Cơ hội nào sau Thông tư 36?
Thông tư 36 được cho là đã tác động đến thị trường chứng khoán trong vài phiên vừa qua. Liệu giới đầu tư có cơ hội hay không sau khi Thông tư 36 được thi hành?
* Siết việc nắm cổ phần TCTD khác của NHTM, dư nợ đầu tư cổ phiếu không được quá 5% vốn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại. Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 01/02/2015 và thay thế các Thông tư 13, 19… trước đây.
Thông tư 36 đã thu hút sự chú ý liên tục ngay cả trước khi chính thức được ban hành và được cho là đã tác động đến thị trường chứng khoán trong vài phiên vừa qua. Liệu giới đầu tư có cơ hội hay không sau khi Thông tư 36 được thi hành?
Cho vay margin chưa chắc đã bị ảnh hưởng sau Thông tư 36
Quy định tỷ lệ cho vay đầu tư cổ phiếu ở mức 5% vốn điều lệ, sẽ khiến khả năng cho vay tối đa của các ngân hàng đối với hoạt động đầu tư cổ phiếu sẽ vào khoảng hơn 20 ngàn tỷ đồng.
Hiện tổng lượng margin được sử dụng trên thị trường chứng khoán vào khoảng 17-18 ngàn tỷ đồng. Thống kê báo cáo tài chính quý 3/2014 của 39 CTCK (bao gồm top 10 CTCK có thị phần lớn nhất trên thị trường) đã công bố thì tổng vốn vay ngắn hạn và dài hạn ở các công ty này chỉ ở mức 7,771 tỷ đồng (vay NHTM, huy động trái phiếu, vay công ty và các cá nhân; trong đó các khoản vay bằng trái phiếu chiếm tỷ trọng khá lớn).
Như vậy, có thể thấy các CTCK đang chủ yếu sử dụng vốn tự có để tài trợ cho hoạt động margin và việc vay vốn từ ngân hàng của CTCK hiện tại vẫn khá thấp (Đương nhiên là rất khó thống kê việc vay mượn qua hình thức hợp tác đầu tư). Do đó, với tỷ lệ cho vay đầu tư cổ phiếu ở mức 5% vốn điều lệ, NHNN vẫn đang rất “rộng tay” đối với nguồn vốn dành cho vay cổ phiếu. Cũng cần để ý rằng, việc giảm tỷ lệ rủi ro cho đầu tư chứng khoán từ 250% xuống chỉ còn 150% cũng là một thông điệp cho thấy NHNN nới lỏng đối với hoạt động cho vay đầu tư cổ phiếu.
Mặc dù vậy, cần phải chú ý rằng để được cho vay đầu tư cổ phiếu thì các ngân hàng phải đáp ứng được điều kiện tỷ lệ nợ xấu phải ở mức dưới 3%. Đây là yếu tố quyết định được giới chuyên gia đánh giá sẽ ảnh hưởng mạnh lên dòng vốn cung cấp cho thị trường chứng khoán khi số ngân hàng đáp ứng được tiêu chi này hiện nay là rất ít.
Tuy nhiên, cũng không cần quá lo lắng với việc hạn chế số lượng ngân hàng cho vay khi VAMC vẫn đang đẩy mạnh hoạt động mua nơ xấu, đặc biệt là thời điểm cuối năm. Điều này kỳ vọng giúp gia tăng số lượng ngân hàng có tỷ nợ xấu ở mức dưới 3% tăng lên trước tháng 02/2015. Bên cạnh đó cũng cần để ý rằng, các CTCK lớn cũng đã có động thái chuẩn bị như tăng vốn, phát hành trái phiếu trong thời gian qua để chuẩn bị nguồn vốn, điển hình như HCM và SSI…
Cơ hội cho cổ phiếu Bất động sản?
Bên cạnh các quy định về hoạt động cho vay đầu tư cổ phiếu thì các thông tin liên quan đến ngành bất động sản cũng được giới đầu tư chú ý. Cụ thể, hệ số rủi ro của các khoản cho vay bất động sản cũng được giảm từ 250% xuống còn 150%. Động thái giảm siết này cho thấy NHNN đang muốn mở rộng hơn tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, cụ thể là ở mảng bất động sản.
Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý khác đó là việc NHNN đã cho phép các NHTM được sử dụng tối đa 60% vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn, tăng mạnh so với mức 30% hiện tại. Động thái này sẽ giúp nới rộng lượng tiền cho vay cũng như giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay trung và dài hạn trong thời gian tới. Tác động của việc nới lỏng này sẽ mang đến sự tích cực cho dòng vốn hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn thị trường, và đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Duy Nam
|