Thứ Năm, 02/10/2014 16:09

Tập đoàn ngoại ưu tiên 'con cháu' để dễ chuyển giá

Trái với lời than phiền từ các tập đoàn lớn như Samsung, Canon..., giám đốc một doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ tuyên bố: “Đừng nói doanh nghiệp Việt không làm được ốc vít, mà bởi, các ông chủ FDI luôn có nhiều chiêu trò để làm khó”.

Cạnh tranh khốc liệt

Ông Mai Văn Đán, giám đốc một công ty đã có 20 năm sản xuất linh kiện xe máy, từng xuất khẩu sang EU, đã khẳng định như vậy trong buổi hội thảo mới đây của Bộ Công Thương về dự thảo Nghị định công nghiệp hỗ trợ.

Ông Đán quả quyết: "Công nghệ thì không khó. Tôi đã làm ống bô xe máy thì cũng làm được ông bô ôtô. Còn đổ lỗi do thị trường nhỏ cũng không đúng vì thị trường nào, chúng tôi cũng làm được. Nhưng vì sao, ta vẫn không phát triển được công nghiệp hỗ trợ? Là còn vì từ phía các ông chủ FDI".

"Có rất nhiều triển lãm giới thiệu sản phẩm linh kiện phụ tùng cần mua - bán, nhiều cuộc gặp trực tiếp tại các hội thảo; cùng đó, các Bộ và các tổ chức như JICA, JETRO... luôn nói cần phải xúc tiến, tìm kiếm nhà cung ứng hỗ trợ nhưng thực tế, giữa doanh nghiệp với nhau vẫn không thể đi đến cái bắt tay thành công", ông Đán chia sẻ.

Vị doanh nhân lúc nào cũng tự nhận đau đáu với công nghiệp hỗ trợ này cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam mang cả "anh em", "họ hàng" sang. Các đơn hàng thường được ưu tiên cho anh em họ hàng của họ, doanh nghiệp Việt rất khó để chen vào. Hơn nữa, "các tập đoàn mua nội bộ của nhau để còn dễ dàng chuyển giá".

Các DN sản xuất linh kiện trong nước phàn nàn rằng việc gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với các tập đoàn để tìm hiểu cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh là rất khó

"Thậm chí, để gặp trực tiếp họ để đàm phán là rất khó, chưa dám nói là đi vào thăm quan được nhà xưởng của họ để nắm bắt xem họ cần tiêu chuẩn công nghệ như thế nào", ông Đán cho hay.

Vị giám đốc bày tỏ: "Các tập đoàn lớn có nhiều chiêu trò khiến chúng ta không thể vào hệ thống của họ được. Chẳng hạn, khi tôi nói tôi có thể làm được cả một cụm chi tiết mà họ mua của Trung Quốc, thì phía chính hãng lại đưa ra những điều kiện về giá thành khiến chúng ta khó đáp ứng".

Với kinh nghiệm 30 năm trong lĩnh vực này, ông Bùi Thành Nam, Giám đốc Công ty Nhựa Hà Nội, cũng phải thừa nhận, nhiều khi giá cả, chất lượng sản phẩm, trình độ năng lực chưa phải là tất cả.

Trước đây, Nhựa Hà Nội cung cấp linh kiện cho LG Việt Nam với doanh thu khoảng 50 tỷ đồng/năm. Nhưng hiện nay, LG đang thay đổi, sẽ tập trung sản xuất tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng và có khả năng sẽ không ký với Nhựa Hà Nội mà bắt tay với 2 công ty vệ tinh khác đến từ Hàn Quốc.

Công ty này cũng đã gửi báo giá rất nhiều lần về linh kiện ôtô, nhưng sau đó, Toyota Việt Nam vẫn quyết định nhập hàng từ Thái Lan, Malaysia sang.

Đặc biệt, nỗi bức xúc trên của các doanh nghiệp dường như rất đúng với trường hợp Samsung. Nếu Samsung than phiền rằng trong số 95 đơn vị cung ứng linh kiện, phụ tùng thì chỉ có 7 là của Việt Nam, chủ yếu làm bao bì, không ít doanh nghiệp Việt đã phản ứng. Họ cho hay đều đang cung ứng linh kiện điện tử cho hãng nhưng chỉ có thể làm việc với trung gian.

"Việc tiếp xúc được với TGĐ Samsung là rất khó và hầu như, hãng này chỉ làm việc qua trung gian", ông Trần Anh Vương, Giám đốc công ty Bắc Việt, phàn nàn.

Thậm chí, đại diện Công ty điện tử 4P, trụ sở tại Hưng Yên, cho hay các hợp đồng cung ứng hàng cho Samsung cũng rất nhỏ lẻ, phập phù, thường không có kế hoạch trước. Thỉnh thoảng, công ty bất ngờ nhận được yêu cầu cung ứng chỉ khoảng vài nghìn linh kiện giao trong thời gian ngắn. Điện tử 4P vẫn tiếp nhận để giữ uy tín, mặc dù, đáp ứng những đơn hàng kiểu đột xuất này sẽ không lãi lớn, phải huy động gấp số lượng lớn nhân công.

Cái khó ló cái khôn

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Ôtô Trường Hải, giãi bày, Việt Nam đã hội nhập nên rất khó ép các doanh nghiệp FDI phải bắt tay với doanh nghiệp Việt. Nhà nước càng cần phải có chính sách nào đó cho thích hợp để họ có thể chuyển giao công nghệ hoặc ký hợp tác với doanh nghiệp trong nước.

Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, muốn doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi toàn cầu thì vẫn cần có bàn tay của Nhà nước.

"Rõ ràng, muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, muốn doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi toàn cầu thì vẫn cần có bàn tay của Nhà nước. Những năm 1999-2000, ngành xe máy cũng lúng túng như ôtô bây giờ, nhưng họ đã thành công, tỷ lệ nội địa hoá đã là 97%. Đó là do Nhà nước đã mạnh tay yêu cầu FDI phải nội địa hoá", ông Mai Văn Đán nhìn nhận.

Trước nhiều ý kiến này, ông Trương Thanh Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương) cũng rất tâm tư: "Chúng tôi từng tính rất nhiều phương án ràng buộc các doanh nghiệp FDI làm việc này, nhưng tính kiểu gì cũng dễ bị vi phạm cam kết trong WTO về đối xử bình đẳng, chống trợ cấp".

Ví dụ, ban đầu, ban soạn thảo Nghị định công nghiệp hỗ trợ đã đề xuất quy định, sẽ gia hạn VAT 6 tháng khi nội địa hoá 50%, gia hạn thuế VAT 1 năm nếu đạt nội địa hoá 60%, nhưng sau đành phải bỏ ra.

Tuy nhiên, trong câu chuyện này, chính quyền địa phương cũng có thể đưa ra các điều kiện nhất định đối với các doanh nghiệp FDI để đạt được mục tiêu trên.

Dù vậy, nhìn từ sự thành công của Ôtô Trường Hải trong sự hợp tác với hãng Hyundai (Hàn Quốc) mới thấy vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc khôn khéo tạo quan hệ với các tập đoàn.

Chủ tịch Trường Hải, ông Trần Bá Dương, chia sẻ, Samsung, Canon, Hyundai... sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, nắm công nghệ nguồn, nhưng ở mỗi công đoạn của chuỗi sản xuất lại có những công nghệ do chính các vệ tinh nắm giữ. Chẳng hạn, Hyundai sản xuất ra chiếc xe ô tô, nhưng việc làm ra cái ghế và công nghệ làm chiếc ghế đó lại là quyền của nhà cung cấp ghế.

Bởi thế, doanh nghiệp Việt cũng phải có quan hệ và bắt tay với các nhà cung ứng lớp 1, lớp 2 này để làm cho họ thay vì, bắt chước làm linh kiện giống họ. Nếu chúng ta làm được khuôn mẫu linh kiện như họ thì nghĩa là họ đã chuyển sang khuôn mẫu khác, cái chúng ta làm được đã lỗi thời và họ không còn dùng nữa, ông Dương phân tích.

Với ông Bùi Thành Nam, tự nâng cao năng lực để thắng trong cuộc chơi này là việc tất yếu. "Khi Nhựa Hà Nội bắt đầu xuất khẩu hàng sang Nhật thì các nhà đầu tư Nhật tại Việt Nam mới chủ động tìm đến chúng tôi đặt hàng. DN Việt muốn chủ động đặt quan hệ cũng không thể được", ông Nam nói.

Phạm Huyền

Vef

Các tin tức khác

>   Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước: Luật chơi chưa thay đổi (02/10/2014)

>   Giám sát tái cơ cấu “ngại” nêu địa chỉ trách nhiệm (02/10/2014)

>   Yêu cầu chấn chỉnh lương, thưởng tại các tập đoàn, tổng công ty (02/10/2014)

>   TPHCM: Đề xuất gia hạn khoản vay 40 triệu USD cho tuyến metro số 2 (02/10/2014)

>   Dệt may và “bài toán” xuất xứ trong TPP (02/10/2014)

>   Hà Nội đầu tư 90 tỷ đồng xây hầm xuyên đê (02/10/2014)

>   Hà Nội đầu tư 90 tỷ đồng xây hầm xuyên đê (02/10/2014)

>   Loạn phụ phí từ các hãng tàu ngoại (02/10/2014)

>   Đề xuất xây casino ở Lý Sơn (02/10/2014)

>   Samsung có thể xây nhà máy đóng tàu 950 triệu USD ở Việt Nam (02/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật