Vinashin, Vinalines đã được tái cơ cấu như thế nào?
Hoàn thành sau nhiều vị bộ trưởng khác, báo cáo việc thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng đã được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.
* Cần cả tỷ USD nâng cấp đội tàu biển
* Những con tàu tiền tỷ đang chết mòn của Vinashinlines
* Vẫn câu hỏi lối thoát nào cho Vinalines
Từ đầu năm 2014 đến nay, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ đã giảm được 7.264 lao động với tổng số tiền chi trả (mất việc, thôi việc) trên 134 tỷ đồng.
|
Dung lượng đáng kể tại đây được dành cho kết quả tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, vốn từng quen thuộc với tên gọi tắt là Vinashin và Vinalines.
Với Vinashin, từ khi đề án tái cơ cấu tập đoàn được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 6/2013 đến nay, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ được thành lập với mô hình công ty mẹ - tổng công ty, có 8 đơn vị thành viên là các nhà máy đóng tàu nòng cốt của tập đoàn Vinashin cũ.
Hiện tại, Bộ đã hoàn thành việc rút vốn thương hiệu tại 61/66 doanh nghiệp, giảm đầu mối được 46/236 đơn vị.
Bộ cũng phê duyệt phương án cổ phần hoá hai doanh nghiệp là công ty tôn Vinashin, cảng Chân Mây, đồng thời đang thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa 7/7 doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa trong mô hình tổng công ty và triển khai các bước để cổ phần hóa công ty mẹ - tổng công ty trong năm 2015.
Về lao động, Bộ trưởng cho hay từ đầu năm 2014 đến nay đã giảm được 7.264 lao động với tổng số tiền chi trả (mất việc, thôi việc) trên 134 tỷ đồng. Như vậy, tính từ thời điểm Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu tập đoàn đến nay, gần 11.000 lao động của Vinashin đã được "giải quyết chế độ", Bộ trưởng khái quát.
Bộ cũng đồng thời tập trung chỉ đạo Vinashin thực hiện rà soát toàn bộ tình hình tài chính, công nợ, lao động, tài sản và hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị thành viên, hướng dẫn Tổng công ty xây dựng đề án 8 đơn vị thành viên được giữ lại trong mô hình theo hướng thu gọn tổ chức, chỉ giữ lại nhà máy đóng tàu trong các doanh nghiệp.
Chuyển sang Vinalines, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, sau quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp này của Thủ tướng (tháng 2/2013), doanh nghiệp đã thực hiện giải thể, dừng hoạt động 5 doanh nghiệp, sáp nhập 1 doanh nghiệp, triển khai thủ tục phá sản 2 doanh nghiệp và hoàn thành cổ phần hóa 7 doanh nghiệp.
Trong 3 tháng cuối năm nay, Vinalines sẽ tiếp tục hoàn thành cổ phần hoá, chuyển 4 doanh nghiệp thành công ty cổ phần. Công ty mẹ - tổng công ty, đã cơ bản hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, trình Bộ phê duyệt trong tháng 11/2014.
Báo cáo cũng nêu rõ đến nay, Vinalines đã thực hiện thoái vốn tại 23 doanh nghiệp, trong đó thoái toàn bộ phần vốn góp và giảm đầu mối được 17 doanh nghiệp, tổng số tiền thu về 125 tỷ đồng. Dự kiến quý 4/2014, sẽ hoàn thành việc thoái vốn tại 8 doanh nghiệp, số lượng còn lại (6 doanh nghiệp) sẽ hoàn thành trong năm 2015 theo đúng đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Liên quan đến giải quyết chế độ cho lao động dôi dư tại 7 doanh nghiệp đã được cổ phần hoá, theo tính toán, có tổng số 6.800 người thuộc diện này thì gần 6.600 người đã được chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần. Chỉ 261 người không tiếp tục làm việc, nghỉ chế độ thì được tổng công ty giải quyết chế độ với số tiền trên 22 tỷ đồng.
Công ty mẹ sau khi được phê duyệt giá trị doanh nghiệp sẽ xây dựng phương án cổ phần hoá, trong đó có phương án sử dụng lao động sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Còn với các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu theo hình thức giải thể, phá sản thì Tổng công ty tiếp tục thực hiện giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định.
Bên cạnh Vinashin, Vinalines, theo đánh giá của Bộ trưởng Thăng thì nhìn chung, công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp của Bộ trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các doanh nghiệp bước đầu hoạt động có hiệu quả.
Từ đầu năm 2013 đến nay Bộ đã tổ chức triển khai cổ phần hoá 77 doanh nghiệp, trong đó đã hoàn thành công việc với 51 doanh nghiệp, đang tiếp tục thực hiện để hoàn thành cổ phần hoá với 26 doanh nghiệp khác trong năm 2014.
Kết quả đã nộp về cho quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) số tiền trên 1.123 tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho hay, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã được Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hoá, Bộ đang quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn để đơn vị thực hiện đợt IPO trong tháng 11 năm nay.
Năm 2014, Bộ cũng được phép tổ chức thí điểm cổ phần hoá Bệnh viện Giao thông Vận tải, hướng dẫn Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) xây đựng dề án tái cơ cấu theo hướng cổ phần hoá trong năm 2015.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sau 9 tháng quyết liệt thực hiện sắp xếp đổi mới đã có chuyển biến tích cực, hoàn thành một số nội dung của đề án tái cơ cấu đơn vị đã được Thủ tướng phê duyệt, chất lượng phục vụ được cải thiện, bộ mặt nhà ga, đoàn tàu có sự đổi mới, giá vé, giá cước linh hoạt... bước đầu được xã hội và người dân ghi nhận, Bộ trưởng báo cáo.
Nguyên Hà
vneconomy
|