Tạo sự minh bạch trong hợp đồng xây dựng
Để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Dự thảo Nghị định là sự kế thừa của Nghị định số 48/2010/NĐ-CP và Nghị định số 207/2013NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Điều khoản trong hợp đồng xây dựng sẽ được quy định rõ ràng.
|
Thông tin phải rõ ràng
Hiện nay, các điều khoản trong hợp đồng xây dựng còn có nhiều điểm chưa rõ ràng gây nên những mâu thuẫn trong việc thực hiện hợp đồng. Vì vậy cần sự minh bạch trong thông tin nhằm trách các rủi ro khi kí kết hợp đồng xây dựng. Về vấn đề này, Dự thảo Nghị định quy định rõ thông tin về hợp đồng xây dựng phải được ghi rõ trong hợp đồng, bao gồm: loại hợp đồng, số hợp đồng, tên gói thầu, tên dự án, địa điểm xây dựng và căn cứ ký kết hợp đồng. Ngoài ra, phải ghi rõ tên giao dịch của các bên tham gia ký kết hợp đồng, đại diện của các bên, địa chỉ đăng ký kinh doanh hay địa chỉ để giao dịch, mã số thuế, giấy đăng ký kinh doanh, số tài khoản, điện thoại, fax, e-mail, thời gian và địa điểm ký kết hợp đồng và các thông tin liên quan khác. Trường hợp bên nhận thầu là liên danh các nhà thầu thì phải ghi đầy đủ thông tin của các thành viên trong liên danh theo quy định, trong đó phải ghi rõ thành viên đứng đầu liên danh.
Đối với các căn cứ ký kết hợp đồng xây dựng bao gồm các yêu cầu về công việc cần thực hiện được các bên thống nhất, kết quả lựa chọn nhà thầu, kết quả thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và các quy định của pháp luật có liên quan. Đối với hợp đồng EPC, EC, EP ngoài các căn cứ nêu trên thì căn cứ ký kết hợp đồng còn bao gồm dự án đầu tư xây dựng, thiết kế FEED được duyệt.
Luật và ngôn ngữ sử dụng cho hợp đồng xây dựng theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng xây dựng nhưng phải phù hợp với hệ thống pháp luật của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các quy định của Nghị định này. Ngôn ngữ sử dụng cho hợp đồng xây dựng là tiếng Việt. Trường hợp hợp đồng xây dựng có yếu tố nước ngoài thì ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và ngôn ngữ khác do các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận. Đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước thì ngôn ngữ khác là tiếng Anh. Khi hợp đồng xây dựng được ký kết bằng hai ngôn ngữ thì các bên phải thỏa thuận về ngôn ngữ sử dụng trong quá trình giao dịch hợp đồng và thứ tự ưu tiên sử dụng ngôn ngữ để giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng (nếu có). Trường hợp các bên không thỏa thuận thì ngôn ngữ ưu tiên là tiếng Việt.
Các kiến nghị phải bằng văn bản
Hiện nay, vấn đề quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng chủ yếu thực hiện bằng miệng. Điều đó gây nên sự chậm chễ trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng. Để giải quyết vẫn đề này, Dự thảo Nghị định quy định rõ, trong phạm vi quyền và nghĩa vụ của mình, các bên cần lập kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện phù hợp với nội dung của hợp đồng đã ký kết nhằm đạt được các thoả thuận trong hợp đồng. Tùy từng loại hợp đồng xây dựng, nội dung quản lý thực hiện hợp đồng có thể bao gồm: Quản lý tiến độ thực hiện hợp đồng, quản lý về chất lượng, khối lượng và giá hợp đồng…
Bên giao thầu, bên nhận thầu phải cử và thông báo cho bên kia về người đại diện để quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng. Người đại diện của các bên phải được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Tất cả các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu và các ý kiến phản hồi của các bên trong quá trình quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng đều phải thực hiện bằng văn bản. Nội dung văn bản kiến nghị, đề xuất, yêu cầu cần thể hiện căn cứ, cơ sở, hiệu quả (nếu có) của các kiến nghị, đề xuất và thời hạn trả lời theo đúng thỏa thuận trong hơp đồng. Khi nhận được kiến nghị, đề xuất, yêu cầu của một bên, bên kia phải trả lời bằng văn bản về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận đúng thời hạn quy định của hợp đồng xây dựng và quy định tại Nghị định này, trong đó nêu rõ lý do chấp thuận hoặc không chấp thuận. Các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu của các bên trong quá trình quản lý thực hiện hợp đồng phải gửi đến đúng địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ trao đổi thông tin mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng.
Ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: “Quản lý thực hiện hợp đồng là nội dung quan trọng trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Thứ nhất là các kiến nghị, đề xuất trong quá trình quản lý thực hiện hợp đồng phải bằng văn bản. Thứ hai là đưa ra được thời hạn giải quyết đề xuất kiến nghị trên nhằm đẩy mạnh công tác quản lý thực hiện hợp đồng. Đây là nội dung quan trọng nhằm thực hiện quyết tâm của Chính phủ trong cải cách hành chính.
Thành Luân
báo xây dựng
|