Chiếu xạ An Phú sẽ sáp nhập với đối thủ
Sáng 26/11, ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Chiếu xạ An Phú (HOSE: APC) đã thông qua tờ trình lập phương án hợp nhất vào công ty đối thủ là Công ty TNHH Thái Sơn. Theo đó, hầu hết thành viên trong HĐQT và BKS hiện tại xin từ nhiệm.
ĐHĐCĐ bất thường của APC sáng 26/11 tại TPHCM.
Theo Chủ tịch HĐQT Võ Hữu Hiệp, nhằm đưa công ty phát triển về chất lượng và dịch vụ trong lĩnh vực chiếu xạ tại Việt Nam, HĐQT đề xuất phương án tiến hành nghiên cứu, tiếp cận đàm phán với Công ty TNHH Thái Sơn về vấn đề hợp nhất. Bởi sau khi Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) và CTCP Transimex-SaiGon (HOSE: TMS) thoái vốn thì số cổ phiếu này đã được Thái Sơn gom hết và hiện tỷ lệ nắm giữ của nhóm Thái Sơn tại APC đã hơn 50% vốn.
Hơn nữa, Thái Sơn là đối thủ của APC trong lĩnh vực chiếu xạ nên kìm nhau về giá khiến mức giá chiếu xạ chỉ dao động quanh mức 1,600-1,800 đồng trong khi các loại chi phí đều tăng mạnh. Hiện nay thị trường chiếu xạ được chi phối bởi 3 doanh nghiệp là APC, Thái Sơn và CTCP Sơn Sơn (Chủ tịch HĐQT là ông Trầm Bê). Trong đó APC có công suất và thị phần lớn nhất hơn 60%. Tuy nhiên, nếu hợp nhất APC và Thái Sơn thì sẽ chiếm trên 70% thị phần chiếu xạ toàn quốc và kiểm soát được giá trên thị trường.
Ngoài ra, ngành chiếu xạ ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là từ Chính phủ. Theo quyết định quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ đến năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu dự kiến đạt 18% đến năm 2020. Nhu cầu chiếu xạ đối với hai lĩnh vực chủ yếu là thủy sản và trái cây tươi hiện vẫn khá thấp, vào khoảng 40,000-55,000 tấn/năm. Sản lượng xuất khẩu đối với hai mặt hàng này dự kiến sẽ gia tăng trong các năm sau khi nhận được một số tín hiệu tích cực từ ngành thủy sản cũng như việc mở rộng sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, các hiệp định FTA với liên minh hải quan Nga và hiệp định TPP nếu được ký kết, dự kiến sẽ đem lại nhiều triển vọng cho ngành nông, thủy sản nói chung và ngành chiếu xạ nói riêng.
Vì thế, ông Hiệp cũng cho rằng, ngoài 3 nhà máy chiếu xạ Bình Minh, An Phú và Thái Sơn thì APC sẽ họp bàn về kế hoạch đầu tư 150 tỷ đồng mở thêm một nhà máy tại khu vực phía Bắc nhằm đón đầu thị trường xuất khẩu vải của khu vực này.
Với việc đổi chủ, nhân sự APC cũng có nhiều biến động khi 4/5 thành viên HĐQT (ông Nguyễn Phan Dũng, ông Tôn Thất Hưng, ông Lê Văn Mưng và ông Huỳnh Hồng Vĩnh), và 2/3 thành viên BKS (ông Nguyễn Đức Hiếu và ông Nguyễn Thuận Hóa) xin từ nhiệm. Chỉ còn lại Chủ tịch Võ Đức Hiệp và Trưởng BKS Huỳnh Thị Từ Ái.
Thay vào đó là 3 cá nhân đến từ Thái Sơn gồm bà Huỳnh Thị Bích Loan, ông Huỳnh Ngọc Hậu, bà Phạm Thị Lượng và một cá nhân khác là bà Võ Thùy Dương. Còn Ban kiểm soát là bà Tống Thị Xuân Thi (CTCP Chứng khoán Cao Su) và bà Nguyễn Thị Yên (Thái Sơn).
4/5 thành viên HĐQT mới nhiệm kỳ 2013-2018 của APC.
|
Tại Đại hội, cổ đông cũng tỏ ra hứng khởi với biến động tăng về giá cũng như thanh khoản cổ phiếu APC trong thời gian qua. Bởi cổ phiếu APC thời gian trước luôn nằm quanh ngưỡng 12,00-13,000 đồng/cp và giao dịch rất thấp, nhưng từ cuối tháng 8 tới nay, đặc biệt là đầu tháng 10 đã lên tới gần 20,000 đồng/cp.
Biến động giá cổ phiếu APC từ đầu năm đến nay
|
|
Thanh Nụ
|