Top 10 và sự ưu ái của ngân hàng nhà nước?
Áp dụng các tiêu chuẩn quản trị ngân hàng theo chuẩn quốc tế vào thời điểm này là một thách thức với các ngân hàng (NH) Việt Nam khi sẽ làm lộ diện nhiều điểm yếu, thêm áp lực quản trị và kinh doanh cho các NH. Tuy nhiên, đây là việc phải làm. Và đã có 10 NH được lựa chọn làm thí điểm dưới sự giám sát, hỗ trợ của NHNN. Liệu có sự ưu đãi nào cho top 10 được thí điểm này?
Thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011- 2015, bên cạnh các giải pháp như sáp nhập, hợp nhất, xử lý các NH yếu kém... thì triển khai Basel II là trọng tâm. Vì đây, là giải pháp "thay đổi về chất" cho các TCTD.
Thời gian qua, các TCTD đã nỗ lực cải thiện năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ; tích cực đổi mới, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro; hiện đại hóa công nghệ để hỗ trợ cho công tác quản trị, điều hành và phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới. Đặc biệt, nhận thức, tư duy của các TCTD về sự cần thiết phải áp dụng Basel II đã có sự thay đổi tích cực.
Tại Việt Nam, hiện đã có 10 ngân hàng được lựa chọn để thí điểm áp dụng các tiêu chuẩn của Basell II như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, VPBank...
Tại 10 NH này, việc thực hiện Basel II được coi là giải pháp đột phá về quản lý rủi ro, phân bổ vốn hợp lý theo rủi ro... Việc áp dụng Chuẩn mực vốn Basel II sẽ tạo động lực và định hướng trong việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro và quản lý, phân bổ vốn theo các chuẩn mực quốc tế.
Có ý kiến cho rằng 10 NH được lựa chọn tiên phong phải chăng có sự "ưu ái" từ phía NHNN để được tập trung nhiều nguồn lực?
Áp dụng các tiêu chuẩn quản trị ngân hàng theo chuẩn quốc tế vào thời điểm này là một thách thức với các ngân hàng Việt Nam
|
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NHNN, cho biết: "Việc thực hiện Basel II được triển khai cho toàn hệ thống TCTD tại Việt Nam. Theo kinh nghiệp quốc tế, để đảm bảo tính khả thi trong điều kiện sự chênh lệch khá lớn về nhiều mặt giữa các TCTD, NHNN đã xây dựng các lộ trình khác nhau phù hợp cho các nhóm TCTD có cùng đặc thù và tương ứng về trình độ phát triển và khả năng sẵn sàng. Bên cạnh đó, NHNN đã tiến hành khảo sát toàn hệ thống và lựa chọn trên cơ sở đánh giá theo nhiều tiêu chí. Ngoài ra, một số ngân hàng phải thuyết trình cụ thể về khả năng thực hiện Basel II để có thêm cơ sở trong quá trình lựa chọn.
"Không có sự ưu ái nào từ phía NHNN khi lựa chọn các ngân hàng vào các nhóm, trong đó có nhóm 1. Đồng thời, dù các ngân hàng ở nhóm nào thì Ngân hàng Nhà nước đều khuyến khích tất cả các ngân hàng cần sớm chuẩn bị, tiến hành thực hiện Chuẩn mực vốn Basel II khi có đủ điều kiện và đáp ứng đầy đủ theo các yêu cầu của Basel II", ông Nghĩa nói.
Thực tế, do đặc thù, điều kiện khách quan và chủ quan của từng quốc gia nên tiến độ áp dụng Basel II của các nước là không giống nhau và các ngân hàng trong cùng một quốc gia cũng khác nhau. Việc triển khai thực hiện Basel II đòi hỏi sự đầu tư lớn về tài chính, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin.
Hiện đã có 10 ngân hàng được lựa chọn để thí điểm áp dụng các tiêu chuẩn của Basell II
|
So với các nước khác, hệ thống ngân hàng Việt Nam có xuất phát điểm thấp với hạn chế về tài chính, nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin và khuôn khổ pháp lý các thị trường liên quan còn chưa đồng bộ thì việc áp dụng Basel II sẽ gặp khó khăn, thách thức. Do đó, mặc dù đã có sự chuẩn bị, nghiên cứu thực hiện Basel II trong thời gian dài nhưng đến thời điểm này, NHNN mới đồng loạt triển khai thực hiện.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng chuẩn mực vốn Basel III chứ không chỉ đang phổ cập Basel II như ở Việt Nam.
Chuẩn mực vốn Basel III được đưa ra trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trên phạm vi toàn cầu trong những năm 2007-2010 để bổ sung, khắc phục những hạn chế của Basel II, chủ yếu về quản lý thanh khoản, yêu cầu vốn đệm theo chu kỳ của nền kinh tế, giới hạn tỷ lệ đòn bẩy vốn.... với khuyến nghị lộ trình thực hiện vào năm 2015-2018 tùy theo điều kiện của từng quốc gia.
Như vậy, Basel III chỉ là phần bổ sung cho Basel II nên NHNN đã nghiên cứu áp dụng có chọn lọc một số nội dung của Basel III phù hợp với thực tiễn của Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện Basel II, ví dụ: quy định về vốn tự có, tỷ lệ thanh khoản, quy định điều chỉnh tỷ lệ an toàn vốn theo từng thời kỳ.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung Ương nhận định: "Với thời điểm, lộ trình, kế hoạch triển khai và áp dụng Basel II tiến tới từng bước áp dụng Basel III trong bối cảnh tái cấu trúc kinh tế, cải tổ hệ thống ngân hàng của Việt Nam thì đây là cách làm và bước đi phù hợp".
Trúc Linh
vietnamnet
|