'Giam lỏng' nợ xấu
Ngay tại nghị trường Quốc hội, một đại biểu đã so sánh Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) như một nhà “kho” đang giam nợ xấu, nếu không xử lý thì 5 năm sau khi mở kho, nợ xấu sẽ... “bốc mùi”.
Người đưa ra so sánh trên là đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội), từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Công thương (Vietinbank). Ông Hùng cho rằng VAMC thực chất chỉ đem đến một giải pháp kỹ thuật, không khác gì một kho chứa nợ xấu. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các tổ chức tín dụng được bán nợ trong vòng 5 năm cho đơn vị này sẽ tiềm ẩn đầy rủi ro, nguy hiểm.
“Đưa vào kho chứa 5 năm, NH yên tâm coi như xong, cơ quan quản lý không ai kiểm tra, thanh tra nữa. Doanh nghiệp (DN) cũng yên tâm không đả động gì. Nhưng 5 năm sau mở kho chứa ra, nợ xấu sẽ là cái gì?”, ông Hùng đặt vấn đề. Từ đó ông cho rằng phải xem lại thực chất của VAMC, vì đây có thể là một giải pháp đưa ra nhưng “bắt không đúng bệnh”.
Gánh ve chai hay “siêu thị” VAMC?
Trao đổi với Thanh Niên, Tổng giám đốc Vietinbank (CTG) Lê Đức Thọ cho rằng: “Cách mà VAMC đang làm giống như một siêu thị, ở đó có nhiều mặt hàng từ xi măng, sắt thép, phân bón, bất động sản… Họ phải phân loại từng món, từng lô rồi đưa ra chào hàng. Nhưng điều quan trọng phải có thời gian và cơ chế đặc biệt để bán, để xử lý chứ không phải bán tống, bán tháo và với cơ chế còn rất khó khăn như hiện nay”.
Theo ông Thọ, cái khó nhất đối với VAMC ở đây nằm ở khâu xử lý tài sản sau khi mua được. Liên tiếp thời gian vừa qua, VAMC thất bại trong việc đưa ra đấu giá, vì nhiều tài sản liên quan đến DN và cả NH nhưng ai cũng muốn giá cao, còn thị trường thì định giá thấp. Ngoài ra, thủ tục trong định giá, đấu giá, phát mãi tài sản còn thiếu, quá nhiều vướng mắc.
Về quan điểm 5 năm nữa, tài sản trong kho VAMC có thể bị “bốc mùi”, theo ông Thọ, thực tế nếu tài sản chưa bán được vẫn quay trở lại NH. Nhưng lúc đó, các NH đã trích lập đủ dự phòng rủi ro - nợ xấu được trả nợ hết cho VAMC. Nếu bán được thì các NH sẽ tăng thu nhập bất thường, còn không bán được cũng là tài sản của NH, chứ không còn là nợ xấu.
Khó bán nợ xấu vì đòi giá cao
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc “đầu ra” bị tắc sau khi mua nợ, rồi đấu giá thất bại của VAMC là do vướng mắc từ cơ chế xử lý tài sản đảm bảo; các mức giá đưa ra cao hơn giá thị trường, nên không ai dám mua. Nhưng để giá thấp thì VAMC bị lỗ. Vấn đề phải tháo gỡ khó khăn này, xác định rõ quan điểm bảo toàn giá trị cho từng món nợ hay chấp nhận xử lý nó theo cơ chế thị trường. "Theo tôi, cần phải cho phép VAMC được vận hành theo cơ chế đặc biệt hơn, nhưng tất nhiên không được vượt luật", ông Kiên nói.
Cụ thể theo ông Kiên, quy trình đấu thầu, đấu giá, thẩm định vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của luật đảm bảo công khai, minh bạch. Nhưng phải phân loại rõ từng món nợ, nợ của bất động sản có thể bán lỗ do thị trường đang đóng băng không thể hồi phục, nhưng bù lại ở các lĩnh vực khác tốt hơn bán lãi bù đắp vào. Khi đó, VAMC vẫn đảm bảo mục tiêu không bị ăn vào vốn mà vẫn linh hoạt xử lý được tài sản. Bán theo giá thị trường phải chấp nhận có lỗ, có lãi còn cứ đòi giá cao thì không thể bán được.
Ông Lê Đức Thọ lại đề nghị nên cho VAMC cơ chế được tự thỏa thuận, thương thảo bán nợ nhưng phải đặt ra nguyên tắc làm sao thu hồi được lại nợ tối đa. Thay vì bán đấu giá có thể cho phép công ty này được thỏa thuận thương thảo, nhưng có thuê thẩm định giá. Để quyết định được mức giá đó cần có sự tham gia của các bộ ngành trong một ban nào đó để không dẫn đến thất thoát tài sản quốc gia. Như vậy có thể bán tài sản nhanh hơn.
Theo TS Trần Du Lịch, NHNN phải tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty VAMC và các văn bản hướng dẫn theo hướng tạo sự chủ động, trao quyền hạn phù hợp cho VAMC xử lý nợ, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua; nâng cao minh bạch trong hoạt động mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và mua nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC. |
Anh Vũ
Thanh Niên
|