Thứ Sáu, 24/10/2014 16:31

60% và 40% đã là tỷ lệ phù hợp?

Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, 10 năm vừa qua, xu hướng người dân và DN không dùng tiền mặt, chuyển sang sử dụng các dịch vụ NH đã tăng lên nhiều. Tuy nhiên, lượng tiền mặt giao dịch trong nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khá lớn so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan…

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Tại sao các giao dịch tiền mặt vẫn còn lớn như vậy, thưa ông?

Theo tìm hiểu của tôi, đến thời điểm này, có khoảng từ 20 – 30% người dân sử dụng dịch vụ NH nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở thành thị, còn ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa hầu như chưa tiếp cận được với dịch vụ thanh toán hiện đại. Và đối với họ, việc sử dụng thẻ ATM hay các dịch vụ thanh toán qua Internet Banking là điều còn rất xa lạ.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này, như do các NH chưa mở rộng mạng lưới tại khu vực này nên người dân chủ yếu giao dịch tại quỹ tiết kiệm và ở một số ít điểm giao dịch của NH cho vay nông nghiệp nông thôn… nên dù có muốn nhưng họ không được cung ứng hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, có một nguyên nhân quan trọng là do văn hóa, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam vẫn còn nặng nề và điều kiện cơ sở vật chất nền kinh tế chưa phát triển đồng bộ.

Vì thế, dù đi đến đâu, thành phố hay nông thôn thì tâm lý người Việt Nam lúc nào cũng phải có tiền mặt mới yên tâm. Ngay cả những người làm NH như chúng tôi thì dù có nhiều loại thẻ nhưng vẫn luôn phải có tiền mặt trong ví. Vì tôi cũng như các bạn không thể vào ăn bát phở hay uống ly nước mà quẹt thẻ thanh toán được. Thậm chí ngay cả các siêu thị cũng không phải siêu thị nào cũng chấp nhận thanh toán tất cả các loại thẻ mà chỉ chọn một vài thẻ NH.

Thêm một lý do nữa mang tính tiêu cực, đó là một số bộ phận của nền kinh tế cố tình sử dụng tiền mặt không thông qua tài khoản tại NH nhằm che giấu hoạt động kinh doanh một cách không minh bạch của mình, như buôn lậu hoặc trốn thuế… Vì vậy, mặc dù tình trạng thanh toán không dùng tiền mặt đã được cải thiện nhưng lượng tiền mặt giao dịch trong nền kinh tế vẫn còn lớn.

Theo ông, những tồn tại trên có phải do chúng ta chưa có chế tài mạnh để xử lý?

Đúng là ở Việt Nam chưa có chế tài xử phạt mạnh mẽ để hạn chế sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng thật sự với điều kiện kinh tế như hiện nay cũng rất khó để “ép” người dân Việt Nam không được phép sử dụng tiền mặt. DN không thể nào bắt buộc khách hàng phải luôn thanh toán qua chuyển khoản tại NH. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, DN bán được hàng đã là tốt lắm rồi, không thể đòi hỏi quá nhiều từ khách hàng trong phương thức thanh toán. Nên về mặt thương mại và kinh tế, theo tôi không thể dùng luật lệ bắt buộc các thành phần kinh tế phải sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Và thực tế, bất cứ nước nào cũng phải chấp nhận giao dịch lượng tiền mặt nhất định trong nền kinh tế. Ngay cả Mỹ cũng vậy, trong ví người dân, bên cạnh nhiều loại thẻ tín dụng, séc… thường họ phải có ít nhất 20 – 50 USD khi ra ngoài đường để có thể chi trả phí dịch vụ phát sinh. Và, Việt Nam không nên là ngoại lệ. Tôi cho rằng, với điều kiện kinh tế ở Việt Nam, nên cố gắng duy trì giao dịch phi tiền mặt ở mức 60% và 40% giao dịch bằng tiền mặt từ người dân, DN là đã thành công. Nhưng chắc phải ít nhất 5 năm nữa mới có thể đạt được tỷ lệ trên.

Từ kinh nghiệm làm việc lâu năm tại nước ngoài, ông có thể cho biết giải pháp nào giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt hiệu quả hơn?

Ở bên Mỹ, cách đây khoảng 10 năm, một công ty bảo hiểm đã đưa ra chương trình “Khéo dùng tiền” và khuyến cáo tất cả các NH tham dự. Sau đó, chương trình này trở thành một chương trình giáo dục tài chính phổ biến tại các trường học và cho tất cả người dân Mỹ, trong đó có cả cộng đồng thiểu số người Việt, người Hoa… Nội dung của chương trình đó rất cơ bản, thiết thực như: khi có thẻ tín dụng, thẻ ATM thì sử dụng thế nào cho hiệu quả, phân biệt tiền thật, tiền giả, đặc biệt tập trung vấn đề vì sao không nên dùng tiền mặt.

Điều này cho thấy, ngay cả ở Mỹ là quốc gia có tỷ lệ sử dụng phi tiền mặt rất lớn mà họ còn phải làm việc này, huống gì ở một nước sử dụng tiền mặt quá nhiều như Việt Nam lại không áp dụng phổ cập một chương trình giáo dục cơ bản tương tự. Đồng thời, các NH cần tích cực đi khảo sát thực tế, tiếp cận dân chúng nhiều hơn để phổ biến các dịch vụ, cũng như đưa ra các sản phẩm tiện ích, hiện đại nhưng gần gũi để họ dần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt.

Xin cảm ơn ông!

Hà Thành

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Ông Hà Văn Thắm bị miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT tại Oceanbank (24/10/2014)

>   Lãnh đạo ngân hàng kỳ cựu trong hàng ngũ VAMC (04/08/2013)

>   VietABank: 800 cơ hội vàng cho sinh viên ngành Tài chính ngân hàng (24/10/2014)

>   Giải quyết nợ xấu: Không thể vội vàng (23/10/2014)

>   Ngân hàng lợi kép (23/10/2014)

>   “Chưa bao giờ ngân hàng thân tòa án đến vậy” (22/10/2014)

>   Bình chọn VietinBank để có cơ hội nhận iPhone 6, iPad Air 2 (22/10/2014)

>   Cảnh báo nạn tin tặc đánh cắp thông tin ngân hàng qua di động (22/10/2014)

>   Ngân hàng ổn định, vốn ra nền kinh tế dồi dào (22/10/2014)

>   Cơ hội nhận du lịch Hong Kong– Ma Cau khi giới thiệu khách hàng tại VIB (21/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật