Thứ Tư, 22/10/2014 14:08

Ngân hàng ổn định, vốn ra nền kinh tế dồi dào

Các chuyên gia kinh tế nhận định, bằng nhiều cách xử lý số liệu tài chính, chu kỳ tăng trưởng tín dụng nhanh vào các tháng cuối năm và tiến trình kéo giãn trích lập dự phòng khi bán nợ xấu cho VAMC, các NH không chỉ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra mà dòng vốn bơm ra thị trường ngày càng dồi dào.

Nhiều chỉ tiêu đạt kế hoạch

Nếu như thời điểm giữa năm, các NH cho biết chỉ hoàn thành 20 – 30% chỉ tiêu lợi nhuận thì đến nay, kết quả kinh doanh của nhiều NH cho thấy đã bớt chông chênh. Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 8/2014, các NH hoạt động trên địa bàn đã báo lãi 12.156 tỷ đồng, riêng các NH có hội sở chính tại TP. Hồ Chí Minh đã lãi trên 4.600 tỷ đồng. Song song đó, thời điểm này cũng đã có một số TCTD công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh khả quan.

Đơn cử, Vietcombank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh công bố báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng khá đối với hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh, cụ thể: huy động vốn từ nền kinh tế (bao gồm cả vay bảo hiểm xã hội) đạt 390.117 tỷ đồng, tăng 17,67% so với đầu năm, đạt 99% kế hoạch cả năm. Tín dụng tăng trưởng cao, dư nợ cho vay tính đến 30/9 đạt 300.324 tỷ đồng, tăng 10,1% so với đầu năm; dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên chiếm khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng. Lợi nhuận trước dự phòng đạt 7.533 tỷ đồng, đạt 69,5% kế hoạch năm và tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2013.

Nhờ kiểm soát chặt chất lượng tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm nên nguồn thu từ hoạt động này đóng góp vào lợi nhuận ACB. Cụ thể, 9 tháng đầu năm tổng tài sản ACB tăng 7%, huy động tăng 10%. Tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 7%. Đến nay ACB đã hoàn thành 90% kế hoạch đặt ra.

Nếu so với lợi nhuận đạt được năm 2013, chỉ tiêu Eximbank đặt ra cho năm nay giảm 600 tỷ đồng. Tuy chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho năm nay khá khiêm tốn, song với khó khăn hiện tại, việc Eximbank gần đạt được mục tiêu lợi nhuận cũng đáng ghi nhận.

Còn với Sacombank tăng trưởng tín dụng cũng như lợi nhuận đạt được năm qua hết sức khả quan khi nhà băng này thu về lợi nhuận trước thuế 2.363 tỷ đồng, tương đương gần 79% kế hoạch năm. Tổng huy động 9 tháng của Sacombank đạt 164.570 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch. Dư nợ cho vay đạt 123.295 tỷ đồng, tương đương 90,7% kế hoạch, tăng 11,8% so với đầu năm… “9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đã tăng mức trên 10% và việc đạt mục tiêu 12% năm nay là không khó”, lãnh đạo Sacombank chia sẻ.

Sở dĩ kết quả kinh doanh của các NH cải thiện do lợi nhuận của NH hiện nay không còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng mà đến từ nhiều lĩnh vực. Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, thu nhập từ tín dụng của các NH chiếm 45,1% tỷ trọng lợi nhuận, còn lại 54,9% là thu nhập ngoài hoạt động cho vay. Đồng thời, các NH đã điều chỉnh giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng góp phần giúp lợi nhuận tăng.

Với nền tảng này, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, có thể bức tranh lợi nhuận NH quý III khó có thể xóa tan sự u ám của nợ xấu và tăng trưởng tín dụng ỳ ạch, nhưng bằng nhiều cách xử lý số liệu tài chính, chu kỳ tăng trưởng tín dụng nhanh vào các tháng cuối năm và tiến trình kéo giãn trích lập dự phòng khi bán nợ xấu cho VAMC, các NH không chỉ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra mà dòng vốn bơm ra thị trường ngày càng dồi dào.

Quản trị vốn vay hiệu quả

Quả vậy, đến cuối tháng 6/2014, khi lợi nhuận của các NH chưa ổn định, thậm chí có một số NH báo lỗ, khi đó tín dụng toàn Ngành mới tăng 3,52%. Thế nhưng, đến ngày 30/9, nhiều NH công bố hoàn thành chỉ tiêu tín dụng cũng là lúc tín dụng toàn hệ thống TCTD đối với nền kinh tế đã tăng đến 7,26% so với cuối năm 2013. Như vậy dư nợ tín dụng toàn ngành NH trong ba tháng của quý III đã tăng gấp đôi so với hai quý trước đó.

Theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua, hoạt động NH vô cùng khó khăn trước cầu của nền kinh tế còn thấp, nhưng ngành NH trên địa bàn vẫn duy trì được mức tăng trưởng tín dụng vì điều này hoàn toàn nằm trong kế hoạch định sẵn từ đầu năm. Khi nền tảng NH ổn định, không phải chạy theo lo nợ xấu, trích lập… thì dòng vốn ra thị trường sẽ dồi dào.

Bằng chứng trong 9 tháng đầu năm, riêng TP.Hồ Chí Minh đã giải ngân 37.843 tỷ đồng với 991 khách hàng, vượt kế hoạch bổ sung 30.000 tỷ đồng do UBND TP. Hồ Chí Minh giao. So với năm 2013, lãi suất được hưởng của khách hàng tham gia chương trình tiếp tục giảm đối với ngắn hạn không quá 8%/năm và trung dài hạn không quá 11%/năm. Số khách hàng tham gia đã tăng thêm 330 khách hàng so với năm 2013 với tổng số tiền tăng thêm là 23.779 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, để đẩy mạnh tín dụng trong thời gian còn lại của năm, các TCTD đang cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất từ nay đến hết năm để DN dễ dàng vay vốn, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, về tín dụng, trên cơ sở theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của từng TCTD và toàn hệ thống, NHNN cũng đã xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cho một số TCTD.

Chẳng hạn tại NamABank, VietCapital Bank hay HDBank... các NH này cho biết, đang trong quá trình xin tăng room tín dụng để có thêm dư địa cho vay. Đặc biệt là trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm khi nhu cầu vốn được dự báo sẽ cải thiện. Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamABank cho biết, NH đã xin tăng room lên gấp đôi so với mức tăng trưởng đạt được đến cuối tháng 9/2014 là trên 20%. Bởi quy mô của NamABank còn khá nhỏ nên con số về tăng trưởng tín dụng tuyệt đối cũng chưa cao, cho dù tỷ lệ tăng trưởng có vượt qua mức 20% nói trên.

Lãnh đạo Sacombank cũng cho hay, khả năng tín dụng trong quý còn lại của năm sẽ được cải thiện mạnh so với 3 quý đầu năm. Bởi đây cũng là thời điểm kinh doanh tốt nhất của NH trong năm. Vì thế, bên cạnh 12 gói cho vay ưu đãi đang triển khai, Sacombank cũng sẽ cân nhắc để xây dựng thêm nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất nữa để cung vốn ra thị trường trong thời gian tới…

Quỳnh Vũ

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Cơ hội nhận du lịch Hong Kong– Ma Cau khi giới thiệu khách hàng tại VIB (21/10/2014)

>   OceanBank: 1,000 tỷ đồng với lãi suất 6.99% cho doanh nghiệp (22/10/2014)

>   Rút đề xuất chi ngân sách để xử lý nợ xấu (22/10/2014)

>   Chấp thuận tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở tháng 9/2014 (21/10/2014)

>   Doanh nghiệp nhấp nhổm vì tỷ giá tăng (21/10/2014)

>   "Không thể dùng cơ chế để thay thị trường giải quyết nợ xấu" (21/10/2014)

>   Tăng trưởng tín dụng và một điểm “hơi tiếc” (21/10/2014)

>   “Dứt khoát phải giảm nợ công” (21/10/2014)

>   Ngân hàng Việt và cuộc đua cạnh tranh dịch vụ (21/10/2014)

>   Các doanh nghiệp Tp.HCM được tiếp cận nguồn vốn hơn 15,500 tỷ đồng (20/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật