Xuất siêu: Làm sao duy trì ổn định?
9 tháng năm 2014 Việt Nam đã xuất siêu 2,27 tỷ USD, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam xuất siêu nhưng điều quan trọng là làm sao để duy trì ổn định được thành tích này.
Sáng nay, 21/10, bên lề phiên thảo luận ở tổ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cần nhìn vào bản chất của việc xuất siêu và điều quan trọng là làm sao để duy trì ổn định được thành tích này.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên
|
Thưa ông, 9 tháng năm 2014 Việt Nam đã xuất siêu 2,27 tỷ USD, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta xuất siêu. Ông bình luận gì về con số này?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Con số này cho thấy, năm nay chúng ta cân đối được ngân sách. Theo dự báo, xuất siêu cả năm khoảng 1%, bây giờ đang trên 2%, nhưng dự kiến sẽ quay trở lại khoảng 1%.
Việc xuất siêu có hai mặt. Mặt tích cực của kết quả trên là chúng ta đã thực hiện được cân bằng cán cân thương mại sớm hơn 1-2 năm so với kế hoạch như Nghị Quyết Đại hội Đảng đề ra là hết năm 2015. Nhưng hiện nay ta đã đạt được mục tiêu này. Thực ra, âm 1% hay dương 1% cũng coi như cân bằng.
Nhưng mặt khác, về bản chất, liệu có ổn định cân bằng mãi không? Đây là bài toán đặt ra cho cả hệ thống chính trị.
Kết quả bước đầu của xuất siêu có thể nói là kết quả của quá trình chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài. Chúng ta giữ được xuất siêu là nhờ có thêm Samsung, và một phần đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử như dệt may, từ một ngành bình thường, bây giờ trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất cả nước với con số 25 tỷ USD.
Thực tế nhiều năm nay, cơ cấu xuất siêu rơi nhiều vào khối doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn duy trì ở tình trạng nhập siêu. Nhìn vào cơ cấu này, ông thấy điều gì?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Nhiệm vụ của DNNN rất đặc thù, đó là vừa ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, vừa tham gia sản xuất. Chính vì lẽ đó, thời gian qua chúng ta đẩy mạnh công tác tái cơ cấu DNNN là để tách bạch việc này, để có thể đánh giá một cách công bằng đóng góp của khối DNNN, đánh giá kể cả đội ngũ quản trị và người lao động.
Các doanh nghiệp FDI chỉ tập trung sản xuất tìm kiếm lợi nhuận. Họ không phải nhường lợi nhuận, giảm sản xuất để đầu tư vào các hộ nghèo, huyện nghèo, an sinh xã hội như DNNN.
Như ông có nói, điều quan trọng là làm thế nào để giữ được cán cân thương mại. Vậy, chúng ta cần làm gì để duy trì được sự ổn định đó?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Đó là phải tái cơ cấu DNNN và tách bạch các nhiệm vụ của doanh nghiệp này ra.
Hiện nay, DNNN đã đi đúng hướng. Đơn cử trong nhiều ngành, lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý, ngành Dệt may đi đúng hướng. Nhưng việc xử lý các doanh nghiệp khối điện lực thì Bộ Công Thương đang bị áp lực xã hội.
Không phải ta cổ phần hóa doanh nghiệp bằng mọi giá. Cái ta phải thay đổi là cần định hình những ngành nào, doanh nghiệp nào chúng ta thực hiện cổ phần hóa.
Chúng ta xuất siêu trên 2%, nhưng nhập siêu tại thị trường Trung Quốc lại vẫn tăng. Tới đây, Việt Nam sẽ tham gia vào cộng đồng ASEAN, tham gia Hiệp định FTA Việt Nam-EU, theo ông, chúng ta cần làm gì để nắm lấy cơ hội và giảm dần tình trạng nhập siêu tại thị trường này?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Trong một nền kinh tế phẳng như hiện nay, khó có quốc gia nào sản xuất được một mặt hàng hoàn chỉnh. Vấn đề là chúng ta phải tham ra vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Khi tham gia vào đó và xác định được quan điểm hội nhập thì nền kinh tế của chúng ta có liên hệ chặt chẽ với các nền kinh tế khác. Hiện nay, trong quá trình quan hệ kinh tế, chúng ta đang chỉ nhìn thấy cái lợi của riêng mình, vì thế, tư duy của chúng cần thay đổi.
Về giảm nhập siêu từ Trung Quốc, quan điểm cá nhân tôi là nên giữ mức xuất nhập khẩu như hiện nay và cân bằng lại cán cân thanh toán, đẩy mạnh phần xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này cao hơn nữa và giữ nguyên phần nhập khẩu để ổn định sản xuất trong nước.
Chúng ta cần đổi mới mặt hàng nhập khẩu và cơ cấu nhập khẩu với hàng Trung Quốc, đồng thời tận dụng những lợi thế là quốc gia láng giềng của Trung Quốc.
Chúng ta cũng cần khai thác triệt để theo hướng thị trường những hàng hóa từ hướng Côn Minh, Vân Nam, Quảng Tây đi lên và đi sâu vào nội địa Trung Quốc để ta có các mặt hàng phù hợp với thị hiếu của thị trường này. Cùng với đó là đẩy mạnh mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn.
Nếu không xuất khẩu sản phẩm Việt Nam vào được những thị trường đó, ta không bao giờ cân bằng được cán cân thương mại với thị trường Trung Quốc.
Linh Đan
chính phủ
|