Thứ Ba, 21/10/2014 16:18

Tăng trưởng GDP quí 3 của Trung Quốc thấp nhất trong hơn 5 năm

Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 21-10 công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí 3-2014 của nước này chỉ tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong hơn năm năm qua.

Trong quí 1-2014 và quí 2-2014, GDP của Trung Quốc lần lượt tăng 7,4% và 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung trong ba quí đầu năm nay, GDP của Trung Quốc tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng GDP 7,3%/năm cũng là mức tăng thấp nhất của kinh tế Trung Quốc kể từ đầu năm 2009.

Nguyên nhân

Tờ Financial Time (Anh) ngày 21-10 có bài phân tích về nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại trong quí 3-2014.

Đầu tiên là sản lượng nhà máy tại Trung Quốc chỉ cao hơn một chút so với mức thấp nhất trong 5 năm qua. Điều này một mặt cho thấy sự phục hồi kinh tế toàn cầu (đặc biệt là sự phục hồi kinh tế tại châu Âu) rất mong manh. Mặt khác, điều này phản ánh thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu chậm lại, sau nhiều năm nhà đầu tư đầu tư điên cuồng vào bất động sản, dẫn đến các nhà máy thép, nhà máy xi măng và các công ty khác của Trung Quốc rơi vào khó khăn. Hiện, giá thép tại Trung Quốc giảm xuống chỉ bằng giá bắp cải.

Thứ hai, đầu tư tài sản cố định giảm xuống gần mức thấp kỷ lục. Đầu tư tài sản cố định ở Trung Quốc ở mức độ nào đó có thể được sử dụng để đo nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng (qua đó nâng cao GDP). Do nợ quá nhiều, các doanh nghiệp Trung Quốc đang tránh vay tiền.

Thứ ba, quy mô chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc không đủ lớn, không đủ để chuyển hướng sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư của chính phủ Trung Quốc. Do thiếu một hệ thống phúc lợi xã hội toàn diện, người dân Trung Quốc nằm trong số những người tiêu dùng tiết kiệm nhất thế giới. Họ dành chi tiêu cho sức khỏe và giáo dục, chứ không phải mua sắm. Mặt khác, dưới ảnh hưởng của chiến dịch chống tham nhũng được đề xướng bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chi tiêu mua sắm hàng hóa cao cấp của tầng lớp giàu có cũng giảm đáng kể.

Nới lỏng tiền tệ hoặc kích thích tài khóa thôi chưa đủ

Gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nới lỏng kiểm soát đối với việc mua nhà, đồng thời Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng quyết định bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng nhằm ngăn chặn những rủi ro liên quan đến thị trường bất động sản.

Các biện pháp kích thích kinh tế nói trên phần nào phát huy tác dụng, bằng chứng là tốc độ tăng trưởng GDP quí 3-2014 vẫn cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế Bloomberg là 7,2%.

Tuy nhiên, chuyên gia Tao Dong của Credit Suisse tại Hồng Kông nhận định: "Thúc đẩy tăng trưởng không thể giải quyết bằng nới lỏng tiền tệ hoặc kích thích tài khóa. Trung Quốc cần cải cách".

Ngày 7-10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2015 từ mức dự báo trước đó là 4% xuống còn 3,8%, đồng thời dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tăng trưởng, còn khoảng 7,1% vào năm 2015 - thấp nhất kể từ năm 1990.

Phúc Minh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính Hàn Quốc thông báo khoản nợ công kỷ lục trong lịch sử (21/10/2014)

>   Điều gì đã tạo nên sự thành công của FBS tại châu Á? (21/10/2014)

>   Nga, Triều Tiên bắt đầu thanh toán liên ngân hàng bằng đồng ruble (21/10/2014)

>   Israel cung cấp khí đốt trị giá 4 tỷ USD cho Ai Cập (20/10/2014)

>   Dầu lại rớt giá trước lo ngại nguồn cung quá dồi dào (21/10/2014)

>   Vàng tăng trước bất ổn kinh tế toàn cầu và nhu cầu nước ngoài (21/10/2014)

>   Tân tổng thống Joko Widodo và cơ hội mới cho Indonesia (20/10/2014)

>   Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ mua nợ của khu vực tư nhân (20/10/2014)

>   Khi ai cũng biết vàng ở đó (19/10/2014)

>   UBS giữ vị trí là ngân hàng quản lý tài sản lớn nhất châu Á (19/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật