Nước Anh tới gần hơn ngưỡng cửa rời EU
Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), nếu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm tới, Thủ tướng Anh David Cameron hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc nước Anh có nên tiếp tục ở lại hay sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Anh đang ở gần ngưỡng cửa rời khối EU.
|
Trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu, ông Cameron cam kết sẽ thương lượng một thỏa thuận với các đối tác của EU vừa để cải thiện quan hệ với khối này vừa có thể thúc đẩy sửa đổi những điều khoản theo hướng có lợi cho London.
Giới quan sát đánh giá việc ông Cameron đột ngột nói nhiều đến chính sách hạn chế di cư từ các nước EU vào Anh không chỉ phi thực tế mà còn có nguy cơ khiến khả năng nước Anh rời khỏi EU dễ xảy ra hơn. Chính sách của đảng Bảo thủ đối với vấn đề nhập cư của EU cho đến nay tập trung vào việc hạn chế người nhập cư tiếp cận các chế độ phúc lợi xã hội của Anh và kéo dài hơn thời gian để công dân các nước thành viên mới của EU được tự do di chuyển tới Anh.
Tuy nhiên, thất bại của đảng Bảo thủ trước UKIP trong cuộc bầu cử bổ sung tại Clacton mới đây - và nguy cơ thua đảng đối lập này thêm lần nữa ở Rochester vào tháng tới - đã làm thay đổi những tính toán của ông Cameron. Giờ đây, ông đang tìm kiếm một "cần hãm khẩn cấp" về số lượng người nhập cư EU tới Anh. Dù không nói rõ sẽ đưa ra biện pháp thế nào nhưng tại hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ cuối tháng trước, ông Cameron đã cam kết rằng "khi đề cập tới vấn đề di chuyển tự do, tôi sẽ có được điều mà nước Anh cần".
Những ý kiến của Anh đã bị Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Ủy ban châu Âu (EC), José Manuel Barroso, thẳng thừng gạt bỏ tại Hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra. Nhấn mạnh việc áp đặt mức trần về số lượng người nhập cư EU sẽ không bao giờ được chấp nhận, ông Barroso đồng thời cảnh báo nước Anh sẽ để mất sự liên kết với toàn cầu nếu đi theo con đường này. Từ rất lâu trước khi Anh gia nhập EU năm 1973, Ủy ban Kinh tế châu Âu (EEC) lúc đó đã dựa trên 4 nguyên tắc tự do: Nền tảng về lao động, vốn, hàng hóa và dịch vụ. Nước Anh không thể chọn lựa bất tuân thủ một trong bốn nguyên tắc cốt lõi này và bởi vậy, việc ông Cameron đòi thương lượng lại các nguyên tắc nói trên có thể dẫn tới thất bại.
Tờ "Thời báo Tài chính" đi đến kết luận rằng tổn thất dễ thấy nhất chính là mối quan hệ của Anh với châu Âu. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tuần trước nhận định chiến lược châu Âu của Anh đang khiến nước này bị mất bạn bè và cả ảnh hưởng trong liên minh kinh tế và chính trị quan trọng nhất của khu vực mà nước này là thành viên.
P. Thùy
hải quan
|