Chủ tịch QH: Việt Nam không thể không có sân bay
Lắng nghe các ý kiến thảo luận của ĐBQH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho hay, VN không thể không có sân bay để đáp ứng nhu cầu phát triển. "Dứt khoát phải làm rồi, câu hỏi bây giờ là bao giờ làm, hết bao tiền, tính hiệu quả thế nào, lấy tiền đâu mà làm".
Phát biểu tại họp tổ về dự án sân bay Long Thành, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng sau khi lắng nghe nhiều ý kiến có nhắc rằng, dự án này đến kỳ họp sau của QH mới "chốt" và theo chương trình không có chuyện thông qua tại kỳ họp này. Ông cho rằng dự án đưa ra gấp nhưng gấp mà không đưa ra thảo luận thì để mãi cũng thành chưa thảo luận.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Minh Thăng
|
Chủ tịch QH cũng thông tin thêm việc ông đã trao đổi với Thủ tướng và sắp tới dự án cũng phải trình hội nghị TƯ xin ý kiến.
Ông cũng lưu ý thảo luận dự án không phải chỉ một giai đoạn, quyết chủ trương đầu tư không phải quyết 1 giai đoạn mà quyết cả 3 giai đoạn.
"Tiền bạc cũng phải quyết cả 3 giai đoạn. Sơ đồ tài chính thế nào, phân kỳ thời gian khởi công, hoàn thành, cuối cũng là hiệu quả, đánh giá. Như ý kiến của chuyên gia cho rằng đánh giá như thế là hơi khả quan. Vốn tìm kiếm ở đâu cũng mới nói khả năng chỗ này thôi nhưng phải tính. Trước khi QH quyết, bấm nút phải báo cáo tương đối chắc chắn. Thông qua kỳ này TVQH có kết luận, QH yêu cầu chuẩn bị thêm, chuẩn bị rõ, tiếp tục trình QH, lần này chưa quyết" - Chủ tịch QH cho hay.
Chủ tịch QH tâm tư rằng ông đã "biết ngay công trình chưa thể chốt ngay trong kỳ họp" nên đề nghị đưa ra để QH thảo luận, tiếp tục chuẩn bị kỹ.
"Nhân cơ hội này phải nắm bắt ngay tình hình của QH, tổng hợp tình hình ngay, báo cáo ra TƯ, không ra TƯ hỏi lại như QH hỏi lại thì dở lắm. Bây giờ sao luôn bản gửi QH và TƯ là không thành công đâu. Chủ trương vấn đề lớn lắm, ĐBQH ta nói đơn giản, chỉ có 18 tỷ, 18 tỷ có phải tiền Việt đâu, thế tiền đâu? Chắc gì đã 18 tỷ, chuyện này không hề nhỏ, ta phải tính toán kỹ".
Chủ tịch QH cũng cho hay, không thể mở rộng Tân Sơn Nhất nữa nhưng cũng phải "chứng minh cho mọi người là không thể mở rộng được".
"VN không thể không có sân bay để đáp được, dứt khoát phải làm rồi, chính câu hỏi bây giờ là bao giờ làm, làm hết bao tiền, tính hiệu quả thế nào, lấy tiền đâu mà làm, kỹ thuật nữa".
'Ai cũng muốn có một sân bay mới'
ĐB Nguyễn Văn Hiếu (Bến Tre) phản ánh rằng, 'ai cũng muốn có một sân bay mới, không chỉ giải tỏa cho sân bay Tân Sơn Nhất mà còn là sân bay trung chuyển, đàng hoàng, đẹp hơn".
Nhưng ông cho rằng, Chính phủ cần giải trình thêm tính cấp thiết và đặc biệt là thời điểm. Nhất là giai đoạn chuẩn bị kéo dài có thể từ 2015 đến 2020 để khởi công vào 2020 - tức có thể thời điểm kinh tế đã khá hơn, khởi công lúc đó "yên tâm hơn" và các nước thấy kinh tế VN phát triển có thể đầu tư thêm vào.
Ông cũng băn khoăn việc giải phóng mặt bằng để có diện tích sạch đến 5.000 ha phục vụ xây dựng dự án. Với diện tích quá lớn như vậy thì việc giải phóng mặt bằng theo ông có thể làm cuốn chiếu, làm đến đâu giải phóng mặt bằng đến đó.
ĐB Lê Nam băn khoăn trước yêu cầu hội nhập đã hiện hữu, đất nước cần phải có cảng hàng không hiện đại nhưng năng lực mở rộng Tân Sơn Nhất đã hết.
ĐB Lê Nam. Ảnh: Minh Thăng
|
Ông cũng đồng tình dự án mới chỉ trình xin ý kiến chủ trương, trên cơ sở đó mới bắt tay nghiên cứu, đánh giá, xác lập các phương án rồi trình QH xem xét quyết định.
'Phải có phản biện độc lập'
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) góp ý dự án Chính phủ trình mới giai đoạn tiền khả thi nên nội dung chỉ mang tính dự báo sơ khởi, tính chính xác chưa cao. Như để dự báo nhu cầu hành khách trong 20-30 năm tới, Chính phủ lấy tốc độ tăng trưởng 11,3% với cơ sở tăng trưởng của từ giai đoạn 2010 đến nay.
Theo ĐB, cơ sở đánh giá này lạc quan chưa lường rủi ro, lấy một giai đoạn ngắn dự báo cho giai đoạn dài là không ổn.
Ngoài ra về quy mô đầu tư, báo cáo bổ sung cho hay thẩm định dự án thì hội đồng quốc gia chỉ báo cáo giai đoạn một còn toàn bộ dự án đến 2030 trở thành cảng trung chuyển quốc tế thì chưa có đánh giá nào. Về thẩm định nhà nước, mới chỉ có giai đoạn một và lấy kết quả đó để báo cáo cho cả dự án là chưa đủ.
ĐB Tâm kiến nghị bên cạnh cơ quan tư vấn lập báo cáo thì cần có cơ quan tư vấn độc lập để phản biện dự án, làm cơ sở báo cáo khách quan hiệu quả dự án.
Ngoài ra, phải dự báo rủi ro đầu tư, huy động nguồn để khi triển khai tránh tình trạng lỡ triển khai, đầu tư thì các nhà đầu tư không tham gia, rồi trách nhiệm cuối cùng lại đổ lên Nhà nước phải bỏ tiền ngân sách làm nốt.
"Các dự án đầu tư công hiện nay dội vốn nhiều, quy mô càng lớn thì dội vốn càng nhiều nên đánh giá dự án Long Thành phải khách quan, khả thi".
X.Linh - C.Quyên - C.Hoàng - H.Nhì
vietnamnet
|