Thứ Tư, 26/11/2014 13:02

Đằng sau câu chuyện hưởng “lộc” từ tỷ giá

Tỷ giá của một số ngoại tệ mạnh sụt giảm khá nhiều suốt những tháng qua dường như đang dần trở thành một đề tài nóng hổi với hướng tập trung chính vào nhóm doanh nghiệp niêm yết có khoản nợ vay lớn có gốc ngoại tệ. Theo đó, nhờ ghi nhận “lộc” từ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện đã giúp nhiều đơn vị tăng trưởng lợi nhuận đột biến so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn lại giai đoạn 2008-2010, nhóm doanh nghiệp (DN) vận tải biển, xi măng và điện… đã chi hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng đầu tư tài sản cố định mà phần lớn được tài trợ bằng các khoản vay gốc ngoại tệ. Với lãi suất vay ngoại tệ khá thấp ở thời điểm đó tưởng chừng như các đơn vị này đã vay được món hời lớn, nhưng do tỷ giá tăng mạnh đã phải ngậm ngùi ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá hàng trăm tỷ đồng qua mỗi năm.

Chuyện các DN đầu tư lớn bằng nguồn vay ngoại tệ bỗng chốc chìm nghỉm trong cơn ác mộng tỷ giá thời gian này dường như không còn quá xa lạ với NĐT.

Nhưng năm nay, câu chuyện kể về tỷ giá có vẻ đã khác…

Tiêu điểm trong tháng 9/2014, Chủ tịch ECB – Maro Draghi công bố kế hoạch mua vào các loại chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản (ABS) và trái phiếu có đảm bảo, qua đó bơm 1,000 tỷ Euro (tương đương 1,290 tỷ USD) vào nền kinh tế khu vực Eurozone. Đồng thời, ECB hạ lãi suất cơ bản đồng Euro về mức thấp kỷ lục 0.05-0.15%. Kết quả, giá đồng EUR nhanh chóng giảm từ 28,846 đồng xuống còn 26,695 đồng/EUR, tức giảm tới 2,151 đồng trong 9 tháng đầu năm 2014.

Tương tự, đồng Yên Nhật giảm 7.7% so với tiền đồng Việt Nam vì Ngân hàng Trung ương Nhật tiếp tục các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm khắc phục tình trạng giảm phát để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Việc đồng Euro và đồng Yên Nhật mất giá so với tiền đồng Việt Nam sẽ có lợi cho một số DN có khoản vay nợ đáng kể bằng hai ngoại tệ này.

Diễn biến tỷ giá của Euro và Yên Nhật từ đầu năm đến 21/11

Nguồn: Bloomberg

Sức bật tăng trưởng từ… tỷ giá

Đầu tiên phải kể đến một đơn vị khá tiếng tăm trong ngành điện là Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC), dù kinh doanh dưới giá vốn trong quý 3/2014 nhưng với hơn 413 tỷ đồng “rớt xuống” từ lãi chênh lệch tỷ giá đã giúp PPC lật ngược thế cờ. Thay vì có nguy cơ lỗ nặng thì PPC đã lãi đến 338 tỷ đồng trong quý 3, tăng 240% so với cùng kỳ năm trước (99 tỷ đồng).

Với hơn 25 tỷ JPY nợ vay dài hạn, tương ứng với tổng giá trị hơn 4,800 tỷ đồng ,sự biến động mạnh của tỷ giá VNĐ/JPY trong năm nay đã khiến lợi nhuận PPC nhiều phen “lên bờ xuống ruộng”. Những năm gần đây, lợi nhuận mỗi năm của PPC có thể biến động tăng/giảm đến hơn 500 tỷ đồng nếu đồng Yên biến động 10%.

Một đơn vị ngành điện với vốn điều lệ tới 2,560 tỷ đồng “ẩn mình” trên sàn UPCoM là Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (UPCoM: NT2) qua BCTC 9 tháng đầu năm cũng đã hưởng lợi lớn từ việc đồng Euro giảm giá

Tính đến hết quý 3/2014, NT2 báo lãi 575 tỷ đồng sau thuế, trong đó được góp sức hơn 300 tỷ đồng từ lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện, khi Euro mất giá so với USD. Được biết, NT2 có khoản vay dài hạn gốc ngoại tệ 144 triệu Euro và 157 triệu USD, tổng trị giá hơn 7,000 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngày 12/11 vừa qua, lãnh đạo công ty cho biết NT2 đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014, đạt 4 tỷ kWh. Đồng thời, NT2 dự kiến tổng sản lượng điện cả năm 2014 đạt khoảng 4.5 tỷ kWh, tương đương doanh thu khoảng 6,000 tỷ đồng.

Trường hợp của Nhiệt điện Bà Rịa (HOSE: BTP) có nguồn vay nợ dài hạn gần 33.7 tỷ WON (KRW), tỷ giá VNĐ/KRW giảm mạnh đã giúp lợi nhuận quý 3/2014 cũng tăng đột biến lên 64 tỷ đồng (hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2013) do có khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện gần 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước khoản mục này ghi nhận lỗ 36.6 tỷ đồng.

Nợ vay ngắn hạn và dài hạn tính đến tháng 9/2014

của 5 doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ tỷ giá

Đvt: Tỷ đồng

Như đã đề cập ở trên, ngoài ngành điện thì nhóm DN niêm yết ngành xi măng cũng được hưởng “lộc” từ việc giảm giá ngoại tệ. Điển hình như Xi măng Hà Tiên 1 (HOSE: HT1) trong quý 3/2014, đơn vị này nợ 76 triệu Euro. Việc đồng Euro mất giá đã giúp HT1 có khoản lãi chênh lệch tỷ giá gần 170 tỷ đồng trong quý 3/2014 là nhân tố chính giúp đơn vị này thu về gần 78 tỷ đồng lãi ròng trong kỳ. Trong khi, cùng kỳ năm trước HT1 lỗ 33 tỷ đồng.

Giống như kịch bản của HT1, khi khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phát sinh trong kỳ đóng vai trò “cứu cánh” giúp DN thoát lỗ là một công ty cùng ngành khác là Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) với khoản vay 56 triệu Euro nợ dài hạn, đơn vị này ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá gần 55 tỷ đồng trong quý 3/2014 góp phần không hề nhỏ giúp BCC ghi nhận gần 18 tỷ đồng lãi ròng trong kỳ này, cùng kỳ lỗ gần 11 tỷ đồng.

Gần đây, nhóm các chuyên gia của nước ngoài nhận định rằng đồng Euro và đồng Yên Nhật khả năng sẽ tiếp tục đà giảm giá đáng kể so với đồng USD đến quý 2/2015. Điều này tiếp tục phát ra tín hiệu tốt cho nhóm DN có khoản nợ bằng Euro gỡ gạc lại phần lợi nhuận bị “bốc hơi” do tỷ giá tăng mạnh gần 10% trong suốt giai đoạn 2012-2014.

“Cái căn cái cốt”… có thực sự tốt?

Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào tăng trưởng lợi nhuận chúng ta khó có thể nhìn thấy được “cái căn cái cốt” của những đơn vị kể trên khi khoản lãi được ghi nhận từ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện qua 9 tháng đầu năm đã tạo không ít “mây mù” che phủ trên báo cáo kết quả kinh doanh.

Loại trừ ảnh hưởng từ yếu tố đột biến từ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện, cùng với các khoản mục khác (như khấu hao, đầu tư tài chính… ), lưu chuyển tiền tệ thuần (LCTT) từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) – gọi tắt là dòng tiền - sẽ là công cụ hữu hiệu để NĐT có thể nhận ra cái “cốt” của DN có tốt hay không.

Dòng tiền thuần HĐKD 9 tháng đầu năm 2014

Đvt: Triệu đồng


Đứng đầu về tăng trưởng dòng tiền là NT2 với hơn 35%, lên 1,053 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù là DN chưa niêm yết, nhưng khả năng tạo tiền của doanh nghiệp này khá tốt khi so sánh với nhóm DN cùng ngành như PPC và BTP.

“Đồng hạng” với NT2, dòng tiền của BCC so sánh với cùng kỳ cũng tăng trưởng hơn 35%, lên gần 330 tỷ đồng. Dòng tiền từ HĐKD của đơn vị này đều ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt trong 2 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, HT1 cũng ghi nhận dòng tiền HĐKD qua 9 tháng đầu năm hơn 800 tỷ đồng, tăng trưởng gần 25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, BTPPPC lại có phần “hẩm hiu” hơn khi dòng tiền HĐKD qua 9 tháng đầu năm chỉ bằng 15-20% so với năm trước. Trường hợp của PPC, do chi phí nhiên liệu sản xuất điện tăng cao hơn năm trước khiến biên lãi gộp của đơn vị giảm mạnh, điển hình như trong quý 3/2014, PPC phải kinh doanh dưới giá vốn, nếu không nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá hơn 413 tỷ đồng cứu cánh, ắt hẳn PPC đã ghi nhận khoản lỗ không nhỏ.

Còn BTP, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận qua 9 tháng đầu năm khá tốt, tăng trưởng lần lượt 47% và 26% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý với mức lãi ròng ghi nhận hơn 101 tỷ đồng, BTP hiện đã vượt 70% kế hoạch năm (57 tỷ đồng). Dòng tiền HĐKD giảm sút chủ yếu do DN này gia tăng mạnh các khoản phải thu trong kỳ.

Đức Phương

Các tin tức khác

>   HAR: 03/12 GDKHQ tham dự ĐHĐCĐ bất thường lần 1/2014 (26/11/2014)

>   VTA: Nghị quyết hội đồng quản trị (25/11/2014)

>   STG: Tiếp tục đầu tư 2 dự án kho Phú Mỹ và Cát Lái (26/11/2014)

>   TRA: Truy thu thuế và phạt hơn 6 tỷ đồng (26/11/2014)

>   GMD: Chấm dứt hoạt động chi nhánh Hải Phòng (26/11/2014)

>   E1VFVN30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng tại ngày 24/11/2014 (25/11/2014)

>   PIT: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 12 (25/11/2014)

>   SEC: Đính chính Nghị quyết HĐQT số 32 ngày 14/11/2014 về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT (25/11/2014)

>   SEC: Đã sử dụng hơn 111 tỷ đồng vốn phát hành để sản xuất kinh doanh (25/11/2014)

>   CK8: 03/12 GDKHQ dự ĐHĐCĐ thường niên 2014 (25/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật