Vay nợ và việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của S&P, Moody's và Fitch
Hiện có 3 doanh nghiệp đánh giá tín nhiệm ảnh hưởng toàn cầu và kiểm soát tới hơn 94% thị trường trái phiếu gồm Standard & Poor’s (S&P), Moody's Investor's Service và Fitch Ratings, nên rất được giới đầu tư nể trọng, buộc chính quyền các nước phải dè chừng và quan tâm.
Việt Nam được xếp vào nền kinh tế "đang phát triển", nên được nhận ưu đãi vốn vay và vốn tài trợ từ các định chế tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB, hay vốn vay ODA song phương của các chính phủ khác, với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường hoặc không trả lãi, thời gian trả rất lâu.
Tuy nhiên, khi thu nhập quốc dân tăng lên thì dạng tín dụng ưu đãi đó sẽ giảm và Việt Nam buộc phải gọi vốn trên thị trường tài chính quốc tế, cụ thể là phát hành trái phiếu.
Cần phải lưu ý rằng, các ngân hàng hay giới đầu tư quốc tế không thể và cũng chẳng cần vào tận quốc gia cần vay tiền để thẩm định rủi ro của doanh nghiệp hay chính quyền để cho vay, mà thường chỉ căn cứ trên việc chấm điểm của các tổ chức đánh giá tín nhiệm (credit rating agency). Điểm càng thấp thì phải trả lợi suất (yield) cao cho lượng trái phiếu phát hành.
Hiện có 3 doanh nghiệp đánh giá tín nhiệm ảnh hưởng toàn cầu và kiểm soát tới hơn 94% thị trường trái phiếu và giấy nợ thế giới gồm Standard & Poor’s (S&P), Moody's Investor's Service (hai công ty này chia đều thị phần và chiếm đến 80% thị trường trái phiếu thế giới), còn Fitch Ratings (chiếm cỡ 14% thị phần), nên rất được giới đầu tư nể trọng, buộc chính quyền các nước phải dè chừng và quan tâm.
Với cùng chung một số nguyên tắc đã áp dụng từ gần trăm năm nay, các tổ chức đánh giá tín nhiệm này xếp điểm theo thứ tự A, B và C, D từ cao xuống thấp. Loại trái phiếu có mức đầu tư an toàn nhất, coi như không bị rủi ro gì cả, thì có mã số AAA, xuống dưới đó là AA và tiếp nữa là mức A. Khi tới loại B là có rủi ro thì cũng từ BBB đi xuống. Tới cấp nguy ngập có thể vỡ nợ là loại C, và rủi ro nhất là loại D.
Cách đánh giá về mức độ an toàn như vậy trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường cho vay và sự suy tính của chủ nợ là giới đầu tư có tiền cho vay. Nếu giới đầu tư cho vay sợ rủi ro thì họ sẽ đòi lợi suất cao. Lợi suất càng cao thì trị giá trái phiếu càng thấp, và lợi suất của trái phiếu dài hạn chính là lãi suất dài hạn của thị trường tài chính.
Một thí dụ là năm 2010, Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế trên thị trường Singapore để huy động 1 tỷ USD qua trái phiếu có hạn kỳ 10 năm và lợi suất là 6.75%. Tuy nhiên, khi trái phiếu đó giao dịch trên thị trường thì lợi suất lại cao hơn, lên tới 6.95% là do mức tín nhiệm thấp hơn, do lúc đó dự trữ ngoại hối của Việt Nam xuống thấp và lạm phát gia tăng.
Đánh giá tín nhiệm của Việt Nam hiện nay được S&P chấm điểm ở mức chưa rơi vào tính rủi ro cao là BB (dấu trừ, ổn định), Fitch Ratings và Moody's chấm điểm bằng nhau ở mã số "có đầu cơ" là B+, B1, nhưng vẫn có thể xếp vào mức điểm "không có đầu cơ" vẫn còn an toàn. Riêng đối với Fitch Ratings chấm ở thang điểm B+, kèm theo cụm từ khen ngợi là "positive" (tích cực).
Nói chung thì trái phiếu của Việt Nam vẫn còn bốn hoặc ba cấp nữa mới lên tới cấp độ đầu tư đáng tin, nhưng so với mấy năm trước thì tình hình đã khá hơn, nhờ vậy mà nếu có đi vay thì cũng trả lợi suất rẻ hơn.
S&P, Moody's và Fitch dựa vào đâu để xếp hạng tín nhiệm?
S&P, Moody's và Fitch thường căn cứ vào các yếu tố như: tăng trưởng GDP, dân số, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dự trữ ngoại hối, dư nợ cho vay khu vực tư nhân, nợ nước ngoài, thị trường chứng khoán, chỉ số PMI, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nợ chính phủ so với GDP, ngân sách, chi tiêu của chính phủ, cán cân thương mại, tài khoản vãng lai, tài khoản vãng lai so với GDP, thuế suất doanh nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp... để đưa ra một thang điểm tương đối chính xác về nền kinh tế nước đó.
Nhưng cơ bản, tựu trung lại, thì các tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ phân tích các yêu tố chuyên môn như sau:
Đầu tiên, là họ xét quốc gia đó mắc nợ trước đấy bao nhiêu và hàng năm, hàng tháng phải trả nợ bao nhiêu tiền, cả vốn lẫn lời (nếu đã mắc nợ nhiều thì sẽ rất khó vay thêm, nếu vay được thì trả lãi đắt).
Thứ hai, ngoài việc trả nợ, quốc gia đó còn phải nhập khẩu bao nhiêu, nôm na là sẽ còn phải chi ra bao nhiêu ngoại tệ so với vốn liếng dự trữ ngoại tệ sẵn có. Nói vắn tắt lại là vốn liếng ngoại tệ còn đủ cho mấy tuần hay mấy tháng nhập khẩu? Nếu dưới ba tháng là có rủi ro!
Thứ ba, là khả năng xuất khẩu quốc gia đó để thu hồi ngoại tệ nhiều hay ít, căn cứ trên tình hình chủ quan của quốc gia và khách quan của các thị trường quốc tế, mà khả năng xuất siêu càng cao thì rủi ro càng ít, khả năng đó mà kém tức hay bị nhập siêu thì càng dễ bị xuống cấp tín nhiệm.
Thứ tư, quốc gia đó đầu tư bao nhiêu, có khả năng sinh lời chừng nào để sau này còn thanh toán nợ nần trong nước lẫn nước ngoài? Đây là yếu tố rất quan trọng dẫn đến sự thẩm định "chính sách ổn định kinh tế vĩ mô" (macroeconomic stabilization policy) của quốc gia ấy.
Thứ năm, là lượng tiền tệ lưu hành và lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương cao hay thấp so với sản lượng GDP để ước tính ra rủi ro lạm phát. Cần nhớ rằng lạm phát cũng trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị đồng nội tệ của quốc gia đó và khả năng trả nợ bằng ngoại tệ qua tỷ giá, chủ yếu tỷ giá đồng USD.
Nếu quốc gia nào đi vay ngoại tệ thì dễ bị rủi ro về ngoại hối. Khi đi vay bằng ngoại tệ, nếu quản lý kinh tế kém là hay bị "thâm hụt ngân sách" (budget deficits), hay bị nhập siêu nặng thì quốc gia đó còn có thể bị nạn lạm phát, làm đồng tiền nội tệ bị mất giá chỉ cần vài đơn vị phần trăm so với đồng USD thì cũng phải trả lãi bạc triệu và gánh nợ lại càng nặng nề hơn trước.
Sau cùng, khi vay mượn, nếu tỷ lệ nợ so với GDP vượt quá "debt ceiling" (trần nợ) trong thời gian dài, các nhà đầu tư, tức chủ nợ, sẽ bắt đầu lo lắng. Họ sẽ đòi hỏi một mức lãi suất cao hơn để phòng ngừa rủi ro của quốc gia đó vỡ nợ. Điều này làm tăng chi phí trả lãi đắt đỏ của đất nước mắc nợ. Tồi tệ hơn, điều này có thể đẩy quốc gia đó vào một cuộc khủng hoảng nợ, và tác động luôn vào các khoản nợ nước ngoài của quốc gia đó.
Tuy nhiên, một tỷ lệ nợ cao so với GDP không hẳn là xấu, miễn là nền kinh tế của đất nước tăng trưởng tốt, vì đó là một cách để sử dụng đòn bẩy tài chính để thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.
Cũng đừng nên nhầm lẫn giữa "nợ công" (public debt) với "nợ nước ngoài" (external debt). Nợ nước ngoài là số tiền nợ các nhà đầu tư nước ngoài của cả chính phủ và khu vực tư nhân. Nhưng nợ công sẽ có ảnh hưởng đến nợ nước ngoài; cụ thể, nếu lãi suất tăng lên trên nợ công, các chủ nợ cho vay, là các nhà đầu tư, cũng sẽ tăng lãi suất lên cho tất cả các khoản nợ tư nhân. Đó là lý do các doanh nghiệp tư nhân thường gây sức ép buộc chính phủ của họ để giữ nợ công trong một phạm vi hợp lý, để các doanh nghiệp họ có thể vay tiền trên thị trường quốc tế với phân lời thấp, tức là trả lãi suất thấp.
Phạm Quốc Hoàng - William D. Dudley
|