Thứ Sáu, 21/11/2014 11:24

Ban hành Thông tư số 36: Nhằm tạo nên các chuẩn mực mới cao hơn

Ngày 20/11/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN Quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 36). Để hiểu rõ hơn những nội dung liên quan đến Thông tư này, Website NHNN đã phỏng vấn ông Phạm Huyền Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN.

* Siết việc nắm cổ phần TCTD khác của NHTM, dư nợ đầu tư cổ phiếu không được quá 5% vốn

* Tối đa bao nhiêu vốn vay ngân hàng được rót vào cổ phiếu?

Xin ông cho biết mục đích ban hành Thông tư số 36?

Trong thời gian qua, Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực sự đi vào cuộc sống, được các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg) quán triệt thực hiện hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động đối với từng TCTD, chi nhánh NHNNg cũng như cả hệ thống. Tuy nhiên, Thông tư 13 đã bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay cũng như quá trình hội nhập quốc tế. Việc ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNNg nhằm:

Trước hết, sửa đổi những quy định không còn phù hợp, hoàn thiện, bổ sung và tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế về quản trị ngân hàng và quản lý, giám sát ngân hàng, từng bước thực hiện các quy định của Basel 2 về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Thứ hai, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, bảo đảm kiểm soát tốt chất lượng hoạt động, khả năng chi trả, thanh khoản, an toàn hoạt động đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng của các TCTD, chi nhánh NHNNg, góp phần thực hiện có hiệu quả các Đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD theo Quyết định số 245/QĐ-TTg và Quyết định 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm hệ thống TCTD Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, an toàn, hiệu quả cao trong những năm hậu tái cơ cấu.

Thứ ba, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động thông qua các cơ chế báo cáo,tự công khai để giám sát của chính nội bộ TCTD, các thành viên góp vốn, cổ đông của TCTD và tăng cường sự giám sát, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn trong hoạt động đối với từng TCTD, chi nhánh NHNNg cũng như toàn hệ thống.

Thứ tư, hạn chế việc sở hữu chéo không lành mạnh, sự thâu tóm, chi phối của một hoặc một số TCTD đối với TCTD khác thông qua các hoạt động cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần và các hình thức khác.

Thứ năm, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Tóm lại, việc ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN nhằm tạo nên các chuẩn mực mới cao hơn, chặt chẽ hơn và phù hợp hơn về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng và giám sát ngân hàng, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu và tạo môi trường hoạt động an toàn, lành mạnh cho các TCTD, chi nhánh NHNNg.

Những nội dung cơ bản mới của Thông tư 36 là gì, thưa ông?

Thông tư 36 hướng dẫn 6 tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 130 Luật các TCTD, bao gồm giới hạn cấp tín dụng, các tỷ lệ về an toàn vốn tối thiểu; tỷ lệ khả năng chi trả, dự trữ thanh khoản; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn; tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần và tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.

Các quy định về các tỷ lệ trên được kế thừa những quy định tích cực, phù hợp từ Thông tư 13, đồng thời được sửa đổi, bổ sung theo sát các quy định của thông lệ quốc tế (Basel 1, Basel 2), phù hợp với thực tế hệ thống các TCTD hiện nay và định hướng quản lý, phát triển hệ thống trong thời gian tới.

Một số nội dung cơ bản mới của Thông tư 36:

Thứ nhất, bổ sung khái niệm người có liên quan của cá nhân, tổ chức làm căn cứ duy trì, tính toán các giới hạn cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần, đầu tư của TCTD, chi nhánh NHNNg.

Thứ hai, bổ sung các yêu cầu về công khai, báo cáo việc cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần đặc biệt đối với người có liên quan của những đối tượng không được cấp tín dụng, đối tượng hạn chế cấp tín dụng; cập nhật, bổ sung danh sách cổ đông, thành viên quản lý, điều hành, kiểm soát để tăng cường năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro của TCTD, chi nhánh NHNNg và phục vụ công tác giám sát, thanh tra của NHNN trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNNg, kiểm soát dòng tiền, hạn chế việc tập trung vốn, sở hữu chéo, thao túng hoặc chi phối thông qua những người có liên quan.

Thứ ba, bổ sung quy định việc xác định giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp và việc xử lý đối với các trường hợp khi giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định, làm cơ sở đánh giá năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của TCTD, chi nhánh NHNNg, xác định đúng các tỷ lệ bảo đảm an toàn, phục vụ quá trình quản lý, giám sát, tái cơ cấu.

Đồng thời, bổ sung quy định về vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các TCTD. Các cấu phần vốn, phương pháp và cách tính, duy trì tỷ lệ này được quy định cụ thể, chi tiết, thành phụ lục để dễ thực hiện, giám sát, kiểm tra, thanh tra. Đặc biệt, đối với chi nhánh NHNNg, các cấu phần vốn có tính tới đặc thù của chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của TCTD nước ngoài. Đặc biệt, hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoản được điều chỉnh từ 250% theo quy định tại Thông tư 13 xuống còn 150% (là mức thấp nhất theo thông lệ) nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản, chứng khoán phát triển.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ dự trữ thanh khoản, hoàn thiện quy định tỷ lệ khả năng chi trả đối với những tài sản có tính thanh khoản cao. Tỷ lệ quy định cụ thể đối với từng loại hình TCTD, phù hợp với phạm vi, tính chất hoạt động của từng loại hình TCTD.

Thứ năm, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn được quy định đối với từng loại hình TCTD, phù hợp với phạm vi, tính chất hoạt động của từng loại hình TCTD, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, lành mạnh gắn với an toàn thanh khoản. Bổ sung quy định tỷ lệ về việc đầu tư, mua trái phiếu chính phủ của từng loại hình TCTD nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư giấy tờ có tính thanh khoản cao, bảo đảm an toàn thanh khoản, chi trả của TCTD, chi nhánh NHNNg, đồng thời thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Thứ sáu, bổ sung một số quy định về điều kiện, giới hạn góp vốn, mua cổ phần giữa các công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát của NHTM, công ty tài chính; việc NHTM mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác nhằm phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng.

Thứ bảy, bổ sung các quy định về việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu so với vốn điều lệ, vốn được cấp của TCTD, chi nhánh NHNNg nhằm hạn chế rủi ro cho TCTD, chi nhánh NHNNg và góp phần cho thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, lành mạnh.

Thứ tám, bổ sung quy định về tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi để hỗ trợ bảo đảm an toàn thanh khoản, khả năng chi trả của TCTD. Tương tự như tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn, tỷ lệ này được quy định phù hợp với từng loại hình TCTD, tạo điều cho TCTD, chi nhánh NHNNg tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an toàn trong hoạt động.

Cuối cùng, các quy định chuyển tiếp trên nguyên tắc không hồi tố, không tác động đến những hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNNg đã thực hiện trước ngày thông tư, đồng thời quy định thời gian tối đa để các TCTD, chi nhánh NHNNg điều chỉnh và thực hiện đầy đủ các quy định tại Thông tư.

Ông có thể đưa ra một số đánh giá về tác động của Thông tư 36 và khả năng thực hiện của TCTD, chi nhánh NHNNg?

Khi xây dựng và ban hành Thông tư 36, chúng tôi nhận định có những tác động sau:

Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNNg. Các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư,... trở nên minh bạch hơn, công khai hơn.

Các TCTD, chi nhánh NHNNg có thể phòng ngừa, kiểm soát trước các rủi ro trong hoạt động và có các biện pháp tự bảo vệ trước khi có sự can thiệp, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.

Hạn chế rủi ro tập trung tín dụng, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý việc sở hữu chéo, hình thành nhóm lợi ích; sự thao túng hoặc chi phối của một số, một nhóm cổ đông tại TCTD hoặc giữa các TCTD.

TCTD, chi nhánh NHNNg có đủ năng lực quản trị và tài chính trong hoạt động, bảo đảm các chuẩn mực an toàn, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và có thêm nguồn vốn cấp tín dụng cho doanh nghiệp, nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế và các thị trường liên quan phát triển. Nhờ đó, quy định an toàn mới sẽ định hướng lại tư duy quản trị ngân hàng, điều chỉnh hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNNg vào các lĩnh vực hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, từ đó góp phần vào việc ổn định hệ thống tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Thông tư, dự thảo Thông tư đã được nhiều lần gửi xin ý kiến, thảo luận, tọa đàm của các TCTD, chi nhánh NHNNg, từng nội dung quy định được NHNN khảo sát, đánh giá kỹ về thực tế tác động để đảm bảo mục tiêu an toàn nhưng cũng đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thông tư có hiệu lực từ 01/02/2015 là khoảng thời gian để các TCTD, chi nhánh NHNNg có thời gian chuẩn bị. Các TCTD, chi nhánh NHNNg hoàn toàn có thể thực hiện tốt ngay từ ngày đầu khi Thông tư có hiệu lực thi hành.

Xin cảm ơn ông!

Mai Lan

sbv

Các tin tức khác

>   Ngân hàng “o bế” người vay (24/11/2014)

>   'Tuyên chiến' với nhóm lợi ích, sân sau đại gia ngân hàng (24/11/2014)

>   Mổ xẻ “sóng ngầm” tỷ giá (23/11/2014)

>   Chủ tịch HĐQT Vietcombank được bầu làm Phó Chủ tịch ABA nhiệm kỳ 2015-2016 (22/11/2014)

>   Hà Nội: Tăng trưởng tín dụng tháng 11 đạt 6.4% (22/11/2014)

>   Thêm ngân hàng báo lỗ trong quý 3/2014 (22/11/2014)

>   Cựu sếp Agribank chi nhánh 7 TPHCM gây thiệt hại hơn 600 tỉ đồng (22/11/2014)

>   Quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NHNN (21/11/2014)

>   Tối đa bao nhiêu vốn vay ngân hàng được rót vào cổ phiếu? (21/11/2014)

>   OGC và các ngân hàng ký kết tài trợ gần 3,700 tỷ cho Dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang (21/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật