Quốc hội và dự án sân bay Long Thành
Quốc hội cần tổ chức cho các chuyên gia tranh luận công khai trước khi ra quyết định về dự án sân bay Long Thành.
Mô hình dự án sân bay Long Thành.
|
Theo thông tin báo chí, trong kỳ họp khai mạc ngày 20-10-2014, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo tờ trình về dự án sân bay Long Thành để cho ý kiến. Đây là dự án được người dân đặc biệt quan tâm không chỉ vì vốn đầu tư giai đoạn 1 đã là 7,8 tỉ đô la Mỹ (tương đương với 164.000 tỉ đồng) trong bối cảnh nợ công đã đến ngưỡng báo động mà còn vì có quá nhiều ý kiến khác biệt, trái ngược nhau.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có nhiều bài viết của các chuyên gia phản biện lại việc đầu tư sân bay Long Thành. Các chuyên gia cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất chưa thật sự quá tải và hoàn toàn có thể mở thêm đủ đáp ứng nhu cầu vận chuyển cho những năm tới. Đáp lại, cũng qua báo chí, Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty Cảng Hàng không đều khẳng định không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu những năm đến và đầu tư sân bay Long Thành là giải pháp hết sức cần thiết.
Chúng ta biết rằng Quốc hội gồm gần 500 đại biểu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, rất ít đại biểu là các chuyên gia về lĩnh vực hàng không. Theo báo Pháp Luật TPHCM, vừa qua nhiều đại biểu khi tiếp xúc với cử tri chưa biết có nội dung về chủ trương đầu tư sân bay Long Thành. Cứ cho rằng đa số các vị đại biểu Quốc hội đọc các bài báo phản biện thì cũng không đủ thông tin để “ bấm nút”, vì một công trình có tầm quan trọng đặc biệt của quốc gia không thể chỉ đọc phản biện bằng một ngàn chữ trên mặt báo, nhất là phía bên lập báo cáo đầu tư dự án là Bộ Giao thông Vận tải được quyền có mặt tại Quốc hội để bảo vệ cho các ý kiến của mình.
Vì lẽ đó, trước khi Quốc hội cho ý kiến về dự án có vốn đầu tư khổng lồ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chủ trì tổ chức tranh luận công khai giữa các chuyên gia phản biện và các quan chức Bộ Giao thông Vận tải và ngành hàng không để các chuyên gia phản biện được trình bày hết lý lẽ.
Chẳng hạn, khi ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng: “Hiện nay đường hạ, cất cánh sân bay Tân Sơn Nhất đã đón 160.000 chuyến hạ, cất cánh/ năm, trong khi công suất an toàn của đường băng ở sân bay tối đa đạt 188.000 chuyến hạ, cất cánh/năm”, thì PGS-TS Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa TPHCM – lại nói: “Ở sân bay Soekarno- Hatta ở Jakarta, Indonesia với hai đường băng cất, hạ cánh đều dài 3.600 mét (Tân Sơn Nhất là 3.050 mét và 3.800 mét) nhưng năm 2013 có 370.000 chuyến bay và năng suất thực tế gần 60 triệu lượt khách. Sân bay Heathrow ở London với hai đường băng cất, hạ cánh dài 3.660 mét và 3.900 mét mà vào năm 2013 có 472.000 chuyến bay và năng suất thực tế trên 72 triệu lượt khách” (Tuổi Trẻ 17-10-2014 ). Vậy, ai đúng ai sai, trong khi sai số là rất lớn và có ảnh hưởng đến việc quyết định có nên đầu tư hay không?
Nếu đúng như PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nói thì năng suất sân bay Tân Sơn Nhất có thể tăng từ 2,6 lần – 3,4 lần nữa nếu điều hành khoa học thì đầu tư sân bay Long Thành sẽ vô cùng lãng phí; còn nếu đúng như ông Nguyễn Nguyên Hùng nói mà lại không sớm quyết định đầu tư thì tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cận kề, ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt. Chuyện này cần có diễn đàn phản biện đúng tầm để đi đến tận cùng về mặt khoa học một dự án lớn chứ không chỉ nói qua nói lại trên báo cho có vẻ có phản biện!
Vì vậy, Quốc hội cần phải phải tổ chức cho hai bên tranh luận công khai với sự giám sát của các đại biểu Quốc hội và báo chí. Khi đó, mỗi bên phải chuẩn bị đầy đủ tài liệu, chứng cớ để chứng minh cho các lập luận của mình.
Ý kiến và quyết định của Quốc hội về dự án này chỉ thuyết phục được người dân trên cơ sở đã có sự tranh luận công khai và thực sự công bằng giữa phía chủ trương đầu tư và các chuyên gia, các nhà khoa học phản biện.
Nguyễn Thiện
tbktsg
|