Thị trường bất động sản: Sôi động M&A
Thị trường BĐS phục hồi chậm khiến nhiều doanh nghiệp phải chuyển nhượng lại một phần hoặc toàn bộ dự án. Nhưng với doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, đây là thời điểm thuận lợi để gom về những dự án tốt, giá rẻ.
* M&A: Giải pháp lợi cả đôi đường cho BĐS
* Bất động sản hồi phục, dấu hiệu tăng mua bán và sáp nhập
* Xu hướng M&A sẽ tăng vào năm 2015
Cuối tuần qua, CTCP Nhà Hòa Bình ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng lại toàn bộ dự án The Ascent (số 58 đường Quốc Hương, quận 2, TPHCM) của CTCP Chip Eng Seng (Singapore). The Ascent có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng, gồm 2 tòa tháp cao 29 tầng với 280 căn hộ. Dự án đã hoàn thành xong phần móng và đóng nắp tầng trệt, dự kiến bàn giao căn hộ vào tháng 11-2016. Sau buổi lễ ký kết, The Ascent sẽ chính thức mở bán.
Mới đây, Hưng Thịnh Corp. đã mua đứt dự án 12 View có quy mô hơn 300 căn hộ trên đường Phan Văn Hớn (quận 12) của một doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính. Hưng Thịnh Corp. cũng vừa đàm phán với CTCP Cơ khí - Xây dựng Bình Triệu trong việc hợp tác đầu tư dự án Khu dân cư Bình Triệu 2.000 tỷ đồng, dự kiến giới thiệu ra thị trường vào quý III-2015. Trong vòng 2 năm thâm nhập thị trường Việt Nam, Công ty Tổ chức nhà Quốc gia (N.H.O) cũng nhanh chân đầu tư 14 dự án nhà ở với tổng quỹ đất 230ha tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, An Giang. Phần nhiều dự án của N.H.O triển khai được mua lại từ chủ đầu tư khác.
Có thể nói, chính những khó khăn của thị trường BĐS suốt 3-4 năm qua đã thúc đẩy hoạt động M&A diễn ra sôi động, đặc biệt với phân khúc căn hộ, BĐS gắn liền với đất và khu dân cư. Theo nhiều nhà đầu tư, hoạt động M&A trong lĩnh vực BĐS thời gian tới sẽ đa dạng, linh hoạt hơn. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm là mức độ thành công của dự án sau khi chuyển nhượng thế nào, có đổi vận được hay chỉ đơn thuần sang tên đổi chủ. Điều này phụ thuộc lớn vào yếu tố tài chính, năng lực, uy tín của đơn vị nhận chuyển nhượng. Với những chủ đầu tư thành công từ việc mua lại dự án, thu về khoản lợi nhuận nhất định, họ sẽ tiếp tục tìm những dự án dang dở để bơm vốn, tái cơ cấu sản phẩm đưa ra thị trường. Bên mua sẽ khảo sát, đánh giá tiềm năng dự án, nếu rủi ro thấp, khả năng sinh lợi cao để mua với mức giá tốt nhất. Ngược lại, trong giai đoạn khó khăn, bên bán sẵn sàng bán lại dự án với giá rẻ để thu hồi vốn.
Hiện nay, Hưng Thịnh Land và Novaland là 2 đơn vị nổi bật trên thị trường trong các thương vụ mua bán BĐS, khi hầu hết dự án qua tay 2 đơn vị này đều thành công, sản phẩm tiêu thụ nhanh. Thông thường, chủ đầu tư sau khi mua dự án sẽ thay đổi thiết kế sao cho độc đáo hơn, điều chỉnh diện tích căn hộ, giá cả phù hợp sát với nhu cầu. Bên cạnh đó, cùng với lực lượng bán hàng hùng hậu, chủ đầu tư sẽ tập trung marketing, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ khách hàng vay vốn để bán sản phẩm một cách nhanh nhất.
Minh Tuấn
đttc
|