Thứ Ba, 14/10/2014 11:13

Ông Bùi Kiến Thành: Nợ xấu có lối thoát và cơ hội nào?

“Nguồn tín dụng phải ưu tiên đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mới có cơ hội trả lãi và trả nợ”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đề xuất cách gỡ nút thắt cho nền kinh tế Việt Nam nhưng đối diện với thách thức khi hội nhập đầy đủ là vô cùng khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

PV:- Đã có lần ông đề cập đến vòng luẩn quẩn của kinh tế Việt Nam: tín dụng không tới được với doanh nghiệp vì trái phiếu Chính phủ, nhà nước vay tiền của dân nhưng nền kinh tế teo lại nên hụt nguồn thu để trả lãi và trả nợ. Nếu thực sự quyết tâm, có cách nào giải quyết bài toán tín dụng này không, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: - Quản lý nhà nước như người thầy thuốc đi bốc thuốc, trước tiên phải biết đúng bệnh của nền kinh tế. Theo quan sát của tôi, hiện nay, người thầy thuốc chỉ biết bệnh của người già nhưng lại đang đi chữa bệnh cho thanh niên hay một đứa trẻ nên không chữa được. Đó là lý do chúng ta chưa có được một chính sách rõ ràng về vấn đề tín dụng, để xảy ra những vấn đề đã nêu trên.

Vậy phải tháo gỡ nút thắt tín dụng này như thế nào? Tôi cho rằng, cần phân tách để xử lý từng vấn đề mà nền kinh tế đang gặp phải.

Thứ nhất, về vấn đề nợ công, phải xác định rõ, nợ công để làm gì, hiệu quả kinh tế ra sao, giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện tại có nên đầu tư theo cách đang làm không? Chẳng hạn, xây một con đường không thể thu tiền lại trong 2-3 năm. Nó có hiệu quả lan tỏa kinh tế ra cả vùng, có thể tới 20-30 năm. Nhưng vấn đề trước mắt và tối quan trọng là đưa được tín dụng tới với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm, vậy có nên ưu tiên đầu tư xây đường không?

Ngoài ra, phải thay đổi tư duy về nợ công. Từ trước tới nay, Việt Nam chưa coi nợ công như một khoản vay nặng lãi nên tiêu xài vô tư, không những không tính tới hiệu quả mà còn để thất thoát rất nhiều (đường cao tốc Việt Nam đắt gấp ba lần Mỹ, theo Bộ trưởng Bộ KHĐT). Đó là vấn đề cơ chế và thể chế gây thất thoát, trong khi, nợ thì người dân phải gánh.

Tóm lại, nguồn tín dụng phải ưu tiên đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Từ hạt giống đó nở ra tạo kết quả kinh tế tốt, để trả lãi và trả nợ.

Thứ hai, phải thông mạch những điểm tắc về tín dụng để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất hợp lý. Hiện đang có những điểm tắc như sau:

- Trái phiếu Chính phủ: Nhà nước phải tạo môi trường bình đẳng cho cạnh tranh nguồn vốn. Dòng tín dụng phải được đưa vào sản xuất.

- Nợ xấu: Thực chất, hệ thống ngân hàng đã ôm nợ xấu có nơi tới 30-40%, trong khi vốn điều lệ của ngân hàng thông thường chưa bằng 10% tổng tài sản. Chính phủ chỉ đạo VAMC đứng ra mua nợ xấu để làm sạch báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại nhưng phương thức đó chưa giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu. Nếu không có giải pháp, nợ xấu sẽ thêm xấu, đồng thời chính tại các ngân hàng cũng phát sinh thêm nợ xấu nữa (ngân hàng thương mại cho vay ở kênh được coi an toàn nhưng không tạo ra sản phẩm cho nền kinh tế).

- Tín dụng bất động sản: Một thời kỳ khá dài, tín dụng đi vào bất động sản. Nhưng các chủ đầu tư làm những sản phẩm không có thị trường cho nên xây dựng những villa liền kề, căn hộ cao cấp… để hoang. Ban đầu những người đầu cơ cũng đến vay để đầu cơ nhưng rồi không bán được, chủ đầu tư cũng chết nên ngân hàng phải ôm nợ xấu. Bất động sản không có đầu ra mà 10 năm nữa cũng không chắc có đầu ra vì sản phẩm không phù hợp với thị trường.

Trong khi đó, phân khúc nhà xã hội với mức giá 10-15 triệu đồng/m2, có thị trường, nhưng bị tắc ở vấn đề tài chính. Nhiều người muốn mua căn hộ với giá như vậy nhưng họ không có tiền thì làm sao họ mua được. Ở các nước chỉ, mỗi hộ gia đình chỉ đầu tư 30% thu nhập vào bất động sản nên dù người dân có tiếp cận được gói 30.000 tỷ hiện nay, họ cũng không có thu nhập để trả nổi.

Các nước khác giải quyết vấn đề này bằng cách xây dựng một hệ thống tài chính để người mua có thể vay và trả được để mua nhà, trả góp trong thời hạn 20-30 năm, với lãi suất không quá 3-4%. Bất động sản ở các nước khác thể hiện 20-30% tổng sản phẩm quốc nội: nhà đất, sắt thép, nội thất… Nếu khơi thông được dòng tín dụng này, sẽ tạo được tác động lan tỏa tới các ngành sản xuất khác.

PV: - Thời gian còn lại có đủ để doanh nghiệp Việt Nam vững vàng đón thời điểm 2017, khi hoàn toàn tuân thủ các thỏa thuận của WTO hay không, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: - Dù doanh nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ sung mãn nhất thì thời điểm 2017, cũng phải chịu sức ép vô cùng lớn: doanh nghiệp nước ngoài được vay vốn với lãi suất 1-2% (mức lãi suất phổ biến ở các nước phát triển), họ có hệ thống phân phối bán hàng cực kỳ bài bản, họ sản xuất với số lượng lớn nên giá thành cạnh tranh…

Cùng với việc mở cửa hoàn toàn thị trường, hệ thống bán lẻ nước ngoài cũng đang phủ rộng trên thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp Việt đã thua kém về mọi mặt sẽ còn bị lệ thuộc về kênh phân phối cho thị trường trong nước.

Về khía cạnh xuất khẩu, dù kim ngạch xuất khẩu, trong năm 2013, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm tới hơn 68%, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 32% nhưng trong phần 32% đó, hơn một nửa là nhập nguyên liệu, chủ yếu từ Trung Quốc. Không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng làm hàng xuất khẩu. Hiện nay Việt Nam đã lệ thuộc về vấn đề xuất khẩu. Khi thương lượng được các thỏa thuận kinh tế, Việt Nam sẽ tiếp tục lệ thuộc thêm.

Thực tế, Việt Nam cũng từng có những thương hiệu hàng tiêu dùng nhưng sau đó bị thâu tóm, sáp nhập. Kem đánh răng P/S nhưng giờ thuộc Unilever, Xá xị chợ Lớn... bị nước ngoài mua lại rồi xóa xổ thương hiệu, các chuỗi đồ ăn như Phở 24, Highland Coffee lớn lên được một chút thì bị bán cho nước ngoài. Trong mọi cách nhìn, Việt Nam đều đã hoặc sẽ bị lệ thuộc.

Tất nhiên, không vì thế mà chúng ta buông xuôi. Nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tồn tại được, và phát triển. Trước hết phải tồn tại được thì mới trả được nợ xấu và có thể nói tiếp đến chuyện làm gì để phát triển khi thua kém doanh nghiệp ngoại về mọi mặt.

PV:- Vậy cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam là gì, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: - Đây là một vấn đề lớn, không phải chỉ một hai người nói mà sẽ rõ ràng ra được.

Quan điểm của tôi là không thể nào đầu hàng trước khó khăn, Việt Nam phải tự đánh giá được thị trường để chọn ra hàng tiêu dùng có thể làm gì thì đẩy mạnh nó lên. Đặt biệt, hàng nông nghiệp phải làm tốt hơn, để không những cung ứng thị trường trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Một số nước khi phải hội nhập đầy đủ đã chuyển hướng sang việc làm hàng với hàm lượng trí tuệ cao, tỷ lệ nội địa hóa cao, công nghệ cao hoặc “hand made”, độc đáo, chất lượng cao với giá bán cao, đây cũng là một gợi ý cho Việt Nam.

Thẳng thắn mà nói, những chuyện như vậy, lẽ ra, phía quản lý nhà nước phải nhìn ra từ cách đây nhiều năm rồi. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập thấp. Nếu không thoát ra được thì khó mà tránh khỏi bẫy lệ thuộc.

Hoàng Hạnh

đất việt

Các tin tức khác

>   Nợ xấu TPHCM tăng hơn 16.000 tỷ đồng sau 8 tháng (14/10/2014)

>   Ngân hàng vẫn hưởng chênh lệch lãi suất cao (14/10/2014)

>   Doanh nghiệp nhỏ được vay ưu đãi tối đa 30 tỷ đồng/dự án (13/10/2014)

>   Giải cứu ngân hàng bằng niềm tin (13/10/2014)

>   Tâm lý ngầm của tỷ giá (13/10/2014)

>   Quý IV, tín dụng sẽ tăng mạnh (13/10/2014)

>   Đằng sau cuộc sáp nhập Ngân hàng - Công ty tài chính (13/10/2014)

>   Tổng tài sản ngân hàng vượt 6 triệu tỷ đồng (12/10/2014)

>   Cạnh tranh ngân hàng: “Sống gần nhau thân mới thẳng” (12/10/2014)

>   Xử lý tài sản bảo đảm trong thủ tục phá sản (12/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật