EVN hơn 3 triệu USD (66.2 tỷ đồng).
Kịch bản của trên của BTP dường như lặp lại với PPC - một “ông lớn” trong ngành điện. Dù kinh doanh dưới giá vốn trong quý 3, nhưng nhờ khoản lãi ghi nhận do chênh lệch tỷ giá hơn 250 tỷ đồng đã giúp lãi ròng của PPC trong kỳ vẫn đạt 338 tỷ đồng, cao gấp 3.4 lần cùng kỳ năm 2013.
Theo BCTC hợp nhất quý 3 của PPC, số dư nợ vay của công ty mẹ theo hợp đồng vay dài hạn của EVN (vay tại hợp đồng vay vốn của JBIC) đến thời điểm 30/09/2014 là 25.06 tỷ JPY, tương ứng với tổng giá trị hơn 4,800 tỷ đồng.
Cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp nhiệt điện, Nhiệt điện Ninh Bình (HOSE: NBP) trong kỳ thu về gần 9 tỷ đồng lãi ròng, không ghi nhận nhiều thay đổi so với cùng kỳ. Song, lũy kế 9 tháng đầu năm, NBP đã thu về hơn 25 tỷ đồng lãi ròng, vượt xa kế hoạch lợi nhuận được đưa racó phần khiêm tốn là 9 tỷ đồng.
Thủy điện: Dấu ấn của tân binh
Trong năm nay, ngành thủy điện đón chào hai tân binh là Thủy điện Miền Nam (HOSE: SHP) và Thủy điện Miền Trung (HOSE: CHP). Đáng chú ý, cả hai đơn vị này đều có vốn điều lệ trội hơn hẳn so với đa phần các “tiền bối” đi trước. Trong đó, vốn điều lệ của CHP là 1,200 tỷ đồng của của SHP là 937 tỷ đồng, tức là chỉ thua mỗi “ông lớn” ngành Thủy điện là Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HOSE: VSH) (hơn 2,000 tỷ đồng).
Điểm nhấn kết quả kinh doanh trong quý 3/2014 của nhóm doanh nghiệp thủy điện cũng chủ yếu xoay quanh 3 “đại gia” này.
Kết quả kinh doanh quý 3/2014 của doanh nghiệp thủy điện
Nói về SHP, doanh thu và lãi ròng trong kỳ đều dẫn đầu về con số tương đối lẫn tuyệt đối khi đạt 220 tỷ và 102 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 290% và 200% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo SHP cho biết sản lượng tăng mạnh do nhà máy Đa M’bri chính thức đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, cùng với hai nhà máy thủy điện là Đa Siat, Đa Dâng 2, tổng sản lượng hàng năm của SHP có thể nâng lên đến 550 triệu kWh.
CHP cũng tạo “dấu ấn rất riêng” khi là đơn vị lỗ duy nhất trong quý 3 của nhóm ngành thủy điện, ghi nhận lỗ 14 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 28 tỷ đồng. CHP cho biết, trong quý 3/2014, điều kiện thủy văn không thuận lợi, lượng nước về hồ ít. Bên cạnh đó, chi phí gia tăng do thuế tài nguyên nước thiên nhiên tăng từ 2% lên 4%, chi phí nguyên vật liệu tăng do tiểu tu định kỳ Tổ máy 1 - nhà máy thủy điện A Lưới và phát sinh tăng chí phí xử lý - hoàn thiện khu vực mái chính diện nhà máy thủy điện A Lưới.
Còn về phần của VSH, theo BCTC công ty mẹ thì doanh thu và lợi nhuận của đơn vị này đã giảm thê thảm. Trong đó dễ thấy nhất là về lợi nhuận khi trong quý 3 này chỉ thu về 493 triệu đồng, chưa bằng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu sụt giảm, trong khi đa phần giá vốn và các chi phí hoạt động đều gia tăng tính bằng lần là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của VSH giảm mạnh. Hiện tại, phía doanh nghiệp VSH vẫn chưa có giải trình chi tiết kết quả kinh doanh khá “be bét” của mình trong kỳ này.
Khá giống với trường hợp của CHP, do lưu lượng nước về hồ thấp khiến cho sản lượng điện thương phẩm của Thủy điện Thác Bà (HOSE: TBC) giảm đến 40%, theo đó khiến lợi nhuận của TBC trong kỳ chỉ đạt 28 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm trước.
Thủy điện Cần Đơn (HOSE: SJD) và Thủy điện Nà Lơi (HNX: NLC) đều là những công ty con của Tổng công ty Sông Đà. Lợi nhuận của cả hai đơn vị này trong quý 3 tăng trưởng nhẹ 3-4% so với cùng kỳ. Được biết, theo chủ trương tái cơ cấu của Tổng công ty Sông Đà, ngày 27/11 tới đây, SJD sẽ phát hành 5 triệu cổ phiếu để hoán đổi và nhận sáp nhập toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của NLC.
Chiến binh ẩn mình ở UPCoM
Gần đây, nhà đầu tư chú ý đến Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (UPCoM: NT2). Nhơn Trạch 2 có quy mô vốn điều lệ tới 2,560 tỷ đồng và hoạt động chỉ khởi sắc từ đầu năm 2014. Những năm trước lợi nhuận sau thuế của công ty nhì nhằng 10-30 tỷ đồng vì mới đi vào hoạt động, khấu hao lớn, chi phí lãi vay khủng.
Ẩn mình trên UPCoM, 9 tháng đầu năm nay Nhơn Trạch 2 báo lãi 575 tỷ đồng sau thuế, trong đó được “góp sức” hơn 300 tỷ đồng từ lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện, khi đồng euro mất giá so với đô la Mỹ. Được biết, Nhơn Trạch 2 có khoản vay ngoại tệ 144 triệu euro và khả năng hoàn nhập dự phòng rủi ro tỷ giá là hiện thực.
Cổ phiếu lên như diều gặp gió, tính từ giữa tháng 5 đến tháng 10 thị giá NT2 tăng từ 6,900 đồng lên 17,800 đồng/cp, tức là tăng gần 160%.
Nợ vay doanh nghiệp niêm yết ngành điện tính đến 30/09/2014
Đức Phương
|