Cho vay tái canh càphê ở Tây Nguyên: Rắc rối nhiều, ưu đãi ít
Gói tín dụng 12.500 tỉ đồng ưu đãi dành cho chương trình tái canh càphê của Ngân hàng NNPTNT gần 2 năm qua chỉ giải ngân được vài trăm tỉ đồng. Dù đang cần vốn, những người trồng càphê ở Tây Nguyên vẫn chê nguồn vốn này vì giá trị không lớn, lãi suất chưa hấp dẫn, thủ tục nhiêu khê, thậm chí bất lợi cho người vay.
Nông dân “đói” vốn
Theo Hiệp hội Càphê - Cacao VN, diện tích càphê già cỗi, kém năng suất trên cả nước đang vào giai đoạn tăng nhanh, làm giảm sản lượng càphê xuất khẩu của VN (niên vụ 2013 - 2014 đã giảm 25%, dự báo niên vụ 2014 - 2015 giảm 30%). Trước tình hình trên, Ngân hàng NNPTNT và các bộ ngành, UBND các tỉnh Tây Nguyên đã ký kết chương trình cho vay tái canh càphê. Giai đoạn 2013 - 2015, gói tín dụng có giá trị 12.500 tỉ đồng, khởi động từ tháng 5.2013.
Hàng chục nghìn hécta càphê già cỗi, năng suất kém ở Tây Nguyên đang cần vốn để tái canh
|
Qua một năm rưỡi triển khai, gói tín dụng này mới giải ngân được vài trăm tỉ đồng, chủ yếu cho các công ty càphê, trong khi càphê nông hộ chiếm trên 85%. Vùng trọng điểm càphê Đắc Lắc, gói hỗ trợ giai đoạn này là 3.000 tỉ đồng để tái canh hơn 25.000ha, nhưng đến nay chỉ giải ngân được khoảng 140 tỉ đồng. Nhiều hội nghị được các cấp tổ chức mổ xẻ vấn đề trên, song phần lớn người trồng càphê vẫn thờ ơ.
Ông Lê Thung (thôn 2, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, Đắc Lắc) có 1ha càphê già cỗi, năng suất kém, cần phá bỏ trồng lại trong khi thiếu vốn đầu tư, nhưng cũng lắc đầu với vay vốn tái canh do “ưu đãi quá ít, rắc rối quá nhiều”. Theo ông Thung, mỗi hécta được ngân hàng cho vay khoảng 150 triệu đồng, cấp vốn nhiều đợt theo tiến độ, lãi suất thấp hơn khoảng 2% so với các khoản vay bình thường.
Ngược lại, người vay sẽ gặp rắc rối như xin giấy xác nhận đủ điều kiện tái canh, nằm trong quy hoạch trồng càphê được tỉnh phê duyệt, tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật do Bộ NNPTNT ban hành... Nhiều nông dân khác cho rằng, phải làm quá nhiều thủ tục để vay
20-30 triệu đồng mỗi năm thì không bõ, muốn trồng xen cây khác với càphê tạm thời để tăng thu nhập cũng không được. Đặc biệt, dù cho vay ưu đãi, phục vụ một chương trình kinh tế lớn, song ngân hàng vẫn buộc người vay thế chấp “sổ đỏ”. Bà Nguyễn Thị Bé - nông dân ở xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai - cho biết: “Thế chấp quyền sử dụng đất thì vay đâu chả được, còn vay được số tiền lớn hơn, lại được giải ngân một lần, không phải lắt nhắt như vậy. Tôi có 2ha đất, nếu vay tái canh mỗi năm chỉ được vài chục triệu, rồi đến lúc cần tiền làm việc khác thì lấy gì thế chấp?”.
Cần có chương trình riêng
Vẫn còn nhiều lý do khác để nông dân lắc đầu với gói tín dụng tái canh càphê. Ngân hàng cho vay 150 triệu đồng để tái canh 1ha càphê, nhưng mức vay không vượt quá 75% giá trị tài sản thế chấp, trong khi giá đất trồng càphê tại một số vùng do Nhà nước quy định chỉ có 60 triệu đồng/ha. Vậy muốn vay 150 triệu đồng, họ phải thế chấp thêm các tài sản khác. Thời hạn thu hồi vốn 7 năm cũng không hợp lý, bởi trừ 2 năm luân canh cây ngắn ngày để trừ nấm bệnh, 3 năm kiến thiết cơ bản, lúc đó càphê mới bắt đầu thu bói, làm sao trả nợ?
Chưa hết, tại Đắc Nông, hơn 24.000ha càphê già cỗi cần đầu tư tái canh từ nay đến năm 2020, nhưng Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT không giải ngân được vì tỉnh... chưa có quy hoạch càphê. Các hộ tái canh vẫn có thể vay vốn, nhưng phải chịu lãi suất như vay thông thường.
Ông Nguyễn Văn Tư - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắc Lắc - cho rằng, trong bối cảnh các ngân hàng đua nhau hạ lãi suất, “săn lùng” người vay như hiện nay, mức lãi suất 9 - 9,5%/năm là không ưu đãi lắm. Ngân hàng nên tính toán mức lãi suất phù hợp cho từng thời kỳ, kiến thiết vườn cây thì phải thấp hơn giai đoạn kinh doanh. Trong trường hợp rủi ro, phải có chính sách hỗ trợ như khoanh nợ, dãn nợ...
Ông Tăng Hải Châu - Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Đắc Lắc - cho rằng, tín dụng tái canh càphê liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp chứ không chỉ ngân hàng. Vì vậy, Chính phủ cần ban hành chương trình riêng, phân công trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan, khi đó mới thực sự là chương trình hỗ trợ đúng nghĩa, lãi suất cũng ưu đãi hơn.
Đặng Trung Kiên
lao động
|